'Ăn cơm trước kẻng', cô dâu ê chề bị chú rể nói một câu khi đòi thêm sính lễ trong ngày cưới

Bố mẹ chú rể còn liên tục hạ mức sính lễ tới thấp nhất vì cho rằng cô dâu mang thai trước khi cưới thì coi như “ván đã đóng thuyền”.

Một đám cưới được tổ chức ở Tô Châu, Giang Tô (Trung Quốc) đã gây xôn xao cộng đồng mạng, theo trang 163 đưa tin.

Cô dâu vốn là người tỉnh khác đến Tô Châu làm việc. Sau khi vài lần ra mắt gia đình, chú rể rủ cô dâu về nhà ở chung. Để tiết kiệm chi phí, cô gái đã đồng ý. Không lâu sau, cô mang thai nên hai người nhanh chóng làm đám cưới.

Bố mẹ chú rể cho rằng cô dâu mang thai trước khi cưới thì coi như "ván đã đóng thuyền", liên tục hạ mức sính lễ tới thấp nhất. Tuy nhiên, nhà tân hôn và xe hơi đã được nhà trai chuẩn bị đầy đủ cho cặp đôi.

Nhà rơi vào thế bị động nên cũng không có ý kiến gì, chỉ mong con gái gả đi nhanh nhất có thể trước khi sinh con.

Tuy ngoài mặt đồng ý nhưng nhà gái lại cảm thấy bị coi thường, cho rằng nhà trai lấy lý do cô dâu "ăn cơm trước kẻng" nên không muốn đưa sính lễ. Vì thế ngoài số tiền sính lễ 30.000 NDT (hơn 106 triệu đồng), nhà gái muốn nhà trai chi thêm 88.000 NDT (hơn 313 triệu đồng) coi như phí để cô dâu xuống xe khi kết thúc nghi thức rước dâu.

Ngày diễn ra hôn lễ, khi đoàn xe rước dâu đến trước cửa nhà hàng tổ chức tiệc cưới, cô dâu nhớ lời bố mẹ dặn nên một mực đòi 88.000 NDT mới đồng ý xuống xe. Hành động này khiến mọi người xung quanh vô cùng ngỡ ngàng.

Cô dâu bật khóc khi thấy chú rể tuyên bố không cưới thì thôi rồi bỏ đi.

Cô dâu bật khóc khi thấy chú rể tuyên bố không cưới thì thôi rồi bỏ đi.

Chú rể nhanh chóng lấy điện thoại gọi cho bố mẹ vợ thương lượng, chẳng ngờ lại bị mắng té tát một trận. Sau một hồi giằng co nhưng không có kết quả, chú rể lạnh lùng tuyên bố: "Thích cưới thì cưới, không cưới thì thôi. Đến từ đâu thì cút về đó cho tôi".

Nói xong, chú rể đá cửa bỏ đi. Cô dâu không ngờ chú rể lại hành xử như vậy, khóc lóc gọi điện cho chú rể giải thích và nói chỉ cần anh trao một phong bao lì xì đỏ cho có lệ là được. Sau đó, hôn lễ tiếp tục được tổ chức theo quy trình.

Ngay khi được đăng tải, đoạn video ghi lại sự việc lập tức thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng và lan truyền nhanh "chóng mặt". Nhiều người lên tiếng chỉ trích hành động của cô dâu và nhà gái.

- "Chú rể đã mua nhà mua xe và còn tặng thêm 30.000 tệ sính lễ là may mắn lắm rồi. Thái độ tham lam ắt phải nhận lấy hậu quả",

- "Cũng may là cô dâu đã biết đổi ý và xử lý tình huống kịp thời, nếu không thì đến cả sính lễ còn không có chứ nói chi phí xuống xe"...

Đàn ông Trung Quốc phải bỏ ra bao nhiêu tiền mới cưới được vợ?

Theo The Paper, thành phố Lương Sơn, tỉnh Tứ Xuyên là một trong những địa phương có "giá cô dâu", mức sính lễ cưới hỏi, cao tại Trung Quốc.

Cuối tháng 3, nhiều cư dân đã gửi ý kiến phản ánh đến chính quyền địa phương rằng những năm qua, dù đã có văn bản quy định về "tiêu chuẩn tổ chức đám cưới", song nạn "hét giá" cô dâu vẫn còn tồn tại.

Trên thực tế, đa số người dân ở Lương Sơn đều thấy phản cảm trước thực trạng giá lễ vật cao ngất ngưởng và các đám cưới được tổ chức với quy mô "khủng". Không ít gia đình bất lực khi không thể đủ kinh tế để cưới vợ cho con, khiến họ rơi vào vòng luẩn quẩn.

Các ý kiến của người dân đều cho rằng nên có một giới hạn nhất định về tiền sính lễ và "giá sính lễ rước dâu".

Nhiều cặp đôi Trung Quốc đã tan vỡ vì nhà gái đòi hỏi sính lễ quá mức. Ảnh minh họa

Nhiều cặp đôi Trung Quốc đã tan vỡ vì nhà gái đòi hỏi sính lễ quá mức. Ảnh minh họa

Các địa phương đã đưa ra văn bản quy định giá cô dâu trong các cuộc hôn nhân ở nông thôn không được vượt quá 80.000 nhân dân tệ (288 triệu đồng), đối với công chức không vượt quá 60.000 tệ (216 triệu đồng).

Tuy nhiên, việc quản lý vấn nạn giá quà cưới quá cao là một quá trình lâu dài và phức tạp, đòi hỏi sự tham gia chung của toàn xã hội.

Tháng 6/2013, "bản đồ" giá thách cưới ở đất nước tỷ dân lần đầu được Sina đăng tải. Theo đó, tiền thách cưới cao nhất là ở Thượng Hải, bao gồm một căn nhà và 100.000 NDT (14.900 USD).

Tại tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh, Giang Tây và Thanh Hải vào khoảng 500.000 NDT (gần 75.000 USD); Sơn Đông, Hồ Nam, Chiết Giang có "giá chung" là 100.000 NDT (14.800 USD), con số tương đối cao so với tổng thu nhập bình quân đầu người hàng năm của người dân nước này, theo ThinkChina.

Dựa trên báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc năm 2014, tổng thu nhập bình quân đầu người hàng năm của công dân thành thị là 27.000 NDT (4.020 USD) và 8.900 NDT (1.300 USD) đối với người ở nông thôn.

Như vậy, nếu bị nhà gái thách cưới 100.000 NDT, một chàng trai thành thị Trung Quốc phải tiết kiệm tiền trong khoảng 4 năm, còn anh chàng ở nông thôn phải tốn hơn 12 năm, chưa kể các loại phí khác.

Đến các năm gần đây, tiền thách cưới đã tăng gấp đôi ở nhiều vùng nông thôn trong khi thu nhập hàng năm chỉ tăng nhẹ. "Không đủ tiền thách cưới, không gả con" dường như là bức tranh tổng quát về thị trường hôn nhân ở Trung Quốc.