Từ bỏ ý định ban đầu vì bạn trai Trung Quốc
Chị Tiểu Mỹ (sinh năm 1984, quê tỉnh Thanh Hóa) sinh ra trong một gia đình nghèo có 3 anh chị em. Năm 2003, chị đỗ vào một trường cao đẳng ở Hà Nội, nhưng vì gia đình không đủ khả năng nên chị đành bỏ học và sang Đài Loan làm việc.
Sau 2 năm xa quê, chị trở về Việt Nam định đi học lại nhưng trường học 3 tháng sau mới khai giảng nên chị lại đi tìm việc làm. Tình cờ một nhà máy ở thị trấn đang tuyển phiên dịch tiếng Trung nên chị đã đi phỏng vấn và được nhận vào làm. Nhưng không ngờ công việc này lại làm thay đổi ý định học đại học ban đầu của chị, đồng thời dẫn đến một mối tình xuyên biên giới.
“Sau 2 tháng làm việc tôi phát hiện có một chàng trai trẻ tên là Mã Kim Quân chú ý đến mình. Anh ấy bắt chuyện với tôi, thi thoảng còn tặng quà nữa nhưng tôi không có hứng thú với anh. Vì khi ấy tôi chỉ muốn kiếm tiền để đi học lại và cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc lấy chồng Trung Quốc.
Chị Tiểu Mỹ khi còn trẻ.
Nhưng sau này, công nhân trong nhà máy xì xào bàn tán, bảo chúng tôi trai tài gái sắc, rất xứng đôi. Lại nghe anh Quân nói, anh là con trai một trong nhà, sinh ra ở Chiết Giang, một tỉnh có nền kinh tế phát triển của Trung Quốc, cưới được anh chắc chắn tôi sẽ được hạnh phúc nên những dự định ban đầu của tôi dần bị lung lay.
Hơn nữa, anh Quân luôn kiên trì theo đuổi tôi, khiến tôi cảm thấy anh rất nghiêm túc trong mối quan hệ này nên tôi đã thử hẹn hò, tìm hiểu anh ấy xem sao. Nhưng điều thực sự khiến tôi mở lòng và chấp nhận anh chính là việc anh thể hiện được tinh thần trách nhiệm của một người đàn ông và mang đến cho tôi cảm giác an toàn chưa từng có”, chị Mỹ nói.
Chị kể, anh thường giúp đỡ chị trong các vấn đề kế toán và mua hàng. Khi có người làm khó chị, anh luôn đứng ra bênh vực, giúp đỡ chị. Hay vào ngày sinh nhật của chị, anh đã chu đáo chuẩn bị một bữa tiệc gồm bánh và hoa hồng, đồng thời tỏ tình chị. Xúc động, chị Mỹ đã đồng ý làm bạn gái anh mà không do dự.
Vượt qua rào cản gia đình để lấy chồng Trung Quốc
Khi bố mẹ chị Mỹ biết chị có bạn trai người Trung Quốc, họ phản đối kịch liệt, vì không nỡ gả con gái đi xa. Để chia cắt hai người, bố mẹ chị Mỹ thậm chí còn không cho chị đi làm trong nhà máy, họ hàng luân phiên tới khuyên chị chia tay. Mãi tới khi chị nói dối sẽ chia tay anh Quân, gia đình mới cho phép chị quay lại nhà máy làm việc.
Về phía anh Quân, trước sự phản đối của bố mẹ chị Mỹ, anh không từ bỏ tình yêu của mình. Thay vào đó, anh Quân thường xuyên đến nhà chị hơn, lần nào cũng quà cáp đầy đủ. Anh cứ ngỡ sự chân thành sẽ cảm hóa được bố mẹ chị Mỹ, nhưng bố mẹ chị luôn thờ ơ, phớt lờ anh.
Sau đó, chị Mỹ đành phải nhờ chú khuyên bố mẹ mình, nói rằng anh Quân sẽ làm việc ở đây lâu dài. Nếu hai người kết hôn, bố mẹ chị Mỹ vẫn có thể gặp chị thường xuyên. Nghe xong, bố chị Tiểu Mỹ không phản đối nữa nhưng mẹ chị vẫn khóc lóc van xin chị đừng lấy chồng xa. Thấy mẹ khóc, chị Mỹ không chịu nổi nên quyết định chia tay với anh Quân.
Tuy nhiên, anh vẫn không bỏ cuộc. Sau này, thấy anh Quân kiên trì như vậy, cuối cùng mẹ chị cũng đồng ý cho hai người qua lại.
Đám cưới của cặp đôi.
Tưởng rằng cả hai có thể làm việc ở nhà máy lâu dài, nhưng không ngờ cuối năm ấy công ty gặp khó khăn nên phải ngừng hoạt động. Biết chuyện, sợ con gái theo bạn trai về Trung Quốc nên một lần nữa mẹ chị Tiểu Mỹ lại cấm chị không được qua lại với anh Quân.
Dịp Tết nguyên đán năm đó, anh Quân về quê làm việc nhưng anh vẫn không muốn chia tay bạn gái người Việt. Sau đó, anh tìm cho chị một công việc phiên dịch ở Trung Quốc với mục đích muốn chị sang đây cùng mình. Nhưng, bố mẹ chị Tiểu Mỹ kịch liệt phản đối. Nhưng, chị vẫn nghe theo tiếng gọi con tim, âm thầm xin hộ chiếu, làm vissa rồi đến Trung Quốc.
Cô gái Việt chết lặng khi lần đầu đến nhà bạn trai và cuộc sống làm dâu khó khăn nơi xứ người
Lần đầu tiên đến quê bạn trai ở Thiệu Hưng, Chiết Giang, chị Mỹ đã chết lặng. “Vốn tưởng Chiết Giang là nơi phồn hoa, nhà nào cũng giàu có, hoặc ít nhất là khá giả, không ngờ nhà anh ấy lại rất khó khăn. Nhà tôi ở Việt Nam tuy không giàu lắm nhưng cũng sống trong căn nhà 2 tầng với đầy đủ đồ dùng sinh hoạt hàng ngày. Nhưng gia đình anh lại sống trong một ngôi nhà cũ, trong nhà không có gì quý giá.
Sau này tôi mới biết, trước đây điều kiện gia đình anh khá giả, nhưng sau đó công việc kinh doanh của bố anh phá sản và phải bán nhà. Tôi rất thất vọng khi thấy gia đình chồng tương lai của mình như thế này. Nhưng tôi nghĩ, chỉ cần cả hai cùng nhau cố gắng và chăm chỉ làm việc thì sau này chúng tôi vẫn có thể có cuộc sống giàu có”, chị Mỹ bộc bạch.
Mối quan hệ giữa chị Mỹ và chị chồng rất tốt.
Sau đó, chị sống chung cùng gia đình bạn trai. Thái độ của mẹ anh đối với chị không mấy thân thiện. “Bà thường nhìn tôi với ánh mắt đầy khinh thường. Mặc dù lúc đó tôi không hiểu tiếng Chiết Giang nhưng qua thái độ là tôi biết bà ấy không thích tôi. May thay, ngoài mẹ anh Quân, những thành viên khác trong nhà đều rất tốt với tôi”, chị Mỹ nói.
Một thời gian sau, cả hai tổ chức đám cưới, nhưng không có vàng cũng chẳng có nhẫn cưới, thậm chí không chụp ảnh cưới. Mặc dù chẳng mất đồng nào mà vẫn có con dâu, nhưng mẹ anh Quân vẫn hằn học với chị Mỹ, thường xuyên mắng mỏ chị không tiếc lời. Những lần như thế, chị Mỹ đều im lặng.
Khi bố chồng và ông bà nội chồng biết mẹ chồng bắt nạt nàng dâu, họ đã trách mắng bà rồi an ủi chị Mỹ. Tuy chịu nhiều ấm ức, nhưng chị Mỹ vẫn ở lại Trung Quốc vì chị có một người chồng tuyệt vời, chăm chỉ và biết quan tâm đến vợ.
Mãi tới năm thứ 2 sau khi kết hôn, cả hai mới trở về Việt Nam làm thủ tục kết hôn. Tại đây, cả hai đã tổ chức thêm một đám cưới nữa với 50 bàn tiệc. Bố chồng chị cũng đưa cho nhà gái 20.000 tệ (gần 70 triệu đồng) làm sính lễ, tuyên nhiên sau đó bố chị Mỹ đã trả lại một nửa.
Sau khi trở về Trung Quốc, cặp đôi vẫn sống với bố mẹ chồng. Mẹ chồng chị Mỹ vẫn vậy, thường xuyên gây rắc rối cho con dâu. “Tôi không thể đi làm, chỉ có thể bảo chồng mang công việc ở xưởng tất anh đang làm việc về nhà để tôi làm thêm. Tôi vừa chăm con, vừa làm việc, vừa lo việc nhà, ngày nào cũng bận tối mặt nhưng mẹ chồng vẫn không hề có thiện cảm với tôi.
Sau 2-3 năm làm dâu, tôi không nhẫn nhịn được nên bắt đầu phản bác khi bị mẹ chồng mắng. Vì thế bà càng ghét tôi hơn. Nhưng bố chồng lại thương tôi như con gái ruột. Khi mẹ chồng mắng tôi, ông sẽ mắng lại bà và giúp tôi chăm sóc con”, nàng dâu Việt nghẹn ngào kể.
Sau đó, vợ chồng chị dành dụm được một ít tiền nên đã mua máy móc và mở một xưởng sản xuất tất nho nhỏ. Tuy nhiên, hoạt động chưa lâu thì công việc kinh doanh bị thất bại.
Hai con của chị Mỹ.
Khi con gái chị được 2 tuổi, bố chồng đã cho chị vay một khoản tiền nhỏ để mở một cửa hàng quần áo trong thị trấn. Sau 3 năm, chị đã trả được hết nợ cho bố chồng và mua một chiếc ô tô.
Khi mang thai con thứ 2, chị Mỹ không thể kinh doanh được nữa nên đành bán cửa hàng và trở về quê. Không ngờ, sau khi về không lâu, mẹ chồng biết được chuyện bố chồng cho chị Mỹ vay tiền nên gia đình lại xảy ra xung đột.
“Lúc đó tôi đang mang thai đứa con thứ hai được 7 tháng, nhưng mẹ chồng đối xử với tôi rất tàn nhẫn. Điều đó khiến tôi ớn lạnh, tủi nhục và đòi về Việt Nam, bố chồng và ông bà nội lần lượt đến thuyết phục, chồng tôi cũng khuyên nhủ nên tôi đã ở lại”, chị Mỹ nghẹn ngào kể.
Dẫu vậy, sau đó mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu vẫn xảy ra, thậm chí có lúc mẹ chồng còn cầm chổi đánh nàng dâu đang mang bầu. Lần này, anh Quân đã nghiêm khắc cảnh cáo mẹ mình. Đồng thời, anh dự định sẽ mua nhà ra ở riêng để giảm bớt mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu.
Không ngờ lúc này mẹ chồng chị Mỹ lại xuất huyết não và cần phẫu thuật, tiền anh chị tích cóp mua nhà đều phải dùng để chi trả mọi chi phí y tế cho bà. Khoảng thời gian đó, chị Mỹ cũng chăm sóc mẹ chồng hết lòng. Tưởng rằng khi khỏi bệnh bà sẽ thay đổi thái độ với chị nhưng không ngờ bà vẫn như xưa.
Tuy làm mọi cách vẫn không thể hóa giải mâu thuẫn với mẹ chồng, cuộc sống hiện tại không hề hoàn hảo và khá giả, nhưng chị Mỹ khẳng định chị không hề hối tiếc khi lấy anh Quân làm chồng. Bởi chị yêu anh, chị cũng tin rằng cuộc sống sau này sẽ tốt đẹp hơn.