Nhiều người cho rằng bạo hành là điều không thể chấp nhận trong hôn nhân, một khi động chạm tới giới hạn này thì tốt nhất nên ly hôn. Tuy nhiên, vẫn có những người cố chấp níu giữ cuộc hôn nhân này dù họ bị đánh đập, bạo hành hết lần này đến lần khác.
Vợ chồng bà Lý ở Chu Khẩu (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) bị vô sinh nên cách đây 30 năm, vợ chồng bà đã nhận nuôi một cô con gái ở làng bên. Vất vả lắm họ mới nuôi cô ăn học thành người, đã vậy còn là thạc sĩ, nên Tiểu Phạm luôn là niềm tự hào trong mắt bố mẹ nuôi.
Sau này Tiểu Phạm ra làm giáo viên và lập gia đình như bao người khác. Cứ tưởng con gái sau khi lấy chồng thì vợ chồng bà Lý sẽ đỡ vất vả nhưng không ngờ, con gái chưa bao giờ để ông bà bớt lo lắng. Ngày nào trong nhà cũng cãi vã liên miên khiến vợ chồng bà Lý kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần.
Chẳng là Tiểu Phạm và chồng kết hôn được 5 năm, có với nhau 2 đứa con nhưng vì tính chất công việc, chồng cô sống ở thành phố khác nên cả hai ngày càng ít gặp nhau. Thời gian gần đây, vợ chồng bà Lý một mực bắt con gái phải ly hôn nên nhà cửa mới không yên.
Bà Lý nhất quyết bắt con gái phải ly hôn vì con rể là kẻ vũ phu.
Thực ra vợ chồng bà Lý cũng không phải là người vô lý. Sở dĩ ông bà bắt con gái ly hôn vì con rể tính tình nóng nảy, hay cáu gắt và là kẻ vũ phu, không nỡ để con gái chịu khổ như vậy nên ông bà mới muốn con ly hôn.
“Cuộc hôn nhân của con gái nuôi tôi không hạnh phúc. Vài năm trước, hai vợ chồng nó xảy ra xung đột. Lúc đó con rể hứa sẽ không bao giờ đánh vợ nữa nhưng cách đây 1 tuần, tôi lại nghe tin nó đến tận trường con gái tôi làm việc để đánh vợ. Mọi người nói tôi mới biết, chứ con gái bị chồng đánh cũng chẳng hé răng với chúng tôi nửa lời.
Con rể là kẻ vũ phu, một tháng đánh vợ 3-4 lần tôi không lo sao được? Nó đánh chết con gái tôi thì phải làm sao đây? Hai đứa cháu ngoại của tôi phải làm sao đây? Cho nên, tôi mới bắt con gái phải ly hôn để nó có cuộc sống tốt hơn trong tương lai.
Nhưng tôi hỏi vài câu, con bé đã giãy nảy lên không chịu thừa nhận bị chồng đánh. Nó kiên quyết không chịu ly hôn vì nghĩ rằng ly hôn là chuyện đáng xấu hổ”, bà Lý bức xúc nói.
Tiểu Phạm không muốn ly hôn nên thường xuyên cãi vã với bố mẹ nuôi, không khí trong nhà rất căng thẳng.
Nghe mẹ nói, Tiểu Phạm lại cãi nhau với mẹ. Cô liên tục khẳng định chồng không làm gì cô cả, nhưng mẹ lại nghe người khác nói nhảm, cô trách mẹ thà tin người ngoài chứ không tin tưởng cô. Đúng là chồng cô rất nóng tính, vài năm trước từng đánh cô nhưng hai năm qua anh ta không làm gì cả vì hai người ở xa nhau, ít gặp nhau nên xung đột cũng tương đối ít hơn.
Khi chồng cô đến trường thăm cô và các con cách đây một tuần, cả hai đã cãi vã vì những chuyện vặt vãnh nhưng không dẫn đến bạo lực gia đình. Dẫu vậy, bà Lý một hai không tin, ép con phải ly hôn chồng bằng được.
“Mẹ cho rằng con ly hôn sẽ tốt hơn sao? Con có hai đứa con, con lại phải chăm sóc bố mẹ nữa”, Tiểu Phạm chất vấn mẹ nuôi. Tuy nhiên, bà Lý lại nói rằng có rất nhiều người ly hôn mà sống tốt, hai đứa con mỗi người chăm sóc một đứa là được.
Nghe mẹ nói vậy, Tiểu Phạm chán nản hỏi lại: "Giờ con sống là vì hai đứa con đó. Mẹ nói để anh ta nuôi một đứa, con nuôi một đứa thì con biết sống thế nào đây?”.
Sau cùng hai mẹ con mới hiểu nỗi lòng của nhau nên đã làm lành.
Thực ra khi nói chuyện sâu hơn, mọi người cũng biết được Tiểu Phạm chẳng còn trông mong gì ở chồng nữa, nhưng vì do hiện tại không đủ khả năng lo cho các con cuộc sống tốt hơn sau ly hôn nên cô đành nhẫn nhịn chịu đựng. Còn bố mẹ ngày ngày ép cô ly hôn khiến cô rất mệt mỏi, áp lực nên có thái độ cộc cằn, nói những lời khó nghe với bố mẹ nuôi. Cuối cùng, dưới sự thuyết phục của người hòa giải, Tiểu Phạm và bố mẹ nuôi mới làm lành, bà Lý cũng không ép con phải ly hôn nữa.
Trên thực tế, khi con gái gặp bế tắc trong hôn nhân, bố mẹ nên đóng vai trò hỗ trợ, thuyết phục và kịp thời cho con lời khuyên, còn đi hay ở, tốt nhất nên tôn trọng quyết định của con cái. Không chỉ vậy, trong cuộc sống thường nhật, bố mẹ cũng không nên can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con cái, nếu không có thể gây phản tác dụng, khiến mâu thuẫn giữa các con càng bị đẩy lên cao.