Cặp đôi diện Việt phục khi bái lạy gia tiên ở lễ Vu Quy và khi rước dâu.
Hữu Phúc đang là huấn luyện viên thể hình, còn Diễm My sở hữu một Nail Spa. Cặp đôi sinh sống, làm việc tại TP. HCM nhưng đã tạm gác lại công việc về quê nghỉ dịch COVID-19. Đây là dịp để cặp đôi có nhiều thời gian dành cho nhau hơn.
“Mình là người luôn có niềm yêu thích với những món đồ mang nét đẹp hơi thở cổ xưa, vì thế đã gợi ý cho chồng mình việc mặc Việt phục trong lễ cưới. Mình thấy tính thẩm mỹ ở Việt phục sang trọng và nổi bật, tiếp đó là giá trị tinh thần truyền thống và cuối cùng là “độc lạ”, ít “đụng hàng” vì vẫn chưa nhiều người sử dụng nó làm lễ phục cưới. Chồng mình cũng hào hứng với ý tưởng này”, Diễm My chia sẻ.
Cặp đôi cho biết, thời điểm lên ý tưởng và đặt may trang phục là thời gian dịch bệnh nên mọi việc phải thực hiện online từ khâu chọn chất liệu, lấy số đo… Đồng thời, cả hai cũng phải thuyết phục ba mẹ hai bên bởi họ “chưa thấy có ai mặc vậy bao giờ”. Cặp đôi diện Việt phục khi bái lạy gia tiên ở lễ Vu Quy và khi rước dâu.
“Theo mình tìm hiểu, cổ phục thường chuộng những màu như đỏ, vàng, tím, hỏa hoàng… mà mình lại muốn mặc màu trắng để đúng “chất” cô dâu nên đã đặt riêng. Trang phục đặt may phải đúng quy cách như Áo Tấc chú rể thì phải có tay áo dài bằng chiều dài tà áo, áo Nhật Bình cô dâu thì tay áo phải có dãy màu ngũ hành và nhiều chi tiết khác. Chúng mình đã cân nhắc, chọn được chỗ may với giá thành hợp lý. Mình nghĩ cặp đôi nào cũng có thể “tậu” cho mình bộ lễ phục như vậy”, Diễm My bày tỏ.
Phong cách trang trí trong lễ cưới cũng ấn tượng.
Hữu Phúc cho biết, lễ cưới được trang trí theo phong cách mộc mạc, gần gũi, lấy chủ đề là hoa sen trắng kết hợp với nón lá, mành tre… những thứ gợi nhớ về làng quê Việt. Cặp đôi muốn tái hiện lại bối cảnh đám cưới thời xưa nên ban đầu có ý định thuê xe cổ để rước dâu và dàn bưng quả sẽ mặc áo ngũ thân tay chẽn.
“Cả hai vợ chồng đều muốn tự chuẩn bị mọi thứ cho đám cưới nên gặp khá nhiều áp lực. Do tình hình dịch bệnh nên ý tưởng thuê xe rước dâu không trọn vẹn cũng như chưa có bộ ảnh riêng khi mặc bộ lễ phục này. Nhưng tụi mình có niềm đam mê, khi hết dịch chúng mình sẽ có thêm nhiều bộ ảnh về Việt phục”, anh chia sẻ thêm.
Lễ cưới được trang trí mộc mạc, gần gũi với hoa sen, nón lá, mành tre...
Lễ cưới dành được nhiều lời khen ngợi và tạo cảm hứng cho nhiều cặp đôi khác dù trước đó gặp nhiều ý kiến trái chiều khi cặp đôi quyết định lựa chọn mặc Việt phục và phong cách tổ chức, trang trí lễ cưới như vậy. Hữu Phúc và Diễm My cho rằng, việc người trẻ lưu giữ và tái hiện những hình ảnh, giá trị văn hoá truyền thống không nên là một sự "cưỡng cầu". Vẻ đẹp đó nên được họ tự nhận thức thực sự và lan tỏa đến cộng đồng với thái độ trân trọng và tinh thần đúng đắn.