Trước đây ngồi nghe mấy đứa trong hội bạn thân than vãn về cảnh sống chung với mẹ chồng, tôi thực sự không nghĩ rằng sẽ áp lực như họ nói. Khi ấy tôi nghĩ mẹ chồng chắc cũng có người này người kia, mình cứ cư xử tử tế đàng hoàng chắc bà cũng sẽ phải ăn ở đúng mực với con dâu, kể cả không có tình cảm thì cũng phải tôn trọng kiểu như “nước sông không phạm nước giếng”. Thế nhưng tới khi cưới rồi tôi mới thấm cảnh làm dâu là thế nào.
Lần đầu tiên chồng dẫn tôi về giới thiệu gia đình, vừa nghe nói tôi là gái nông thôn mẹ anh tỏ vẻ coi thường ra mặt luôn. Thậm chí bà nói thẳng, yêu con trai bà là có tính toán để được làm dâu thành phố, có hộ khẩu thủ đô, muốn đổi đời mới đu bám anh ấy.
Thái độ coi thường người nhà quê của mẹ chồng khiến tôi thất vọng vô cùng. (Ảnh minh họa).
Đợt đó tôi tự ái lắm vì thực sự sốc trước kiểu đánh giá người khác qua vật chất của bà. Nghĩ bà bảo thủ, suy nghĩ hạn hẹp có cố về làm dâu thì cũng khó sống nên mấy lần chủ động chia tay nhưng chồng tôi không chịu. Anh nói thái độ của mẹ không quan trọng, anh sẽ thuyết phục dần dần. Quan trọng là 2 đứa yêu thương nhau là được.
Chồng tôi đấu tranh thuyết phục mẹ anh vẫn không nghe. Sau anh ấy tuyên bố:
“Nếu mẹ vẫn can thiệp sâu vào chuyện tình cảm của con như thế này, con sẽ không lấy vợ, lúc ấy mẹ đừng giục”.
Rồi anh xin chuyển công tác vào nam hơn 1 năm không về nhà. Ông bà lo quá phải đồng ý cho 2 đứa cưới nhau. Song vì miễn cưỡng nên mẹ chồng tôi kênh kiệu, khó chịu với cả thông gia. Thậm chí, sát ngày ăn hỏi, chồng tôi giục bà mời bố mẹ tôi lên thăm nhà để đôi bên gắn kết mà bà gạt bay bảo:
“Mẹ không có thì giờ tiếp đón thứ nhà quê ấy. Để ngày ăn hỏi rồi gặp mặt nhau cả thể”.
Mọi thủ tục hôn lễ, bà đều lấy lý do 2 nhà xa nhau, chỉ bàn qua điện thoại. Hôm ăn hỏi, bà cũng tuyên bố:
“Chỉ dẫn 3 lễ cơ bản, thông gia có ra gì đâu mà phải dẫn lắm lễ cho phiền hà, tốn kém”.
Chồng tôi đành chiều theo ý mẹ cho đám cưới được suôn sẻ. Đồng thời sợ tôi chạnh lòng, anh động viên vợ:
"Em đừng suy nghĩ, sau này anh sẽ bù đắp lại cho em. Miễn chúng mình được kết hôn, chuyện khác không quan trọng”.
Hôm cưới, mẹ chồng tôi lại càng tỏ thái độ khinh thường thông gia ra mặt. Đám cưới được nhà trai tổ chức trong khách sạn. Bà gọi điện dặn bố mẹ tôi:
“Nhà tôi thuê khách sạn hạng sang, mời toàn khách quý, họ giàu có sang trọng nên ông bà với họ hàng bên ấy ăn mặc cho chỉnh tề, đừng có kiểu lôi thôi tới đó rồi bôi nhọ mặt gia đình tôi”.
Vậy mà trước giờ cử hành hôn lễ, mẹ chồng tôi vẫn cố gọi thông gia nói nhỏ:
“Như tôi nói rồi đó, khách mời nhà tôi toàn người sang trọng, lịch thiệp. Còn ông bà nhìn lại mình đi, mặc kiểu gì cũng không giấu được vẻ nhà quê, tốt nhất đừng lên sân khấu”.
Không ngờ mẹ tôi lên tiếng hỏi lại:
“Vậy 2 cây vàng với cuốn sổ đỏ mảnh đất 100m2 mặt đường tôi chuẩn bị cho con gái biết trao lúc nào?”.
Biết quà hồi môn của thông gia cho con gái giá trị, mẹ chồng tôi lập tức thay đổi thái độ. (Ảnh minh họa).
Miệng nói, tay mở chiếc hộp đựng vàng cùng cuốn sổ đổ khiến mẹ chồng tôi nhìn mà sững sờ, mặt tái, chân chùn lại như chuẩn bị ngất xỉu. Nhưng ngay sau đó bà thay đổi sắc mặt, giọng đon đả:
“Ấy, ông bà đừng hiểu nhầm. Tôi chỉ nói vui một chút chứ ngày cưới của các con, không gì vui bằng bố mẹ 2 bên xum vầy đứng cạnh. Ông bà lên sân khấu đi, ông bà đứng bên phải cô dâu chú rể, vợ chồng tôi đứng bên trái cho tình cảm”.
Thực ra bố mẹ tôi trước đây làm công nhân, ông bà tích cóp chắt chiu cả đời mua được 2 mảnh đất dưới quê. May mắn có dự án làm đường đi qua, đất lên giá, ông bà liền cho tôi một mảnh làm của hồi môn cùng 2 cây vàng ông bà tích cóp để dành được mong con gái về nhà chồng cho đỡ thiệt. Quả thật, sau hôm cưới, mẹ chồng cũng thay đổi thái độ, niềm nở, vui vẻ với tôi hơn nên cảnh làm dâu của tôi cũng không còn quá ngột ngạt mọi người ạ. Có điều thi thoảng nghĩ lại chuyện trước cưới thì vẫn buồn một chút.