Khi ly hôn rồi anh mới nhận ra cô rất quan trọng. (Ảnh minh họa)
Anh là con thứ 2 trong một gia đình có 3 anh em. Gia đình nghèo nên anh rất chăm chỉ học hành, sau khi ra trường thì cưới bạn gái học chung lớp. Mặc dù ban đầu, cuộc hôn nhân này gặp nhiều phản đối nhưng rồi mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Năm đầu tiên kết hôn, anh thuê một căn hộ, cuộc sống cứ vậy êm đềm trôi qua.
Anh và vợ thỉnh thoảng có cãi nhau, chủ yếu vẫn xoay quanh vấn đề tiền nong. Trong khi vợ muốn dành dụm để mua nhà sống riêng, anh nhất quyết đòi gửi một phần tiền lương về cho bố mẹ ở quê.
Anh nói: “Bố mẹ nuôi anh ăn học không dễ dàng gì. 2 anh em của anh vẫn còn đang cuốc đất ngoài ruộng. Anh không thể nào sống hưởng thụ và để mọi người khổ cực như vậy”.
Cứ như vậy, anh và vợ tháng nào cũng cãi nhau, mâu thuẫn lên đỉnh điểm khi vợ anh sinh con gái. Vì không có nhà ở thành phố, không họ hàng người thân nên anh chỉ còn cách để vợ về quê sinh con, còn anh tiếp tục ở lại phố làm việc.
Có lẽ đây là quyết định sai lầm nhất và không lâu sau đó, hàng loạt những cuộc cãi vã nổ ra.
Mẹ anh ở quê gọi điện phàn nàn rằng, vợ anh coi thường người ở quê, cứ làm quá lên mọi chuyện, bình sữa nhất định phải rửa qua nước sôi, còn phải rửa tay các kiểu… Qua những lời kể của mẹ, anh tưởng tượng vợ mình giống bà chúa ở nhà, tức quá nên anh bắt xe về “dạy vợ” một trận.
Thế nhưng, cuộc sống của cô ở quê khác hẳn với những gì mẹ anh kể. Nhà đông con cháu, mẹ chồng suốt ngày chỉ để ý đến cháu trai, chẳng thèm quan tâm đến cháu gái. Vừa mới sinh xong, sữa ít nên cô đành cho con uống sữa bột. Khi con khóc, cô bế dỗ đến lúc quay trở lại mâm cơm chỉ còn một chút đồ ăn thừa.
Có một lần, cô không biết dùng bếp ở quê nên nhờ mẹ chồng nhóm bếp đun nước sôi pha sữa. Cô chưa kịp nói xong thì mẹ chồng đã lao vào mắng mỏ: “Tôi đã vất vả nuôi chồng cô ăn học, giờ còn phả còng lưng phục vụ mẹ con cô nữa”.
Đúng lúc đó, anh về nhà, thấy mẹ và vợ đang cãi nhau, chưa rõ đầu đuôi câu chuyện anh đã thẳng tay tát vợ mình một cái thật mạnh. Cô sửng sốt nói không thành lời. Cô có thể chịu đựng sự gia trưởng của mẹ chồng nhưng không thể chấp nhận một người chồng bạo lực như vậy. Sau đó, cô khóc lóc và vào phòng thu dọn đồ đạc, ôm con định bỏ đi.
Thấy vậy, anh bối rối muốn ngăn vợ lại nhưng mẹ chồng lại ngăn cản: “Đừng có cản nó. Phụ nữ đã có con rồi ai mà thèm cô ta, mấy ngày nữa lại tự khắc mò về thôi”.
Vài ngày sau, cô vẫn không trở về căn nhà đó, mẹ chồng lại nói: “Con trai! Con học rộng, lương cao như vậy, thiếu gì người ưng”.
Anh hy vọng vợ mình sẽ quay trở về nhưng sau đó chỉ nhận được tờ giấy ly hôn. Những gì tiếp theo là một cuộc chiến khốc liệt để giành con. Mẹ chồng dù không thích cháu gái nhưng vẫn quyết tâm ủng hộ việc giành nuôi con của con trai.
Nhìn thấy mẹ mình ôm cháu gái một cách trìu mến, anh cảm thấy lòng thật nhẹ nhõm như thể 2 người đã cùng chung tay đánh đuổi được kẻ địch đột nhập từ bên ngoài.
Hai năm đầu ly hôn, vợ cũ vẫn liên lạc với anh để mong gặp con nhưng lần nào 2 người cũng cãi nhau. Theo thời gian, tần suất cô liên lạc với chồng cũ ngày càng ít đi.
6 năm trôi qua, bỗng một ngày cô nhận được hàng chục nghìn đô từ chồng cũ khiến cô vô cùng bàng hoàng. Anh nói rằng: “Tôi sống không còn bao lâu nữa, đây là toàn bộ số tiền tiết kiệm tôi muốn để lại cho em và con”.
Hóa ra, anh mắc bệnh ung thư, không có khả năng chữa khỏi, muốn dành số tiền này cho vợ con.
Cô hỏi: “Sao anh không giao cho mẹ mình”.
Anh kể rằng, sau khi ly hôn, anh để con ở lại cho bà nuôi và đi làm ăn xa. Lấy lý do nuôi con, mẹ anh tìm mọi cách để anh gửi tiền về. Dần dần, anh thấy mọi chi tiêu trong gia đình đều sử dụng tiền lương của mình. Bất cứ khi nào góp ý, mẹ anh đều mắng nhiếc anh không có lương tâm.
Không còn cách nào khác, anh đành bí mật dành dụm ra một khoản riêng trong những năm qua.
Vừa nói chuyện, anh vừa khóc. Cô cảm thấy anh rất đáng thương.
Anh hỏi: "Em có tha thứ cho anh không?"
Cô trả lời: "Chỉ cần anh hứa với tôi một điều, tôi sẽ tha thứ cho anh".
Anh nói tiếp: "Có chuyện gì vậy?"
Cô trả lời: "Kiếp sau đừng bao giờ gặp lại".
Anh lặng im và không dám nói thêm một câu nào nữa.