Chồng đòi ra ngoài ăn khi thấy mâm cơm vợ nấu, bố chồng nói một câu khiến tôi hạnh phúc

Câu nói của cô bán phở khiến tôi ngẩn người rất lâu. Thì ra, tình yêu đích thực trong hôn nhân không phải là những phân cảnh yêu chết sống như trên phim, mà ẩn giấu trong 3 chi tiết bình dị nhất.

Ngay trước cổng khu nhà nơi tôi sống có một tiệm phở nhỏ. Chủ tiệm là chú Lý và cô Hoa, và đôi vợ chồng này đã bên nhau 30 năm.

Vào 4h sáng mỗi ngày, đèn trong tiệm đã sáng lên. Ninh nước lèo, chuẩn bị nguyên liệu,… hai vợ chồng tất bật như con quay. Điều lạ là, tôi chưa bao giờ thấy họ cãi nhau. 

Hôm nọ tôi không nhịn được liền hỏi cô Hoa: 

- Sao chưa bao giờ cô chú cãi nhau vậy ạ?

Cô Hoa vừa lau mồ hôi vừa cười:

- Mệt muốn chết, lấy đâu ra sức mà cãi nhau?

Câu nói ấy khiến tôi ngẩn người rất lâu. Thì ra, tình yêu đích thực trong hôn nhân không phải là những phân cảnh yêu chết sống như trên phim, mà ẩn giấu trong 3 chi tiết bình dị nhất: 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

1. Mệt mà không oán

Mùa đông năm ngoái lạnh buốt, ống nước trong tiệm phở bị vỡ. Chú Lý ngồi xổm trong bếp sửa ống nước, người ướt sũng vì nước bắn. Cô Hoa mang nước gừng đến, bỗng bật cười khúc khích: 

- Nhìn ông ướt sũng như chuột mắc mưa ấy.

Chú Lý không giận, vừa nhấp ngụm nước gừng vừa đùa: 

- Chà, tay nghề bà lên rồi đấy, nấu nước gừng thôi cũng ngon được như thế này.

Tôi đứng cạnh mà thấy mắt mình cay cay khi ngẫm lại cuộc hôn nhân của mình. Có lẽ bao nhiêu cặp vợ chồng cũng giống như vợ chồng tôi, sau giờ làm về nhà lại cãi nhau vì ai nấu cơm, ai rửa bát. 

Còn đôi vợ chồng này thì sao? 3-4 sáng đã dậy làm việc, chiều lại bày bán thứ khác, mệt đến thẳng lưng không nổi, vậy mà vẫn có thể bật cười khi thấy nhau lấm lem. 

Tình yêu thật sự là gì? Là khi mệt rã rời vẫn nhìn thấy sự đáng yêu của nhau. 

Như lời cô Hoa nói: “Nhìn bóng lưng ông ấy ngồi sửa ống nước, tự dưng tôi nhớ hồi xưa ông ấy viết thư tình cho tôi cũng ngồi y chang vậy, lòng tôi bỗng chùng xuống”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

2. Khó khăn không bỏ

Mùa hè 2 năm trước, chú Lý đột ngột bị xuất huyết não ngã quỵ trong bếp. Bác sĩ nói có khả năng liệt nửa người, con cái của cô chú đều khuyên nên đóng cửa tiệm phở. Nhưng cô Hoa nhất quyết không. Nửa năm ấy, sáng nào cô Hoa cũng dậy sớm mở cửa tiệm rồi đến trưa thì vào viện xoa bóp cho chồng.

Một lần tôi đến thăm bệnh, thấy chú Lý méo miệng, chảy dãi, cô Hoa nhẹ nhàng dùng khăn lau: 

- Ăn chậm thôi, chẳng ai giành của ông cả đâu

Giọng cô Hoa nói với chồng như đang dỗ con. 

4 tháng sau, chú Lý chống gậy đứng bên bếp của tiệm phở như chưa từng đổ bệnh. Giờ mỗi khi đi chợ, cô Hoa luôn nhét vào túi chú Lý một mảnh giấy viết tên cô và số điện thoại, trong ví của chú ấy cũng có, phòng khi chú đổ bệnh giữa đường thì cũng có người nhìn thấy số điện thoại cô mà gọi.

Chú Lý cười, bảo cô Hoa cứ lo xa. Nhưng mảnh giấy đó lúc nào cũng được bác gấp gọn để ngay ngắn trong túi áo trước ngực, trong ví.

Vậy đấy, hôn nhân là khi bạn vấp ngã, có người nâng bạn dậy, đó mới là hạnh phúc thật sự. Giống như bức tranh thêu chữ thập đã phai màu treo trên tường tiệm phở nhà chú Lý cô Hoa: “Vợ chồng hoạn nạn có nhau, khổ cũng thành ngọt".

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

3. Sống chết không rời

Năm ngoái kiểm tra sức khỏe, cô Hoa bị chẩn đoán ung thư vú. Sáng hôm đó, lần đầu tiên tiệm phở đóng cửa không báo trước. Tôi gặp chú Lý trong hành lang, tay chú run run cầm hộp giữ nhiệt: 

- Bà ấy thích nhất canh cá đầu cá lóc, chú phải chạy 3 chợ mới mua được…

Ngày hóa trị, tóc rụng, chính chú Lý cạo trọc đầu cho cô Hoa. Trong gương, hai cái đầu trọc nhìn nhau cười toe toét. Cô hoa đùa: “Giờ thì thành anh em ruột rồi ha!”, vì chú Lý cũng trọc đầu.

Một lần tôi vào thăm cô Hoa, thấy chú Lý đang ngồi xổm đeo tất cho cô rồi đứng dậy đội mũ len cho vợ. Tôi chợt hiểu, cái gọi là “đầu bạc răng long” chưa chắc là cùng lúc tóc bạc, mà là một người trọc đầu, người kia vẫn nguyện cùng trọc. 

Tháng trước cô Hoa tái khám, bác sĩ nói chỉ số đã ổn định. Giờ mỗi tối, tôi luôn thấy hai vợ chồng chú dìu nhau tản bộ trong khu chung cư. Chân chú Lý vẫn chưa thể bước linh hoạt. Tóc giả của cô Hoa bị gió thổi lệch cũng chẳng buồn chỉnh lại. 

Có hôm trời mưa, tôi nghe chú Lý nói: “Bà xã à, ngày xưa bà bảo sẽ nấu mì cho tôi cả đời, giờ đến lượt tôi che ô cho bà cả đời rồi”.

Trên đời này làm gì có chuyện trời sinh một cặp? Chỉ là có người sẵn sàng đưa bạn ly trà khi bạn mệt, làm cây gậy chống khi bạn yếu, và đứng chắn trước cửa khi tử thần gõ cửa. 

Lần tới, nếu bạn than phiền hôn nhân nhạt nhẽo, hãy tự hỏi ba điều: Về muộn có bữa cơm nóng chờ không? Lúc bệnh, có ai chịu thức đêm đi mua thuốc không? Nếu bạn nằm liệt giường, người đó có sẵn sàng đến lau mặt cho bạn mỗi ngày không? 

Tình yêu đích thực chưa bao giờ nằm trong bữa tối dưới ánh nến mà ở trong những bóng lưng cùng nhau lao động lúc tinh mơ, trong độ ấm của thuốc và cháo trắng, trong những nếp nhăn tích tụ suốt năm tháng đồng cam cộng khổ…

Xem thêm: Yêu nhưng không phụ thuộc, khi tình yêu chỉ là một phần của cuộc sống

Gặp hậu phương nhỏ giữa đại lễ lớn 30/4: Tự hào vì anh – người lính thầm lặng của em!