Sau cưới, tôi muốn kế hoạch đôi ba năm để tập trung cho công việc và làm kinh tế nhưng chồng không chịu. Chiều ý anh, tôi cũng “thả”. Tuy nhiên khi vợ có bầu, anh lại chẳng quan tâm săn sóc. Thai kỳ bước sang tháng thứ 4, tôi bị bong rau 30% dọa sảy, bác sĩ chỉ định phải nằm treo chân nghỉ dưỡng tới khi sinh nên buộc phải nghỉ việc không lương. Đây là khoảng thời gian khó khăn nhất với tôi, tiếc rằng thái độ của chồng lại khiến tôi ngày càng thất vọng.
Vợ không đi làm, anh cằn nhằn:
"Người ta kết hôn được nhờ vợ. Đằng này tôi lấy vợ như lấy nợ, tự nhiên đèo bòng, mệt hết hơi".
Nghe chồng nói, tôi tủi thân rơi nước mắt, vẫn cố giải thích:
"Em có muốn như vậy đâu. Thôi vì con, vợ chồng mỗi người cố một chút anh ạ. Vất vả rồi sẽ qua, miễn vợ chồng đồng lòng".
Thái độ ích kỷ của chồng lại khiến tôi ngày càng thất vọng. (Ảnh minh họa)
Anh tiếp tục trách:
"Người vất vả là tôi. Cô ăn không nằm đấy, khổ nỗi gì. Người ta cũng chửa đẻ, có ai như cô".
Bởi áp tâm lý nên tôi sinh non ở tháng thứ 7. Đẻ thiếu tháng, sức khỏe yếu, thường xuyên ho ốm nhập viện. Xót con, tôi quyết định ở nhà chăm thằng bé tới khi cứng cáp mới đi làm trở lại. Vậy mà chồng tôi chẳng hiểu, vẫn mắng vợ:
"Cô chỉ lấy con làm cái cớ để không đi làm. Tôi còn lạ gì".
Rồi kinh tế anh quản lý chặt chẽ, dù thu nhập mỗi tháng gần 30 triệu nhưng chỉ đưa vợ 6 triệu, còn dặn đi dặn lại:
"Ngần đó là thoải mái chi tiêu cho nhà 3 người. Cô làm thế nào thì làm, đừng có chi bừa bãi, đến lúc thiếu, tôi không đưa thêm đâu".
Tôi phân tích rằng, nguyên tiền bỉm sữa, thuốc men cho con đã chiếm phân nửa số tiền đó nhưng chồng tôi không bỏ vào tai. Anh mặc định:
"Thiếu đủ là do phụ nữ có khéo co kéo, vun vén hay không. Tiền tôi đưa chỉ có vậy".
Cũng may bố mẹ đẻ tôi ở gần, thương con gái thi thoảng ông bà lại viện trợ đồ ăn, mua tã bỉm cho cháu. Thế nhưng chồng tôi lại nghĩ đó là việc hiển nhiên ông bà phải làm khi mà con gái không kiếm ra tiền. Thành thử thái độ của anh đối với nhà ngoại cũng khiến tôi thất vọng vô cùng.
Tháng vừa rồi, con tôi lại ốm nhập viện gần 1 tuần. Tiền chồng đưa không đủ, tôi phải nhờ ông bà ngoại hỗ trợ. Vậy mà sang tháng này, nhận lương chồng tôi lại giảm một nửa tiền chi tiêu sinh hoạt. Ngạc nhiên tôi hỏi, anh giải thích:
"Tháng trước cô tiêu vượt định mức 3 triệu, tôi trừ vào tháng này. Nói chung cô liệu cơm gắp mắm. Tiền này tiêu cả tháng, tự căn ke".
Quá nản với chồng, tôi không đáp lại. Tối ấy đi làm về, nhìn mâm cơm chỉ có vài con cá khô mặn chát, anh gằn giọng hỏi:
"Nhà có bao giờ ăn mấy cái thứ này mà cô làm? Thức ăn khác đâu?".
Tôi thản nhiên đáp:
"Trước không ăn thì giờ ăn. Không có món nào khác cả. Anh ăn được thì ăn, không thì thôi".
Khó chịu với vợ, anh quay ra mở tủ lạnh xem có gì ăn được nhưng tủ lạnh cũng chỉ có 2kg cá khô trong ngăn mát, còn lại ngăn đông toàn đá. Mặt anh đỏ bừng, quát vợ:
"Cô ở nhà chợ búa, chi tiêu kiểu gì mà trong nhà không có lấy đồ gì ăn được?".
Không muốn nhẫn nhịn chồng thêm, tôi quyết sẽ thể hiện thái độ cho anh hiểu. (Ảnh minh họa)
Tôi lớn giọng theo:
"Anh nói tôi phải liệu cơm gắp mắm. Tiền anh đưa sau khi trả điện nước, chỉ còn đủ mua cá khô. Từ giờ tới cuối tháng cứ vậy mà ăn".
Nói xong tôi đưa sổ chi tiêu cho anh xem để anh tự tính toán xem vợ có phải người tiêu "vung tay quá trán". Cùng với đó, 3 ngày liên tiếp tôi làm cá khô ăn, không mua bất cứ thực phẩm nào khác. Tới ngày thứ 4, anh tự động chuyển khoản cho vợ 15 triệu bảo:
"Em rút tiền để đi chợ, mua sắm thức ăn. Anh sợ cá khô lắm rồi".
Từ hôm ấy, chồng tôi không còn cò kè tính toán chuyện tiền nong như trước nữa.