Chuyên gia Kwame Anthony Appiah, người phụ trách chuyên mục đưa ra lời khuyên về những tình huống khó khăn trong cuộc sống trên The New York Times, đã chia sẻ bức thư của một người phụ nữ giấu tên kể về người chồng ích kỷ của mình.
Trong thư, cô chia sẻ rằng cả nhà đi du lịch tới Paris (Pháp) nhưng chồng cô bay ở khoang hạng nhất trong khi cô và 2 đứa con chỉ ngồi ghế ở khoang hạng phổ thông.
"Anh ấy biện minh rằng chi phí cao nên chỉ đặt vé cho một mình anh ở khoang hạng nhất. Nếu tôi ngồi cùng anh thì 2 đứa con, một đứa 12 tuổi, một đứa 16 tuổi ngồi ở hạng phổ thông sẽ thấy buồn, cô đơn. Tôi thấy điều này thật không công bằng.
Chồng tôi thậm chí đề nghị đi du lịch trên chuyến bay khác để tôi không cảm thấy sự chênh lệch. Nhưng thực sự không thể giải quyết được tính ích kỷ cố hữu trong con người chồng tôi.
Mặc dù, chúng tôi rất vui khi được đi du lịch cùng nhau. Liệu tôi đã sai điều gì? Liệu có bất công không nếu tôi bay khoang hạng nhất với chồng", cô viết.
Người chồng ích kỉ ngồi khoang hạng nhất còn để vợ con ngồi ghế máy bay hạng phổ thông. Ảnh minh hoạ
Với trường hợp này, Kwame Anthony Appiah đưa ra giải pháp rằng trong khi kinh tế còn khó khăn, 2 vợ chồng cô có thể thay phiên nhau ngồi khoang hạng nhất, theo Insider.
Dù không đề xuất việc ly hôn ngay lập tức, nhưng Appiah viết rằng trong cuộc hôn nhân hiện đại, mỗi người bạn đời phải đối xử với người kia bằng "sự tôn trọng và đạo đức".
Sau khi bức thư của người phụ nữ được chia sẻ, nhiều người dùng mạng cho rằng cô nên ly hôn người chồng ích kỷ này:
- "Đây là cơ sở để ly hôn ngay lập tức", chia sẻ của Lydia Polgreen, nhà báo chuyên mục quan điểm của The New York Times nhận hơn 1,4 triệu lượt xem và 16.000 lượt yêu thích trên Twitter.
- "Chồng của bạn có vẻ là người chỉ yêu và quan tâm đến bản thân mình", bình luận nhận được 3.800 lượt thích trên facebook.
- "Nếu bạn trai của tôi đề nghị anh ấy bay ở khoang hạng nhất và tôi bay ở hạng phổ thông, tôi sẽ vui vẻ mời anh ấy đi khoang hạng nhất. Sau đó, tôi sẽ có thời gian để dọn đồ và đi ngay khỏi nhà ngay lập tức", bình luận được gần 2.000 lượt thích.
- "Tôi sẽ ly hôn người đàn ông này"; "Tôi có thể gợi ý cho bạn một luật sư giỏi. Bạn đã kết hôn với một người coi thường bạn"; "...
Phải làm sao khi có một người chồng ích kỷ?
Hôn nhân sẽ thật khó khăn nếu như bạn phải sống chung với một người chồng ích kỷ. Một người đàn ông ích kỷ thường xem mình là nhân vật trung tâm, xem bản thân anh ấy luôn quan trọng nhất.
Anh ấy chỉ nghĩ đến bản thân mình, đề cao quá mức cái tôi và khao khát sự chú ý, ngưỡng mộ. Anh ấy luôn dành hết thời gian cho công việc riêng và luôn tìm mọi cách để làm sao thành công nhất.
Anh ấy có thể sẽ có thêm tính tự mãn và không yêu bạn nhiều như bạn yêu anh ấy. Anh ấy cũng quan tâm nhiều hơn về nhu cầu và lợi ích của bản thân thay vì quan tâm đến lợi ích gia đình. Khi xảy ra vấn đề, anh ấy thường chỉ quan sát vấn đề bằng con mắt của chính mình, hiếm khi nghĩ cho người khác.
Vì không muốn nhận trách nhiệm, người chồng ích kỷ có thể sẽ luôn đổ lỗi nếu làm sai hay trong nhà xảy ra vấn đề. Anh ấy thậm chí còn đổ lỗi cho bạn cho dù đó là sai lầm của anh ấy.
Một người đàn ông ích kỷ thường xem mình là nhân vật trung tâm, xem bản thân anh ấy luôn quan trọng nhất. Ảnh minh hoạ
Những điều bạn có thể làm
Nói chuyện với chồng:
Bởi vì bạn đã kết hôn và có thể sẽ sống chung cả đời với chồng. Vì thế, hãy nói chuyện một cách cởi mở, trung thực về các vấn đề phát sinh mà không cần phải lo ngại gì.
Hãy nói thật nhẹ nhàng, bình tĩnh bằng giọng thuyết phục nhưng không phải đối đầu. Bạn cũng nên tránh những từ ngữ có tính "cáo buộc" như "anh quá ích kỷ", "anh mà sống nổi với người như anh"…
Hãy cho anh ấy biết những gì bạn cảm thấy:
Bạn có thể thử mở đầu bằng câu: "Em muốn nói chuyện về cách mà mình đối xử với nhau. Em thật sự rất buồn nếu như chúng ta cứ mãi như vậy…".
Nếu chồng bạn nói những điều khiến bạn tổn thương, hãy nói với anh ấy: "Những gì anh nói thật có giá trị với em nhưng những lời đó khiến em có cảm giác mình thật nhỏ bé và vô giá trị trong mắt anh".
Cố gắng không hét lên giận dữ vào lúc đó. Bạn có thể xếp phản ứng và tâm trạng của chồng bạn lúc nghe vợ góp ý trên thang điểm từ 1-10. Nếu anh ấy tức giận hay khó chịu ở một mức độ 3 hoặc cao hơn, bạn không nên tiếp tục nói chuyện nữa.
Đặt câu hỏi:
Trong suốt quá trình chung sống, bạn có thể đặt nhiều câu hỏi (chỉ để hỏi nhưng không phải hỏi kiểu trách móc) với chồng mình. Đặt câu hỏi là một kỹ thuật nhằm "tâng bốc" anh ấy có chủ đích.
Câu hỏi cho thấy rằng bạn cũng đang tập trung vào anh ấy. Khi chủ động giữ anh ấy ở trung tâm, bạn có thể "lèo lái" khéo léo anh sang những vấn đề khác có lợi cho gia đình.