Tôi cảm thấy cô ấy đối xử với gia đình tôi như người dưng chứ chẳng có chút tình cảm gì cả. (Ảnh minh họa)
Hầu hết phụ nữ đều mong muốn cưới được một người chồng tài giỏi, kiếm được nhiều tiền. Nhưng sẽ ra sao nếu thực tế lại trái ngược, phụ nữ trở thành trụ cột chính của gia đình, khoảng cách thu nhập giữa 2 vợ chồng quá lớn sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình như thế nào?
Khi nói về chủ đề này, một bài tâm sự của một người đàn ông Trung Quốc sẽ cho mọi người thấy được thực tế hôn nhân khi người vợ kiếm nhiều tiền hơn chồng.
“Vợ tôi và tôi kết hôn cũng được 7 năm. Người ngoài nhìn vào, họ đều nói tôi may mắn khi cưới được một cô vợ vừa tài giỏi vừa xinh đẹp. Thực tế tôi cũng công nhận rằng vợ mình hơn rất nhiều người, cô ấy là phó tổng giám đốc của một công ty bất động sản, lương hằng năm cũng là 800.000 tệ (4 tỷ đồng).
Cô ấy rất giỏi kiếm tiền. Trong mắt người khác, cô ấy là một người phụ nữ mạnh mẽ, hoàn hảo về mọi mặt, cưới được cô vợ này chắc phải tu mấy kiếp mới được. Mỗi khi nghe nói vậy, tôi đều không trả lời gì thêm.
Tôi và vợ là bạn học cấp 3, chúng tôi đến Vũ Hán học đại học nhưng khác trường. Vào năm thứ 2, cả 2 chỉ đơn thuần là những người bạn bình thường. Cho đến một ngày năm thứ 2, cô ấy bị xe tông và không dám nói với bố mẹ. Cô ấy gọi cho tôi, ngay lập tức tôi đến bệnh viện và chăm sóc suốt nửa tháng. Sau khi cô ấy xuất viện, quan hệ chúng tôi bắt đầu tiến triển và trở thành người yêu.
Sau khi tốt nghiệp đại học, cả hai chúng tôi trở về làm việc ở quê nhà. Với sự giúp đỡ của bố mẹ, tôi làm công việc kinh doanh trong gia đình của người thân, lương 1 tháng cũng chỉ có 5.000 tệ (16 triệu đồng), trong khi đó cô ấy tới một công ty bất động sản làm việc.
Gia cảnh nhà cô ấy không khá giả, thu nhập lại rất bình thường nên bố mẹ tôi không thích cô ấy. Họ muốn giới thiệu cho tôi con gái của một giám đốc, nhưng lúc này tôi chỉ muốn cưới cô ấy làm vợ.
Bất chấp mọi thứ, tôi cũng cưới được cô ấy làm vợ, nhưng thái độ của mẹ tôi với cô ấy rất lạnh lùng. 2 năm sau ngày cưới, cô ấy trở thành giám đốc bán hàng và mức lương cứ thế tăng lên chóng mặt. Lúc này, thái độ của mẹ tôi với cô ấy mới bắt đầu có chút cải thiện.
Nháy mắt một cái đã 7 năm trôi qua, tiền lương của tôi cũng có tăng đôi chút nhưng cô ấy đã trở thành phó tổng giám đốc.
Kể từ khi thăng chức, mối quan hệ ngoài xã hội của cô ấy mở rộng khá nhiều. Tôi nhớ lại nhiều lần chúng tôi đã cãi nhau chỉ vì cô ấy bận tiếp khách đối tác. Vì quá mải mê công việc nên cô ấy không dành nhiều thời gian cho gia đình.
Có lẽ cô ấy cảm thấy rằng gia đình này cần cô ấy hơn nên đối xử với chồng mình tệ đến vậy. Thái độ của cô ấy ngày càng quá đáng, thậm chí là bảo tôi nghỉ làm ở nhà trông con, nhưng tôi khăng khăng không đồng ý.
Tôi có thể chịu đựng tất cả những gì cô ấy đối xử với tôi, nhưng sự việc lần này khiến tôi vô cùng tức giận và nghĩ tới vấn đề ly hôn.
Em trai tôi sắp kết hôn, nhưng cả 2 không có điều kiện để mua nhà. Em trai tôi nói rằng nếu không mua được nhà thì không có chuyện cưới xin gì hết. Lúc đó, em trai tôi nói không có tiền, bố mẹ cũng không giúp được gì. Nó nói là bảo vợ tôi cho mượn 400.000 tệ để mua nhà, tôi đem chuyện này bàn với cô ấy thì bị từ chối phũ phàng.
Tôi và cô ấy cãi nhau một trận rất lớn, tôi đã tát cô ấy và đề nghị ly hôn. Tôi cảm thấy cô ấy đối xử với gia đình tôi như người dưng chứ chẳng có chút tình cảm gì cả. Kể từ khi cô ấy thăng chức, tăng lương, mâu thuẫn của cả 2 ngày càng nổ ra nhiều hơn.
Tôi đã nhẫn nhịn rất nhiều lần để gìn giữ hạnh phúc gia đình này, hy sinh để cô ấy thăng tiến trong công việc, nhưng cuối cùng những gì tôi nhận được chỉ là sự coi thường từ cô ấy. Chính vì thế, tôi nghĩ ly hôn chính là sự giải thoát tốt nhất”.