Tính tới thời điểm này, tôi đã cưới được 10 năm, cuộc sống hôn nhân cứ đều đều trôi qua. Giữa hai vợ chồng hầu như không bao giờ có cãi vã, to tiếng. Thậm chí trong mắt hàng xóm, họ coi chúng tôi là gia đình kiểu mẫu, đáng để học hỏi.
Song chẳng ai hiểu được, thực chất bình yên giữa vợ chồng tôi được đánh đổi bằng chính sự nín nhịn, cam chịu của tôi trong suốt ngần ấy năm làm vợ. Bởi chồng tôi tính gia trưởng, sống độc đoán, anh không bao giờ biết để ý tới suy nghĩ, lập trường của vợ.
Do quá nhiều lần bị chồng làm cho tổn thương mà sau cùng tôi chọn cách im lặng, chấp nhận sống quên bản thân, mọi thứ làm theo ý chồng cho nhà cửa được yên ả. Vì có nói lại, anh cũng không để ý tới suy nghĩ, mong muốn của vợ là gì. Suốt 10 năm hôn nhân, tôi chỉ như cái bóng trong nhà, cố gắng lo trọn bổn phận dâu hiền vợ thảo. Hàng xóm, bạn bè tới chơi đều khen tôi chuẩn mẫu vợ ngoan. Điều ấy càng khiến anh hãnh diện với tiếng biết chọn vợ, biết dạy vợ.
Tôi chọn cách im lặng, mọi thứ làm theo ý chồng cho nhà cửa được yên ả. (Ảnh minh họa)
Cách đây chục ngày, mẹ tôi bị ốm. Mấy hôm ấy trời lại nắng nóng, nghĩ chở mẹ bằng xe máy sẽ khiến bà ốm mệt hơn nên tôi giục chồng lái ô tô sang đưa mẹ vào viện. Không ngờ anh dửng dưng bảo:
“Mẹ tự bắt taxi mà đi. Tôi hơi đâu mà làm mấy việc ấy”.
Anh không giúp, tôi đành tự làm. Cũng may kết quả khám bệnh của bà không có vấn đề gì nghiêm trọng, chỉ bị cảm cúm, uống thuốc vài ngày sẽ ổn. Lo cho bà, tôi nhờ bác sĩ kê thêm một ít thuốc bổ uống cho mau lại sức. Tổng cộng tất cả tiền khám với thuốc men là hết gần 2 triệu. Khoản này tôi không nói với chồng vì nghĩ việc lo cho bố mẹ là đương nhiên.
Nhưng vài ngày sau, con tôi nghịch túi xách tay của mẹ, làm rơi hóa đơn viện phí ra ngoài. Chồng tôi nhìn thấy, liền hỏi:
“Tiền khám bệnh của mẹ hôm ấy, em trả à?”.
Ai ngờ tôi vừa gật đầu, anh trợn mắt quát ngay:
“Ai cho cô cái quyền vác tiền nhà để lo cho mẹ đẻ cô như thế? Việc cô vừa thấy mẹ ốm đã chạy tót về chở đi viện, tôi không muốn nhắc rồi. Đằng này lại còn lấy tiền nhà trả viện phí thuốc men. Tôi không hỏi tới, cô cũng ỉm đi không nói. Hóa ra sau lưng tôi, cô vẫn bòn rút tiền của, lén lút lo cho nhà đẻ cô như thế à? Tốt nhất cô sang bảo mẹ trả lại tiền. Nếu không đừng trách tôi quá đáng”.
Nói xong anh dắt xe đi làm. Song lúc ấy tôi vẫn còn nghĩ chắc anh chỉ nóng giận nói vậy, chứ không có ý đòi lại tiền mẹ vợ thật. Ai ngờ lên tới công ty, anh nhắn tin giục tiếp:
“Trong ngày hôm nay, cô phải đòi bằng được 2 triệu từ mẹ cô về”.
Nản hơn, sau đấy anh còn nhắn một loạt tin mắng vợ không biết giữ đạo làm vợ, rồi bảo từ nay không tin tưởng khi giao kinh tế cho tôi cầm. Thực tế, từ ngày lấy nhau, tôi chưa bao giờ làm điều khuất tất, cũng chưa bao giờ dấm dúi cho tiền nhà đẻ như anh nói. Với bố mẹ chồng, tôi luôn lo trọn bổn phận làm dâu, chăm sóc, biếu xén đủ thứ không tiếc. Trong khi anh chẳng đoái hoài, hỏi han gì tới bên ngoại.
Ảnh minh họa
Nghĩ tới cách chồng ăn ở với bố mẹ mình, quá thất vọng, tôi thẳng thắn gọi lại:
“Bố mẹ mang nặng đẻ đau, nuôi tôi khôn lớn, cho ăn học bằng cấp đàng hoàng mới gả cho anh. Họ chưa được tôi báo hiếu ngày nào nhưng 10 năm nay, tôi tận lực vì nhà chồng. Còn anh đã bao giờ sống cho phải đạo của một người con rể?
Tôi nhận ra, làm vợ anh, không chỉ tôi mệt mỏi mà bố mẹ tôi cũng phải chịu thiệt thòi. Vậy nên chúng ta ly hôn. Tôi không muốn sống cảnh có chồng như không thế này nữa”.
Nói là làm, tôi một mạch lấy giấy viết đơn ly dị song chồng không chịu ký. Có lẽ những lời vợ nói khiến anh phải động lòng suy nghĩ nên bảo:
“Vợ chồng có gì không đúng thì từ từ bàn bạc lại. Anh sai đâu sẽ sửa đó, em đừng động tí đòi ly hôn”.
Từ hôm đó, anh bắt đầu thay đổi, biết chủ động sang thăm hỏi mẹ vợ nên tôi cũng nghĩ lại mà cho qua.