Đám cưới là ngày vui của cả đời người nhưng giây phút lên xe hoa về nhà chồng, không ít cô dâu vẫn không thể kìm nén được cảm xúc mà rưng rưng nước mắt. Tuy đã tìm được “bến đỗ” của đời mình, nhưng họ cũng không nỡ rời xa gia đình, rời xa bố mẹ cũng như anh chị em, cho nên việc cô dâu khóc trong đám cưới là điều dễ hiểu.
Mới đây, hình ảnh một cô dâu ở Trung Quốc suy sụp, khóc lóc trong ngày cưới đang lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội. Những hình ảnh cho thấy, cô dâu mặc váy cưới trắng tinh và đang dùng khăn giấy lau đi hai hàng nước mắt đang chảy dài, trái ngược với nụ cười vui vẻ của những người xung quanh. Khi cùng chú rể bước ra xe hoa về nhà chồng, cô cũng chẳng thể nào vui nổi, khuôn mặt buồn rầu, ngập tràn tâm sự.
Khi thấy cô dâu khóc trong ngày cưới, đa số ai cũng cho rằng đó là chuyện bình thường. Nhưng với cô dâu này lại khác, cô không chỉ khóc vì không nỡ rời xa bố mẹ mà còn khóc vì phải lấy một người mà cô không hề yêu.
Cô dâu khóc lóc nức nở trong đám cưới vì phải lấy người mình không yêu.
Theo NDTV đưa tin, cô dâu này họ Dương, sống tại tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) và năm nay chỉ mới khoảng 20 tuổi. Tuy còn rất trẻ nhưng cô đã phải chịu nhiều áp lực, bị thúc ép kết hôn từ nhiều phía. Để kết thúc mọi chuyện, cô đã đồng ý gặp mặt người đàn ông theo mai mối và quyết định kết hôn ngay dù không có tình cảm với anh ta.
“Bố mẹ tôi ngày một già đi và tôi cũng vậy. Người thân bên cạnh thường xuyên hối thúc, những người hàng xóm thì bàn ra tán vào, chê bai nên tôi mới đồng ý kết hôn. Tôi kết hôn chỉ để làm vừa lòng bố mẹ chứ bản thân tôi cảm thấy cuộc sống hôn nhân không có tương lai”, cô dâu nghẹn ngào nói.
Câu chuyện của cô gái nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Một số bày tỏ sự thương cảm, lo ngại cô sẽ không hạnh phúc cuộc hôn nhân này khi không có tình yêu. Số khác hi vọng cô sẽ gặp may mắn và dần dần có tình cảm với chồng, hôn nhân viên mãn. Tuy nhiên có người lại trách cô quá yếu đuối, không biết tự đấu tranh để giành lấy hạnh phúc cho bản thân.
“Trông cô ấy rất buồn, hi vọng chồng cô ấy là một người tốt và cô ấy sẽ hạnh phúc về sau. Vẫn có những trường hợp cưới trước yêu sau mà”, “Cô ấy trông rất buồn, thật không công bằng cho cả hai khi phải lấy người mình không yêu”, “Thời buổi nào rồi mà còn bị ép kết hôn như thế? Tại sao cô ấy không đấu tranh mà hi sinh bản thân mình như vậy?”,…
Trong vấn đề hôn nhân, bố mẹ có thể thuyết phục con nhưng không thể bắt ép hay quyết định thay con cái, đây là biểu hiện của sự tôn trọng và trách nhiệm. Kết hôn là chuyện cả đời, không thể “nhắm mắt đưa chân” được.
Nếu gặp được một người đàn ông tốt, cả hai hòa hợp, đồng điệu về tình cách thì có thể dần dần nảy sinh tình cảm và yêu nhau, hôn nhân tốt đẹp. Nhưng nếu hai người không hợp nhau thì sao? Lúc này hôn nhân chẳng khác gì “nấm mồ” chôn đi hạnh phúc của một người cả, và có thể đến một lúc nào đó cả hai sẽ đường ai nấy đi mà thôi.
Vợ chồng kết hôn khi có nền tảng tình cảm vững chắc còn lắm khi cãi vã, xung đột, thậm chí là đổ vỡ hôn nhân. Đằng này trói buộc hai con người hoàn toàn xa lạ, chưa hiểu gì về nhau ở chung một chỗ thì duy trì một cuộc hôn nhân như vậy càng khó hơn.
Trong chuyện hôn nhân, bố mẹ hoàn toàn có thể định hướng, đưa ra những lời khuyên cho con cái vì dù gì họ cũng là những người đi trước, từng trải và có nhiều kinh nghiệm sống. Nhưng suy cho cùng, bố mẹ không thể sống thay con cái được, vì vậy trước khi kết hôn bạn cần phải tỉnh táo, suy xét kỹ càng để tránh sau này phải hối hận.