Tùng Kim trước và sau khi chuyển giới
Phía sau mỗi cô gái chuyển giới là một câu chuyện dài. Ai may mắn được gia đình bao dung thì chuyển giới chỉ là những nỗi đau về thể xác, nỗi ám ảnh không dứt về phòng mổ lạnh băng... Ai kém may mắn hơn, sinh ra trong một gia đình hà khắc thì chuyển giới lại là cả một hành trình đầy đau đớn, dày vò, cả về thể xác lẫn tinh thần.
Lê Tùng Kim (thường được gọi là Cô Cô Kim, sinh năm 1991, quê Hải Phòng) không may rơi vào trường hợp thứ hai. Cô đặt tên cho 30 năm cuộc đời là “Trưởng thành từ những chông gai” khi những năm tháng đó, cô phải không ngừng đấu tranh để được sống thật với chính mình.
“Nếu chỉ thuần tuý là một cậu trai, bé gái bình thường, khôn lớn và phát triển một cách bình thường thì tôi đã không nhận ra cuộc đời nhiều ái ố đến vậy. Tôi cũng không thể dễ dàng cảm thông, dễ dàng nói chuyện với nhiều số phận như thế… Những năm tháng đi qua là nước mắt, nỗi buồn lấn át niềm vui, nụ cười của tuổi 20 chưa từng trong sáng, luôn gắng gượng để che lấp những uẩn ức bên trong”, Tùng Kim tâm sự.
Tùng Kim có tuổi thơ dữ dội vì khác biệt
Tự chối bỏ bản thân và nghĩ mình là “người dị dạng”
Tùng Kim nói, cái đau khổ, day dứt nhất của người đồng tính đôi khi không phải là sự kỳ thị của gia đình, xã hội mà là những uẩn khúc trong chính tâm hồn mình. Không phải ai ngay khi thấy bản thân khác lạ cũng đủ kiến thức để biết, mình thật ra là một người đồng tính.
Tùng Kim cho đến năm 19 tuổi, vẫn không ngừng chối bỏ bản thân, luôn nghĩ: “Tại sao mình sinh ra lại dị dạng và khác người đến vậy”. Tôi hỏi Kim: “Chị biết mình là một cô gái từ khi nào?”. Chị cười: “Không phải tôi nhận ra nhận ra mình là con gái mà tôi thấy bản thân khác thường, hành động bên ngoài khác hẳn với suy nghĩ bên trong. Câu hỏi thường trực trong đầu là: “Mình là ai? Tại sao mình lại có những cảm xúc này?”. Đó là khi tôi 3 tuổi, còn đang học mẫu giáo tại Trường Nhà máy len – Hải Phòng”.
Gia đình cũng nhận ra sự khác biệt ở Tùng Kim. Tuổi thơ cô là chuỗi ngày sống trong sự uốn nắn hà khắc của bố với mong muốn, con trai sống đúng với giới tính được sinh ra.
Sự rèn luyện khắc nghiệt suốt thời thơ ấu của bố là do ông đã nhìn ra con người thật của Tùng Kim
Bố cô đặt ra hàng loạt nguyên tắc sống cho “cậu con trai trưởng”, từ cách đi, đứng, ngồi, cho đến cách nói chuyện. Kim nhớ rõ: “Bố bảo tôi ngồi phải thẳng lưng, ngẩng cao đầu, nói chuyện to, rõ ràng, tròn vành rõ chữ, mắt nhìn thẳng đối phương. Tôi chỉ xao nhãng chút là lập tức bị bố đánh vào lưng hoặc đầu như một lời nhắc nhở kiên định.
Bố còn đặt đồng hồ, bắt tôi phải ăn xong một bữa cơm trong vòng 15 phút. Tôi nhớ, ông nhắc đi nhắc lại câu nói: “Nam thực như hổ, nữ thực như miêu”.
Mãi đến sau này, Tùng Kim mới hiểu, sự rèn luyện khắc nghiệt suốt thời thơ ấu của bố là do ông đã nhìn ra con người thật của cô nhưng không muốn thừa nhận. Tùng Kim khi ấy, chỉ biết khóc và tự hỏi, tại sao bố lại đối xử với mình như thế. Cô thậm chí còn nghĩ đến cái chết sau những trận đòn.
Kim vì sự nghiêm khắc của bố mà trở nên gai góc
Sự khắc nghiệt của bố dần biến Tùng Kim trở thành con người cục cằn, gai góc. Khác với nhiều người thuộc giới LGBT, cô không hề bị bạo lực học đường chỉ vì “nam không ra nam, nữ không ra nữ”, ngược lại, thời học sinh của cô rất êm ả. Điều mà Tùng Kim buồn nhất khi ấy là không có một ai để thổ lộ, sẻ chia về con người thật của mình.
“Tôi sống chết giữ bí mật vì luôn nghĩ mình đang bị bệnh, có đôi lúc còn tự dè bỉu và chối bỏ bản thân”, Tùng Kim nói.
Sự nhận thức được khai mở theo năm tháng, Tùng Kim dần tự định dạng giới. Cô “come out” bằng cách thay đổi bản thân từng ngày, khi thì sơn móng tay, khi thì nuôi tóc dài, lúc lại can đảm mặc quần ngắn và đi guốc, độn ngực…
Cô mất rất nhiều thời gian để chấp nhận con người thật của mình
Lên cấp 3, Kim bắt đầu nổi loạn. Bố cô không còn đánh mắng mà chỉ im lặng bởi mọi thứ đã ngoài tầm kiểm soát. Năm 19 tuổi, cuộc đời Kim thay đổi hoàn toàn vì cô nhận ra chính mình và nuôi hy vọng chuyển giới.
Khát khao chuyển giới để được yêu
“Năm tôi 19 tuổi, bố mẹ ly hôn, bản thân thì chán chường vì giới tính lập lờ. Tuổi dậy thì bắt đầu ham muốn, chỉ nghĩ đến đàn ông, tôi không đếm nổi đã bao lần tự đơn phương rồi phải tự quên vì sợ tỏ tình thì người ta kinh miệt. Tôi khổ sở lắm, gia đình tan vỡ không còn điểm tựa, tôi quyết bỏ nhà đi”, Tùng Kim kể.
Cô bỏ sang Malaysia 10 tháng tròn với hai mục đích, thứ nhất là tạo áp lực để bố mẹ quay về, thứ hai là muốn tìm một miền đất mới để được thoải mái sống như một cô gái.
Tùng Kim quyết tâm chuyển giới để được sống thật với chính mình
Trở về vào năm 2011, Tùng Kim nhận ra, chẳng có lý do gì ép bố mẹ phải sống với người họ không còn yêu. Không còn gia đình làm điểm tựa, cô sẽ mạnh mẽ để làm điểm tựa cho chính mình.
Tùng Kim bắt đầu nuôi tóc dài, trang điểm như một cô gái thực sự. Cô cố gắng tự chứng minh bản thân bởi không có lời giải thích nào thuyết phục hơn việc bản thân tốt lên mỗi ngày. Cô muốn mình sống vui vẻ, hạnh phúc để tạo niềm tin và động lực cho gia đình, bạn bè, mà chỉ khi sống thật với chính mình, cô mới làm được điều đó.
Tháng 3/2019, Tùng Kim tiêm hormone nữ và làm ngực. Cô được một người bạn cho vay toàn bộ số tiền phẫu thuật, một người bạn khác giúp lo thủ tục và liên hệ bác sĩ. Họ đưa cô lên Hà Nội vào một buổi sáng chủ nhật.
“Khi quyết định làm ngực, tôi rất vui nhưng không kỳ vọng gì nhiều bởi bạn biết không, suốt 1/3 cuộc đời tôi chỉ toàn là xui xẻo. Đến tận lúc làm ngực, tôi vẫn nghĩ “Có khi leo lên bàn mổ rồi lại leo xuống ấy mà”. Nào ngờ, mọi thứ thuận lợi ngoài mong đợi. Sau hơn 2 tiếng phẫu thuật tôi tỉnh lại, mắt lờ đờ nhìn trần nhà, rồi nhìn xuống ngực, thấy chỗ đó băng bó chằng chịt, đau nhức thì tôi mới tin, đây không còn là giấc mơ nữa. Hai dòng nước mắt chảy ra, nước mắt của hạnh phúc và sự nhẹ nhõm”, Tùng Kim chia sẻ.
Cuộc sống của cô dễ chịu hơn nhiều sau khi chuyển giới
Cô đã có “đôi gò bồng đào” của một cô gái và càng hạnh phúc hơn là đã có cơ hội kiếm tiền trả nợ. Tròn 10 ngày sau khi phẫu thuật, Tùng Kim nhận được show diễn đầu tiên, cô vui vẻ mặc một bộ đồ sexy lên sàn diễn. Cuối năm 2019, cô trả hết số tiền vay mượn để làm ngực.
“Sau đó là chuỗi ngày dễ dàng hơn rất nhiều với tôi, có tiền lo cho mẹ, gửi một khoản cho bố và tôi có mối tình đầu tiên trong đời. Tuy mối tình ấy mong manh và sớm kết thúc nhưng đã củng cố trong tôi niềm tin “thay đổi là hạnh phúc”, Tùng Kim tâm sự.
Khi chưa được yêu thì khao khát mãnh liệt nhưng khi trải qua một mối tình, Tùng Kim nhận ra rằng, đã đánh đổi quá nhiều để được làm con gái thì phải sống vì mình và vì người thân trước đã. "Tôi dặn lòng, phải yêu một ai đó xứng đáng, không cần hoàn hảo nhưng nhất định phải biết đau thương với quá khứ và xót xa cho những vết sẹo trong tôi", Tùng Kim trải lòng.
Cô khao khát chuyển giới để tìm được tình yêu đích thực
Tùng Kim tiếp tục tiêm hormone và chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để sang Thái Lan phẫu thuật “phần dưới”, hoàn tất quá trình chuyển giới. Hormone giúp khuôn mặt và cơ thể cô mềm mại hơn, nội tâm, cảm xúc trở nên nhu thuận hơn. Nhưng chỉ khi chuyển giới hoàn toàn, cô mới tự tin tuyệt đối.
“Người ta vẫn nói, sự nữ tính là ở cốt cách chứ không phải ở vài bộ phận trên cơ thể. Nhưng ở góc nhìn của tôi, điều đó lại khá quan trọng. Có con đã là điều không thể, tình dục lại không có nữa thì tôi biết yêu làm sao?”, Tùng Kim trăn trở.