Xiao Cheng, 24 tuổi, làm việc cho một công ty Internet ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Vì tình hình dịch bệnh COVID-19 nên công ty cô buộc phải cắt bớt nhân sự, tiền lương cũng giảm nhưng công việc vẫn chất hàng đống. Tuy nhiên, lý do khiến Xiao Cheng mệt mỏi gần đây không phải vì công việc, mà là vì người bạn trai mà cô đã yêu xa gần 3 năm.
Khi bạn trai bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh, Xiao Cheng không chỉ rút tiền tiết kiệm mà còn vay 70.000 nhân dân tệ (hơn 200 triệu) để giúp đỡ người yêu. Vì không muốn gia đình lo lắng nên Xiao Cheng cũng giấu không nói với bố mẹ. Vì tự mình đi vay tiền giúp bạn trai nên Xiao Cheng phải ngày đêm làm việc để kiếm tiền trả nợ. Chịu căng thẳng kéo dài nhưng Xiao Cheng lại chẳng biết chia sẻ với ai khiến cô càng thêm đau khổ.
Đáng buồn hơn, trong khi Xiao Cheng dốc lòng giúp bạn trai thì người yêu lại dần trở nên lạnh nhạt với cô, và thường xuyên mất tích, không liên lạc được. Sau đó, công ty cho vay liên tục gọi điện đòi nợ khiến cô kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần.
Xiao Cheng bị đột quỵ phải nhập viện.
Trong sáu tháng, Xiao Cheng luôn bị chứng mất ngủ vào ban đêm vì nhớ bạn trai. Trí nhớ của cô cũng suy giảm kèm theo các triệu chứng tay chân yếu, mắt mờ, ăn uống không ngon miệng. Tuy nhiên, Xiao Cheng luôn tự cho rằng cô còn trẻ nên các biểu hiện này là do cô làm việc quá mệt.
Một hôm vào khoảng 10 giờ tối, cô trở lại ký túc xá để tắm sau khi làm thêm giờ thì đột nhiên cảm thấy chóng mặt và ngã xuống đất.
Xiao Cheng kể lại rằng vào thời điểm đó, cô không thể nói được gì, chỉ cử động được tay trái, không thể mặc quần áo, thần trí cũng không rõ ràng. Nửa tiếng sau, Xiao Cheng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Thứ ba Thâm Quyến. Bác sĩ ban đầu đánh giá rằng đó là một cơn đột quỵ. Sau khi được điều trị tan huyết khối, các triệu chứng của Xiao Cheng đã thuyên giảm. Thật bất ngờ, ngày thứ hai nhập viện, tình trạng của Xiao Cheng lại lặp lại. Qua kiểm tra thêm, các bác sĩ đã bị sốc khi biết kết quả.
Bác sĩ Zhao Yu, trưởng Khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Thứ ba Thâm Quyến cho biết Xiao Cheng mắc bệnh viêm động mạch Takayasu.
Bác sĩ Zhao Yu, trưởng Khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Thứ ba Thâm Quyến, cho biết: "Bệnh nhân chỉ mới 24 tuổi, nhưng kết quả chụp X-quang các mạch máu cho thấy mạch máu bị lão hóa, lòng mạch thu hẹp giống như người già 70 tuổi. Nguyên nhân khiến bệnh nhân đột quỵ là do mắc bệnh viêm động mạch Takayasu. Nếu trì hoãn điều trị, bệnh nhân có thể đối mặt với nguy cơ liệt nửa người".
Bệnh viêm động mạch Takayasu xảy ra chủ yếu ở phụ nữ châu Á dưới 30 tuổi. Nguyên nhân gây bệnh chưa được biết rõ. Bệnh có tiến triển chậm, nhiều người thường bị chóng mặt hoặc yếu chân tay, nhưng họ nghĩ rằng nó có thể do mệt mỏi và bỏ qua nó. Tình trạng này chỉ xảy ra khi bệnh trở nên cấp tính.
Để điều trị dứt điểm bệnh của Xiao Cheng, bác sĩ nhận thấy rằng trước tiên cô nên giải quyết "căn bệnh gốc rễ" của cô. Nhà thần kinh học Xie Xi thấy rằng Xiao Cheng luôn cau mày khi nhập viện, và thỉnh thoảng nhìn chằm chằm vào điện thoại rồi rơi nước mắt.
Cô gái ngày đêm thương nhớ bạn trai, kiếm tiền trả nợ giúp anh nhưng lại bị bỏ rơi.
Bác sĩ Xie Xi kể lại: "Xiao Cheng tìm đến tôi vào ngày 20/5 (ngày tình nhân bên Trung Quốc) và nhờ tôi liên hệ với một người họ hàng để thông báo về tình trạng của cô ấy. Cô ấy nói rằng người họ hàng này rất đặc biệt, có lẽ anh ấy không quan tâm nhiều đến tình trạng của cô ấy. Khi tôi hỏi tại sao, cô ấy rất buồn và dường như sắp khóc. Mẹ cô ấy đã kéo tôi sang một bên và tiết lộ đó là bạn trai của cô ấy. Họ đã liên lạc với anh ta 4 lần nhưng không được."
Bác sĩ nói rằng mặc dù đây không phải là nguyên nhân chính gây bệnh, nhưng đây là một trong những yếu tố làm cho tình trạng trở nên trầm trọng hơn. Để Xiao Cheng tích cực hợp tác điều trị, nhân viên y tế thường nói chuyện với cô và làm tư vấn tâm lý. Hiện tại, Xiao Cheng cuối cùng đã dần buông bỏ được người bạn trai và xuất viện.
Viêm động mạch Takayasu là gì?
Viêm động mạch Takayasu là một loại viêm mạch, một nhóm các rối loạn gây viêm mạch máu. Trong viêm động mạch Takayasu, tình trạng viêm gây tổn thương động mạch chủ và các nhánh chính của nó. Động mạch chủ là động mạch lớn mang máu từ tim đến các phần còn lại của cơ thể.
Bệnh có thể dẫn đến tắc nghẽn động mạch, thu hẹp lòng mạch hoặc giãn động mạch bất thường (phình mạch). Viêm động mạch Takayasu cũng có thể dẫn đến đau ngực và cánh tay hoặc cao huyết áp và cuối cùng dẫn đến suy tim hoặc đột quỵ.
Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm động mạch Takayasu thường xảy ra trong hai giai đoạn.
Giai đoạn 1
Trong giai đoạn đầu tiên, bạn có thể cảm thấy không khỏe cùng với các biểu hiện:
- Mệt mỏi
- Giảm cân ngoài ý muốn
- Đau cơ và khớp
- Sốt nhẹ, đôi khi kèm theo mồ hôi đêm
Không phải ai cũng có những dấu hiệu và triệu chứng sớm này. Tình trạng viêm gây tổn thương động mạch có thể xảy ra trong nhiều năm trước khi bạn nhận ra có gì đó không ổn.
Giai đoạn 2
Trong giai đoạn thứ hai, tình trạng viêm làm cho các động mạch bị thu hẹp dẫn tới ít máu, ít oxy và ít chất dinh dưỡng đến các cơ quan và mô của bạn. Các dấu hiệu và triệu chứng ở giai đoạn 2 có thể bao gồm:
- Yếu hoặc đau chân tay khi hoạt động
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu
- Nhức đầu hoặc thay đổi thị giác
- Vấn đề về trí nhớ hoặc suy nghĩ nhiều
- Đau ngực hoặc khó thở
- Huyết áp cao
- Tiêu chảy hoặc máu trong phân của bạn
- Quá ít tế bào hồng cầu (thiếu máu)