Tôi không phải con một, trên tôi còn có một anh trai hơn 3 tuổi nữa. Anh đi học đại học xa nhà, sau khi tốt nghiệp thì ở thành phố kiếm việc làm, mỗi năm chỉ về quê vài lần.
Khi anh cưới vợ, bố mẹ đã rút hết tiền tiết kiệm đưa cho anh chị mua căn chung cư nho nhỏ trên thành phố để ở. Mức thu nhập của anh chị không tệ nên có cuộc sống khá thoải mái, đủ đầy.
Còn tôi, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi về quê sống cùng bố mẹ và tìm được công việc khá ổn định. Sau vài năm ra trường, tôi cũng lập gia đình. Nhà anh điều kiện bình thường, nhưng được cái anh hiền lành chân chất, nhà lại gần nhà tôi nên có chuyện gì mẹ con chạy qua chạy lại cũng đỡ vất vả.
Mấy năm gần đây, sức khỏe của bố mẹ tôi yếu hơn hẳn nên tôi thường xuyên chạy qua nhà thăm nom, đồng thời mỗi tháng đều cho bố mẹ một khoản tiền để chi tiêu. Ban đầu mẹ chối đây đẩy, vợ chồng tôi phải nói mãi bà mới nhận.
Còn về phía anh trai chị dâu, từ khi sinh con anh chị ít về quê hẳn, năm chỉ về được 2 lần. Còn chuyện tiền nong, tôi không biết anh chị có cho bố mẹ được đồng nào không, vì tôi chưa bao giờ nghe mẹ nhắc tới chuyện này, cũng ngại không dám hỏi thẳng.
Vì nhà chồng gần nhà bố mẹ đẻ nên tôi rất hay về thăm bố mẹ. (Ảnh minh họa)
Năm ngoái, tôi hạ sinh con trai đầu lòng. Vợ chồng tôi hiếm muộn, cưới nhau 5 năm mới có được mụn con này nên gia đình hai bên mừng lắm.
Cách đây một tuần là sinh nhật con trai tôi, bố mẹ chồng tổ chức tiệc cho cháu nội to lắm, mời cả bố mẹ và gia đình anh trai tôi tới tham dự.
Năm nay vợ chồng anh chị muốn ăn Tết ở quê ngoại. Ngày sinh nhật của con trai tôi lại sát Tết nên anh chị mới về dự để Tết khỏi về quê nội nữa.
Sau bữa tiệc ở nhà bố mẹ chồng, gia đình tôi lại kéo nhau về nhà ngoại ăn cơm vì chẳng mấy khi nhà anh trai về. Nhân dịp con cháu đông đủ, mẹ tôi đã nói sẽ để lại căn nhà ông bà đang ở cho vợ chồng tôi.
Nghe mẹ tuyên bố vậy, vợ chồng tôi sốc lắm. Anh trai chị dâu thì khóc lóc phản đối. Thậm chí, anh còn trách mẹ thiên vị:
- Tại sao bố mẹ lại để lại nhà cho em? Vậy vợ chồng con được cái gì? Em đã đi lấy chồng rồi thì phải theo chồng, lo cho nhà chồng. Sau này vợ chồng con mới là người lo hương hỏa cho bố mẹ cơ mà.
Anh trai còn trừng mắt hỏi tôi:
- Có phải em ở nhà nói gì với mẹ phải không? Em đã nói xấu vợ chồng anh những gì, chọc ngoáy cái gì mà để giờ bố mẹ đối xử với con trai mình đứt ruột đẻ ra như người ngoài thế này?
Khi nghe bố mẹ nói cho tôi căn nhà, anh trai đã trừng mắt lên quát tôi. (Ảnh minh họa)
Bức xúc, mẹ tôi lên tiếng mắng anh trai chị dâu:
- Năm xưa hai đứa lấy nhau, bố mẹ đã rút hết tiền dưỡng già của mình cho các con mua nhà. Đến lúc em đi lấy chồng, bố mẹ chẳng còn gì nên chỉ cho em được mỗi 5 chỉ vàng. Vậy mà giờ con lại trách mẹ thiên vị em?
Người ta nói sinh con để về già con chăm cho, nhưng thử hỏi một năm con về thăm bố mẹ được mấy lần, gọi điện hỏi thăm được mấy lần? Bố mẹ khi còn sống không lo, không phụng dưỡng, đến lúc chúng tôi khuất núi rồi anh chị mới thắp cho nén hương thì có nghĩa lý gì không?
Anh chị bảo con gái đi lấy chồng phải lo cho nhà chồng, nhưng tôi đã được nhờ con dâu lần nào chưa? Ngược lại, chúng tôi chỉ biết nhờ con gái. Nó chạy qua chạy lại, thăm nom, chăm sóc khi hai ông bà già này đau ốm. Vậy giờ chúng tôi để lại căn nhà cho nó có gì là sai?
Nghe những lời mẹ nói, anh trai và chị dâu cúi gằm mặt vì xấu hổ. Tuy nhiên, từ hôm ấy đến nay thái độ của anh chị với vợ chồng tôi vẫn khó chịu lắm, dường như vẫn còn ấm ức vì bố mẹ để lại nhà cho tôi. Còn tôi, vẫn không biết có nên nhận nhà bố mẹ cho không nữa.