Gia đình vợ tôi ở nông thôn, chúng tôi gặp nhau khi lên thành phố đi làm rồi sau đó kết hôn. Bố vợ tôi mất sớm, nhà chỉ còn mẹ vợ và em trai, nhưng vợ chồng tôi mới kết hôn được 3 năm thì mẹ vợ cũng qua đời vì bạo bệnh. Trước khi chết, bà dặn vợ chồng tôi phải chăm sóc em trai thật tốt.
Sau khi lo ma chay cho mẹ vợ xong, vợ bàn với tôi chuyện đón em trai lên ở chung nhưng tôi không đồng ý. Tôi nói để em ấy sống một mình một thời gian, nếu thực sự không được thì chúng tôi hẵng đón em lên ở cùng vì em tôi cũng sắp sửa lên cấp 3 rồi chứ đâu có ít tuổi gì nữa. Với lại, thủ tục chuyển trường rất phức tạp chứ đâu có dễ.
Hơn nữa, vợ tôi mới sinh con, sắp đi làm lại mà nhà chúng tôi cũng chẳng khá giả gì nên tôi định nhờ mẹ tôi lên chăm cháu hộ để chúng tôi đi làm. Nhưng nhà chỉ có 2 phòng ngủ, giờ đón em trai lên ở cùng thì mẹ tôi lên chăm cháu biết ở phòng nào, chẳng nhẽ bắt một trong hai ngủ phòng khách.
Giải thích hết nước hết cái mà vợ tôi vẫn không đồng ý, nói rằng em trai đang tuổi ăn tuổi học, không ai chăm sóc thì không được. Sau đó, cô ấy đã nhờ người tìm trường cho em trai, giúp em ấy làm thủ tục nhập học rồi đón thằng bé lên ở cùng. Cô ấy cũng xin nghỉ việc, ở nhà tự chăm con luôn để tránh phải nhờ bà nội lên chăm cháu. Vậy là giờ đây mọi gánh nặng tài chính đều đổ dồn lên vai tôi.
Vợ bỏ ngoài tai lời khuyên của tôi, đưa em trai của cô ấy lên ở cùng. (Ảnh minh họa)
Đã thế vợ tôi lại chẳng tiết kiệm gì. Từ khi em trai dọn vào ở cùng, cô ấy cưng chiều em hết mực, hết mua sách vở lại mua máy tính cho em học, tốn rất nhiều tiền. Không chỉ vậy, vợ còn nấu nướng rất nhiều, bữa nào cũng thịt cá đuề huề, tôi góp ý thì cô ấy lại nói rằng em đang ôn thi vất vả cần phải ăn uống đủ chất mới được.
Hôm đó, trên công ty đã có chuyện bực mình, về nhà ngồi vào bàn ăn lại thấy bao nhiêu là món ngon càng khiến tôi cảm thấy khó chịu hơn. Tôi nhỏ giọng nói với vợ:
- Em à, hiện tại anh đang chịu nhiều áp lực lắm, lương chẳng được bao nhiêu mà anh phải lo cho cả cái nhà này. Em nấu ăn tối giản, tiết kiệm đi một chút được không? Chúng ta còn phải tiết kiệm tiền để lo cho con nữa chứ.
Nghe tôi nói vậy, em vợ cũng ngỏ ý lấy số tiền mẹ để lại cho em đưa cho chúng tôi lo chi phí sinh hoạt trong nhà, nhưng một lần nữa vợ tôi lại gạt bay đi. Cô nói đó là tiền mẹ lo cho em trai đi học đại học, bất cứ ai cũng không được động vào.
Sau đó, hai vợ chồng tôi lại to tiếng. Em vợ thấy vậy vội ăn mấy miếng cơm rồi vào phòng ngồi học bài, tôi cũng không còn tâm trạng ăn uống nữa nên buông đũa xuống rồi bỏ ra ngoài.
Từ khi em trai của vợ lên ở cùng, vợ chồng tôi đã cãi nhau không ít lần. (Ảnh minh họa)
Nháy mắt cái kỳ thi tuyển sinh đại học đã đến, mặc dù em vợ tôi ngày thường rất chăm chỉ nhưng nó vẫn bị thiếu 1 điểm nữa mới đỗ. Hôm đó, vợ chồng tôi lại cãi nhau. Vợ muốn để em trai tiếp tục ôn thi, sang năm thi lại đại học, nhưng tôi phản đối.
- Học lại một năm tốn rất nhiều tiền, mà em có chắc sang năm thi lại nó sẽ đỗ không? Nếu nó vẫn không đỗ đại học thì sao? Thay vì lãng phí thêm một năm nữa, tại sao không để em nó tìm một công việc để tự nuôi sống bản thân chứ?
Nói không lại vợ, tôi uất ức bỏ vào phòng, đóng sầm cửa lại, mặc kệ cô ấy và em trai thích làm gì thì làm. Mãi tới nửa đêm tôi mới ra khỏi phòng ngủ, nhưng vừa mở cửa ra đã thấy em vợ kéo vali đi ra cửa. Hỏi em định đi đâu nhưng em không nói một lời nào, chỉ đặt một phong thư lên bàn rồi rời đi. Tôi vội gọi vợ ra ngoài, cố thuyết phục em ở lại cũng không được. Khi em đi, vợ chồng tôi mở phong thư ra thì vô cùng choáng váng.
Sau trận cãi nhau hôm đó, em vợ tôi đã xách vali rời khỏi nhà. (Ảnh minh họa)
Trong phong thư có một xấp tiền dày cùng một lá thư. Bức thư viết: “Chào anh, chị! Em xin cảm ơn công ơn dưỡng dục của anh chị trong 3 năm qua. Thời gian qua em đã mang đến nhiều phiền phức cho anh chị rồi, nhất là anh rể. Anh chị chăm sóc, lo lắng cho em như vậy mà em vẫn không đỗ đại học.
Anh rể nói đúng, em nên đi làm thì hơn. Số tiền mẹ để dành cho em học đại học, em không cần nữa. Tổng cộng là 70 triệu, em đưa hết cho anh chị, cứ coi như đó là sinh hoạt phí của em trong 3 năm qua đi. Sau này vợ chồng anh chị hãy sống thật tốt nhé, đừng cãi nhau nữa. Em biết mấy lần trước anh chị cãi nhau đều là vì em, chính em là người đã làm xáo trộn cuộc sống của anh chị. Em xin lỗi anh chị nhiều.
Em đã nộp hồ sơ xin việc trên mạng và được một công ty nhận vào làm rồi. Lương cũng không tệ, còn được bao ăn bao ở nữa nên anh chị không cần phải lo lắng cho em đâu, em có thể tự lo cho bản thân được. Công ty đó cũng không xa đây lắm, nên có thời gian em sẽ về thăm anh chị sau".
Sau khi đọc bức thư này, vợ tôi tức giận vừa trách móc vừa đấm vào lưng tôi. Tôi cũng ân hận lắm. Thực ra từ giây phút thấy em vợ kéo vali bỏ đi tôi đã thấy hối hận rồi, sao tôi lại hẹp hòi như vậy chứ.
Ngày hôm sau, chúng tôi tìm gặp em vợ theo địa chỉ trên thư và thuyết phục em ấy ôn thi lại. Cuối cùng em ấy cũng đồng ý. Năm đó, em tôi thi đậu vào một trường đại học danh giá, may mà tôi kịp sửa sai nếu không tôi đã làm lỡ dở cả đời em nó rồi.