Phụ nữ bộ lạc Suri ở Ethiopia có truyền thống từ xa xưa là đeo đĩa làm bằng đất sét vào môi. Bộ lạc này sống ở vùng tây nam Ethiopia, họ cảm thấy tự hào về những chiếc đĩa mà mình mang trên môi.
Các đĩa này có thể có đường kính lớn tới 40cm. Khi mới 12 tuổi, các bé gái đã đeo đĩa vào môi. Hầu hết phụ nữ trong bộ lạc này đã nhổ răng dưới, môi bị xẻ sau đó kéo giãn ra để các tấm đĩa có thể được đeo vào.
Điều đặc biệt là chiếc đĩa càng lớn thì cha của cô gái có thể đòi thách cưới nhiều hơn khi con gái kết hôn. Cụ thể, với những cô gái đeo đĩa có kích thước lớn thì chàng trai phải đưa cho nhà gái 60 con gia súc và đĩa nhỏ hơn là 40 con gia súc. Với người Suri, gia súc có vai trò rất quan trọng và có thể thể hiện sự giàu có, địa vị. Không ai biết được tập tục đeo đĩa vào môi có từ bao giờ, nhưng có giả thuyết cho rằng bằng cách này sẽ giúp cho các nô lệ thời xưa không chú ý đến phụ nữ. Việc đeo đĩa lên môi của con cái được các bậc cha mẹ chú ý và coi trọng.
Môi dưới của cô gái được mẹ hoặc một người phụ nữ gần nhà cắt, sau đó nhét một đoạn chốt gỗ vào giữa, đợi tới lúc lành hẳn mất khoảng 3 tháng. Nếu cô gái muốn kéo môi ra càng xa để đeo đĩa có kích thước lớn thì phần môi dưới sẽ được nhét một chốt gỗ có kích thước lớn hơn.
Từ những năm 1800, bộ lạc này sống ở biên giới Sudan-Ethiopia và cho gia súc ăn trên đồng cỏ ở Sudan. Các làng ở Suri có khoảng 40 - 2.500 người và các cuộc hội họp của làng được một người cao tuổi điều hành.
Ngoài ra, bộ lạc Suri cũng có một số tập tục khác như rạch da để lại sẹo như một cách tạo thành hoa văn trên cơ thể hay tham gia các cuộc đấu nguy hiểm. Cụ thể, với tập tục rạch da, người Suri sẽ dùng một cái gai kéo da lên rồi dùng dao lam rạch để lại sẹo như làm đẹp. Còn các cuộc đấu gậy là nơi mà các chàng trai trẻ tuổi sẽ thể hiện bản thân mình với các cô gái để tìm vợ.