Cuộc hành trình xuyên Việt của gia đình Hà My đã kéo dài hơn 1 năm, hiện tại đang tạm dừng vì dịch COVID-19. Cô mong dịch sớm qua để cả nhà lại tiếp tục lên đường “xê dịch”.
Trước đó vào năm 2016, vợ chồng cô bỏ công việc ổn định ở TP HCM để về Đắk Lắk xây nhà, tự tay làm vườn trồng rau và nuôi đàn chó tới 20 con. Cô gái sinh năm 1994 thường dậy sớm bắt sâu tưới cây, buổi chiều làm đất và cải tạo vườn, cô trồng chủ yếu là kale vì đây là loại rau giàu dinh dưỡng.
Hà My tự tay chăm sóc vườn rau trái xanh mướt thích mắt
Năm 2019, khi vô tình xem được trên mạng hình ảnh về nhà di động, Hà My đã nảy ra ý tưởng về ngôi nhà như vậy. Đam mê du lịch, thích trải nghiệm ở những vùng đất mới, mong muốn cho con khám phá thiên nhiên, nên đến đầu năm 2020, cô cùng chồng Duy Tân (28 tuổi) quyết định biến điều này thành hiện thực.
Tìm hiểu trong 2 tháng để mua rồi cải tạo, đi đăng kiểm lại theo đúng quy định, chiếc xe ôtô 16 chỗ đã “lột xác” thành nhà di động với màu cam rực rỡ để thỏa mãn đam mê du lịch của cặp vợ chồng trẻ. Trong xe có đầy đủ các món đồ phục vụ sinh hoạt cơ bản như giường, bàn bếp, bồn rửa, tủ lạnh, tủ chứa đồ, bàn làm việc, vòi tắm và toilet. Vật liệu để làm các đồ trong xe chủ yếu là gỗ thông, những đồ chạy điện đều sử dụng năng lượng mặt trời. Chi phí nội thất khoảng hơn 100 triệu đồng.
Hà My nấu ăn ngay trong xe van
Tiện nghi cơ bản trong "ngôi nhà di động"
Suốt hành trình hơn 1 năm rong ruổi trên “ngôi nhà di động”, gia đình nhỏ sử dụng điện năng lượng mặt trời, đa số cho việc sử dụng lò vi sóng, nấu cơm, tủ lạnh, TV… cũng có những ngày thiếu điện, chỉ đủ để thắp sáng, nấu cơm do hôm đó trời mưa, âm u không có nắng. Hà My cho biết, cuộc hành trình bắt đầu từ năm ngoái, khi đó cậu con trai nhỏ mới 8 tháng tuổi, trộm vía bé rất ngoan, không quấy khóc và không phiền ba mẹ trong chuyến đi.
Thông thường, trẻ nhỏ khi được ra ngoài tiếp xúc với môi trường thiên nhiên sẽ tăng khả năng đề kháng, khỏe hơn và không ốm vặt. Ngoài ra, chị cũng mong con được trải nghiệm thế giới bên ngoài, học các kỹ năng, đặc biệt có một tuổi thơ đáng nhớ trước khi đến tuổi đi học.
Gia đình trẻ tận hưởng cuộc sống gần gũi với thiên nhiên
Khi vào rừng hái nấm, cũng có nhiều người e ngại. Nhưng Hà My nói khi bắt đầu thu hoạch nấm chưa có kinh nghiệm, nên đi cùng ai đó hoặc nhiều người có kinh nghiệm, họ sẽ hướng dẫn loại nấm nào ăn được và loại nào không. Khi chế biến, lột bỏ lớp ngoài của nấm, sơ chế nhẹ bằng cách ngâm vào nước muối loãng để loại bỏ chất dơ của nấm, sau đó mới chế biến món ăn.
Hà My tiết lộ có cách khác cô thấy người dân hay làm, đó là khi thu hoạch một loại nấm nào đó không biết ăn được hay không, cho nấm đó vào thau nước có muối loãng và vài trái ớt. Nếu trái ớt bị nổ lốm đốm thì đó chắc chắn là nấm độc, có độc tố. Nhưng nếu ngược lại, trái ớt bình thường thì nấm đó ăn được, không có độc tố. Đó cũng là cách rất hay mà cô cũng thường áp dụng.
Cuộc sống rong ruổi hoàn toàn ở trên xe, ở những khu vực núi đồi hay rừng cây nhưng vẫn đảm bảo yếu tố an toàn. Trên hành trình xuyên Việt, gia đình trẻ đã đi rất nhiều nơi, đi đâu cũng là kỷ niệm. Khi đi trên đường nếu thấy 1 địa điểm lý tưởng sẽ dừng lại ở 2-3 ngày hoặc có thể lâu hơn.
Họ đã dừng lại nấu ăn và nghỉ qua đêm ở Gia Lai, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, tranh thủ ghé thăm các địa điểm nổi tiếng như phố cổ Hội An (Quảng Nam), núi Ngũ Hành Sơn, cầu Tình Yêu (Đà Nẵng), đèo Hải Vân, Đại Nội (Thừa Thiên - Huế)... Có những hôm vào rừng ngủ lại, xung quanh toàn rừng già, tiếng chim hót cả ngày, còn có cả đàn bướm bay lượn trước mặt, cảm giác vô cùng thích thú.
Hà My cho biết, năm ngoái gia đình cô đã đi đến Tây Bắc nhưng khi tới đó thì xuất hiện dịch nên chỉ ở thời gian rất ngắn rồi lại về. Họ mong chờ dịch bệnh được đẩy lùi để tháng 9 có thể làm một chuyến đến Đông Bắc.
Chiếc xe rực rỡ nổi bật trong khu rừng xanh mát
Gia đình trẻ đến Hà Nội hồi tháng 1 vừa qua