Có những yêu cầu của bố mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hôn nhân của con cái. Mới đây, một cô gái tên Tiểu Lý (28 tuổi, ở tỉnh An Huy, Trung Quốc) đã chia sẻ trên mạng xã hội về yêu cầu “vô lý” của bố mẹ chồng tương lai với cô và chồng sắp cưới.
Tiểu Lý cho biết, sau khi hẹn hò với bạn trai được 3 năm, cuối cùng cặp đôi quyết định kết hôn. Hai bên gia đình đã gặp gỡ, chấp thuận mối quan hệ này và chuẩn bị tổ chức đám cưới. Nhưng ngay sau khi ấn định ngày cưới, gia đình bạn trai đã tìm đến cô và đề nghị cô đi khám sức khỏe tiền hôn nhân.
“Tiểu Lý, cháu xem, hai đứa sắp kết hôn rồi. Chúng ta nghĩ hai đứa đi khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ an toàn hơn”, Tiểu Lý thuật lại lời mẹ chồng tương lai nói, như thể đây là chuyện rất bình thường. Tuy nhiên, cô cảm thấy chuyện này không hề bình thường chút nào.
Cô thầm nghĩ, cô và bạn trai đang ở độ tuổi khỏe mạnh, sao phải khám sức khỏe tiền hôn nhân? Mặc dù trong lòng không vui, nhưng dù sao cũng là mẹ chồng tương lai của mình nên Tiểu Lý vẫn bình tĩnh hỏi lại: “Cô à, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là chuyện giữa hai chúng cháu. Mà cô thấy việc này có cần thiết không?".
Tiểu Lý bức xúc khi bố mẹ bạn trai yêu cầu cô khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Lúc này, mẹ chồng tương lai cô lập tức thay đổi sắc mặt: “Sao lại không cần thiết? Việc này thể hiện trách nhiệm của cả hai bên. Nếu có bệnh gì cũng phát hiện được sớm kẻo sau này lại hối hận”.
Nghe tới đây, Tiểu Lý càng cảm thấy khó chịu, cảm giác như mình đang bị đối xử như một món hàng cần được kiểm tra trước khi đưa lên kệ. Cô nói với bạn trai, hy vọng anh sẽ nói giúp mình nhưng anh lại đứng về phía bố mẹ và nói: “Tiểu Lý, mẹ anh làm việc này là vì lợi ích của chúng ta. Em chỉ cần hợp tác thôi. Đó cũng chỉ là hình thức thôi mà”.
“Lúc đó tôi đã rất tức giận. Đây là loại logic gì vậy? Trước khi kết hôn phải coi mình như một bệnh nhân và phải trải qua việc khám bệnh ư? Tôi tức giận phản bác thẳng: ‘Anh nói nhẹ nhàng thế thôi, chỉ cho có hình thức thôi sao? Tôi là người khỏe mạnh, không phải hàng hóa để kiểm tra. Nhà anh có tục lệ gì vậy? Anh không coi tôi là cô dâu sao?’. Bạn trai cũng choáng váng khi tôi nói ra điều này. Anh không ngờ tôi lại phản ứng mạnh mẽ như vậy”, Tiểu Lý kể lại.
Tiểu Lý kiên quyết từ chối yêu cầu khám sức khỏe tiền hôn nhân. Cô cảm thấy bạn trai và bố mẹ anh không tôn trọng cô, không tin tưởng cô. Tại sao cô lại phải khám sức khỏe tiền hôn nhân? Đây là chuyện riêng tư của riêng, không nên công bố ra ngoài trước khi kết hôn.
“Em muốn cưới anh và sau này em sẽ làm vợ anh cơ mà? Tại sao bố mẹ anh lại can dự vào? Tác phong của họ không giống người lớn tuổi chút nào”. Thậm chí, cô còn đe dọa bạn trai: “Thà không lấy chồng còn hơn đi khám sức khỏe tiền hôn nhân”.
Ảnh minh họa
Bài viết của cô gái sau khi đăng tải trên mạng xã hội đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Có người ủng hộ việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, có người lại phản đối. Thậm chí, có người còn cho rằng cô gái có điều gì khuất tất, không muốn cho bạn trai và gia đình anh biết nên mới phản ứng dữ dội như vậy.
“Ngày nay việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là chuyện rất bình thường, thể hiện sự văn minh, tinh thần trách nhiệm của cả hai, có điều gì khó khăn đâu mà cứ phải làm quá lên như vậy”, “Là tôi, chắc tôi cũng không làm. Yêu cầu này khiến tôi cảm thấy gia đình chồng sắp cưới đề phòng, không tôn trọng mình vậy”, “Chắc là cô gái này có điều gì đó muốn giấu kín nên mới không dám đi khám sức khỏe tiền hôn nhân đây mà”,… là một số bình luận của cư dân mạng.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân, nên hay không nên?
Chẳng có quy định nào bắt buộc các cặp đôi chuẩn bị kết hôn phải đi khám sức khỏe tiền hôn nhân. Tuy nhiên, khám sức khỏe tiền hôn nhân là việc làm cần thiết, bởi việc này giúp giảm bớt những gánh nặng và rủi ro có thể xảy ra trong hôn nhân, góp phần mang đến một cuộc hôn nhân an toàn, suôn sẻ.
Dưới đây là những lợi ích cụ thể khi khám sức khỏe tiền hôn nhân:
- Trang bị kiến thức, tâm lý về chuyện chăn gối, giúp tránh được những khúc mắc phát sinh trong sinh hoạt vợ chồng, tiến tới hòa hợp tình dục – nền tảng quan trọng của một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
- Tầm soát các bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, HIV, HCV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhờ đó, bạn sẽ hạn chế được khả năng lây bệnh cho bạn đời. Nnếu chẳng may bị bệnh, bạn cũng có kế hoạch điều trị bệnh sớm.
- Phát hiện sớm các bệnh lý sinh sản, tạo tiền đề cho sự ra đời của những em bé khỏe mạnh sau này. Trong trường hợp một trong hai người (hoặc cả hai) gặp vấn đề về sinh sản như u nang buồng trứng, tinh trùng yếu, vô tinh,… bác sĩ sẽ có giải pháp can thiệp kịp thời.
- Phát hiện các bệnh di truyền, có thể truyền sang em bé
- Thể hiện trách nhiệm với bản thân và bạn đời.