Để vợ chồng hòa hợp với nhau, điều quan trọng là sự hiểu biết và bao dung lẫn nhau, động viên nhau khi cần thiết và mang lại cho nhau cảm giác an ủi. Nhưng ngoài đời, không có nhiều người làm được điều này, sau khi tình cảm nguội lạnh, nhiều cặp đôi chỉ còn lại những lời trách móc, phàn nàn, đặc biệt là những cặp đôi có điều kiện tài chính không tốt.
Có một người đàn ông ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) đang sống trong bầu không khí chán nản này. Anh ta kiếm được 100.000 mỗi năm (hơn 350 triệu/năm), tức gần 30 triệu/tháng, và vợ anh ta phàn nàn rằng anh không có năng lực và không làm việc chăm chỉ.
Khi vợ lần đầu đề cập đến chuyện này, người đàn ông tưởng vợ đang nói đùa. Tuy nhiên, vợ nói đi nói lại nhiều lần khiến người chồng phát bực. Không kìm được nữa, anh đã trực tiếp trả lời vợ.
Cặp vợ chồng tranh cãi về thu nhập.
Người đàn ông cho rằng trong bối cảnh kinh tế suy thoái, nhiều người còn đang thất nghiệp mà anh vẫn có thu nhập ổn định như vậy là tốt lắm rồi. Nhưng người vợ cảm thấy kiếm được 350 triệu/năm là không nhiều, vì gia đình phải chật vật với nhiều khoản chi tiêu khác nhau như tiền trả góp nhà, học phí của con cái, mỗi tháng gia đình chỉ tiết kiệm được một chút tiền.
“Mỗi tháng thu nhập của em là bao nhiêu?”, người chồng bức xúc hỏi vợ. Người phụ nữ cũng thẳng thắn tuyên bố kiếm được hơn 4.000 tệ/tháng (khoảng 14 triệu đồng) và cho rằng đàn ông và phụ nữ là khác nhau.
Người phụ nữ cảm thấy chồng mình, với tư cách là một người đàn ông, nên đóng góp nhiều hơn cho gia đình. Cô cảm thấy anh ấy quá lười biếng, không có chí tiến thủ.
Người chồng bức xúc nói thẳng: “Thu nhập như thế là giới hạn của anh rồi. Không phải anh không muốn kiếm nhiều tiền hơn mà với hoàn cảnh hiện tại em nghĩ anh còn lựa chọn nào khác không? Thu nhập hiện tại của anh không cao nhưng cũng đủ nuôi gia đình. Ai mà không muốn kiếm nhiều tiền hơn?
Em chỉ biết mỗi năm anh kiếm được chút tiền đó, nhưng em không biết rằng để kiếm được số tiền ít ỏi này, anh không dám cãi lại khi bị sếp mắng, và đôi khi anh phải đi công tác. Anh thực sự kiệt sức rồi. Chúng ta đều là những người bình thường, tại sao lại không thể chấp nhận sự tầm thường của nhau?”.
Người vợ không vui khi nghe điều này. Cô vẫn tiếp tục chê chồng không có chí tiến thủ, thậm chí nói rằng năm xưa nên nghe lời bố mẹ và không cưới anh làm chồng.
“Tôi đã nghĩ rằng anh sẽ thay đổi, nhưng tôi phát hiện ra rằng tôi đã nhầm. Anh là người không có tinh thần dám nghĩ dám làm. Anh hài lòng với việc kiếm được 350 triệu mỗi năm và anh vẫn cho rằng mình là người vĩ đại. Tôi thực sự mù quáng khi năm xưa cưới anh bất chấp lời khuyên của bố mẹ. Lấy phải người như anh, tôi đúng là xui xẻo 8 đời mà”, người vợ bất mãn nói.
Hai vợ chồng cãi nhau rất gay gắt. Sau đó, người phụ nữ tức giận đăng chuyện giữa hai vợ chồng lên mạng để mọi người phân xử, rằng việc kiếm được 350 triệu/năm có thực sự nhiều không?
Sau khi video được tung lên mạng, cư dân mạng đã có nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người đồng tình với ý kiến của người phụ nữ, nhưng số khác lại chê trách người phụ nữ không biết thông cảm cho chồng, không nên chỉ vì mình là vợ mà cho mình cái quyền được đóng góp tài chính ít hơn. Họ khuyên hai vợ chồng nên cố gắng phấn đấu, thông cảm và động viên nhau.
Nguyên nhân tranh cãi về tiền bạc trong hôn nhân
- Quan điểm tiêu tiền khác nhau: Nếu vợ chồng không có chung tầm nhìn tổng thể, quan niệm khác nhau về thế nào là khoản quan trọng, thế nào là chi tiêu khôn ngoan hoặc có ý tưởng khác nhau thì sẽ khiến vợ chồng tranh cãi về vấn đề này. Giải pháp là cặp vợ chồng cần ngồi lại với nhau, vạch ra tầm nhìn tài chính của từng người và thảo luận. Nếu gia đình bạn đã làm điều đó rồi, hãy làm lại thường xuyên.
- Không xây dựng mục tiêu tài chính: Vợ chồng nên lập kế hoạch tài chính, cam kết và sẵn sàng thực hiện theo kế hoạch đó. Tốt nhất nên đặt mục tiêu cụ thể, ngày hoàn thành các mục tiêu đó.
- Một trong hai người chi tiêu quá mức: Bạn và bạn đời cần ngồi xuống và lập kế hoạch chi tiêu, xem xét tất cả các khoản. Bạn cũng cần tạo ranh giới trong chi tiêu để bạn đời không chi tiêu quá mức, nhưng không cảm thấy bị coi thường.
- Niềm tin cổ hủ về tiền bạc: Cả hai nên nhìn lại quan niệm về tiền bạc và cảm giác đã có trong những trải nghiệm tài chính ngày trẻ. Hãy thử nhìn lại những niềm tin được truyền lại trong gia đình, xem cách nó ảnh hưởng đến bạn thế nào.
- Một người phải giải quyết tất cả vấn đề tài chính: Nếu không đủ tự tin đối mặt với thách thức tài chính, tốt hơn hết nên nói với bạn đời về việc này. Cả hai nên cùng nhau thảo luận, bàn bạc, như vậy sẽ giảm bớt gánh nặng.