Ngay từ nhỏ con trai tôi đã rất bướng bỉnh, luôn làm theo những điều bản thân thích. Nếu mẹ không đáp ứng được mong muốn là con sẽ nổi cáu. Tôi biết đó là bản tính xấu và không thể khuyến khích con được.
Vì thế tôi luôn có mặt giải quyết kịp thời những bức xúc trong người để con thoải mái nhất. Có những đòi hỏi của con xấu và ảnh hưởng đến mọi người xung quanh thì tôi không thể đáp ứng.
Chẳng hạn có lần đi siêu thị con đòi mua một siêu nhân trị giá 500 nghìn, đó là đồ chơi quá đắt so với túi tiền của gia đình tôi và tất nhiên sẽ không thể mua. Nhưng con thích đồ chơi đó và đòi mua bằng được. Con khóc đòi mua đồ, những người xung quanh chỉ trỏ chê trách bé hư không nghe lời mẹ làm tôi rất khó chịu.
Những lúc như thế não tôi phải hoạt động hết công suất, dỗ dành con không được, tôi chỉ vào con siêu nhân và nói nó bị bẩn cầm bẩn tay. Khi bắt được đúng “bệnh” con mới chịu buông bỏ và không muốn đồ đó nữa. Trở về nhà, lúc con vui vẻ tôi mới nhắc lại chuyện ở siêu thị và giải thích cho con hiểu:
“Từ lần sau đi mua đồ con thích gì cũng phải cân nhắc xem mẹ có tiền không rồi hãy đòi mua nha. Như hôm nay ở siêu thị, con ăn vạ đòi mua bằng được con siêu nhân làm mẹ rất buồn và cả 2 bị mọi người chê trách. Sau này con không được làm như thế đấy”.
Trở về nhà, lúc con vui vẻ tôi mới nhắc lại chuyện ở siêu thị và giải thích cho con hiểu. (Ảnh minh họa)
Lúc này con bình tĩnh và đã hiểu những lời mẹ nói, từ đó trở đi mỗi khi mua gì con đều hỏi giá tiền trước, được mẹ đồng ý cho mua mới chịu.
Nhưng, càng lớn con càng ương bướng ngang ngược, tôi luôn cố gắng ở bên giải thích và khuyên bảo con chọn cách làm tốt nhất. Thế nhưng mẹ chồng luôn ở bên nói những từ rất khó chịu như trách tôi nuông chiều con làm hư con, phải dùng roi thật to đánh thật đau để lần sau nó chừa. Rồi bà lại kể lể bản thân nuôi dạy 5 đứa con mà không đứa nào dám hỗn hào đánh mẹ bao giờ.
Đứa con bướng bỉnh tôi đã mệt mỏi, giờ lại thêm những lời nói dèm pha của bà làm tôi chịu rất nhiều áp lực. Khi con ngoan thì chẳng ai nghĩ đến công lao của mẹ nhưng lúc con hư đổ hết lên đầu mẹ.
Tuần vừa rồi, lúc đang ăn cơm, tôi nhắc con xuống ăn cho xong bữa không được xem nữa, con không nghe mà còn giương mắt nhìn mẹ với vẻ thách thức. Tôi định dùng lời nói để khuyên bảo chỉ ra cái sai trái của con, nào ngờ bà nội nói dùng roi to đánh cho chừa cái tội không nghe lời, lần sau chỉ nói một câu là xong.
Đứa con bướng bỉnh tôi đã mệt mỏi, giờ lại thêm những lời nói dèm pha của bà làm tôi chịu rất nhiều áp lực. (Ảnh minh họa)
Con tôi không sợ mà vớ được ghế quăng lại mẹ hay lấy bút để đe mẹ không được lại gần.
Sau đó con lao đến chỗ để dao và cầm lấy dao đòi đấu lại chiếc gậy của mẹ. Nhìn thấy dao tôi rất sợ và buộc phải buông tay trước bởi tôi biết bản tính của con, nếu mẹ mà cầm trên tay thứ gì đánh thì con sẽ dùng thứ mạnh hơn để đáp trả.
Để hóa giải mâu thuẫn giữa 2 mẹ con, tôi buộc phải buông roi và chạy đến ôm con vào lòng rồi kéo dao ra khỏi tay con. Thấy tình hình thế, bố chồng tôi nói:
“Đứa trẻ này không thể dùng vũ lực mà dạy dỗ được, phải dùng lời nói nhẹ nhàng và đúng đắn mới nên người. Nếu cứ dùng bạo lực, tôi sợ sẽ phản tác dụng. Cháu là đứa bé mạnh mẽ nếu biết dạy đúng cách chắc chắn sẽ làm nên chuyện”.
Tôi rất cảm kích việc bố chồng đã nhìn ra điểm mạnh điểm yếu của cháu trai nhưng tôi không biết nên dạy con bằng cách nào nữa?