Hôn nhân không phải lúc nào cũng hạnh phúc mà còn đi kèm với những mâu thuẫn trong cuộc sống của hai vợ chồng. Khi những mâu thuẫn được đẩy lên đỉnh điểm, nhiều người chọn chịu đựng nhưng cũng có nhiều cặp đôi quyết định đi tới ly hôn để giải thoát, cho nhau một cuộc sống mới.
Sau ly hôn, nhiều người trở thành bố, mẹ đơn thân, phải một mình đảm nhận vai trò của hai người để nuôi con của mình. Xu hướng này đang dần phổ biến hơn trong xã hội, chứa đựng cả những điều tích cực và tiêu cực mà mỗi ai lựa chọn đều phải đối mặt.
Quyết định bước ra khỏi một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, điều đầu tiên những người trong cuộc phải đối mặt chính là ánh mắt đánh giá từ người khác. “Đã lấy nhau là phải chịu đựng nhau mà sống”, “Ly hôn thì làm sao mà nuôi con được?”, “Con cái không có đủ cha mẹ sau này không nên người”...
Hàng loạt những lời bàn tán, câu nói, những ánh nhìn đầy phán xét từ xã hội có thể đến từ bạn bè, hàng xóm, thậm chí là cả người thân của những người trong cuộc.
Đối mặt với những định kiến ấy, chị Hiền (34 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội), một người mẹ đơn thân nuôi 3 đứa con chia sẻ: “Hồi mới ly hôn, bắt đầu nuôi con một mình, tôi cũng hay nghe được nhiều điều không hay và phán xét từ xã hội.
Lúc đầu tôi cũng buồn, nhưng sau một thời gian, tôi đã quyết định bỏ những lời nói ấy ngoài tai để bớt suy nghĩ hơn. Tôi đang ngày ngày cố gắng nuôi dạy con và hoàn thiện bản thân hơn để chứng minh cho mọi người thấy mẹ đơn thân vẫn có thể sống tốt và nuôi dạy con nên người”.
Làm bố, mẹ đơn thân có tự do và cũng có những nỗi niềm thầm kín.
Một mình gánh vác trách nhiệm của hai người nên những bà mẹ đơn thân sẽ gặp phải rất nhiều áp lực trong cuộc sống. Áp lực tài chính, áp lực về thời gian, áp lực về việc nuôi dạy con như thế nào để con trưởng thành đúng cách… và vô vàn những vấn đề khác luôn đè nặng trên đôi vai.
Chị Vân (36 tuổi, Sơn Dương, Tuyên Quang), một mình nuôi 2 đứa con cho biết: “Tôi đi làm công ty, từ khi bố cháu mất, để kiếm tiền nuôi con, tôi làm cả tuần, không nghỉ ngày nào. Cứ đi sớm về khuya, sáng mở mắt là đi rồi, con cái vứt lăn vứt lóc, bé lớn thì tự đi học, còn bé nhỏ nhờ bà giúp một tay chăm sóc”.
Áp lực còn thể hiện ở chỗ, một người mà phải ở trong vai trò hai người. Khi sống một mình với con, người làm mẹ đơn thân phải hóa thân thành người bố. Một người đàn ông khỏe mạnh, biết làm hết mọi việc nặng nhọc trong nhà, biết bảo vệ con khỏi tất cả nguy hiểm của cuộc sống…
Tuy có nhiều áp lực phải chịu đựng nhưng việc trở thành bố, mẹ đơn thân cũng cho nhiều người cuộc sống tự do, thoải mái hơn.
Trở thành bố, mẹ đơn thân đi kèm với nhiều áp lực mà người lựa chọn nó phải chấp nhận.
Trở thành bố, mẹ đơn thân sẽ cho người đó có không gian, thời gian riêng để làm những việc mình yêu thích. Trong cuộc sống hôn nhân, khi sống chung với gia đình nhà chồng hoặc nhà vợ, nhiều người không có không gian, thời gian để làm những công việc, sở thích của mình.
Thậm chí, nhiều người còn phải từ bỏ niềm đam mê do nhà thông gia không thích hay không đồng ý. Điều này đặc biệt hay xảy ra với phụ nữ. Với tư tưởng phụ nữ lấy chồng nên ở nhà trông con, nhiều người đã phải từ bỏ niềm đam mê, công việc mơ ước của mình. Vì vậy, khi ở một mình, họ có cơ hội được làm việc mình thích và thể hiện bản thân nhiều hơn.
Cũng theo chị Hiền chia sẻ, khi ở một mình với các con, chị có nhiều thời gian riêng để làm những việc mình yêu thích. Chị có thể đi mua sắm đồ đạc, trang trí nhà cửa theo ý mình muốn hay đơn giản là uống cà phê cùng bạn bè mà không cần lo lắng khi nào chồng về để chuẩn bị bữa cơm cho gia đình.
Bố, mẹ đơn thân còn có thời gian cho các mối quan hệ cá nhân nhiều hơn khi sống chung. Một khi đã bước vào hôn nhân, hiếm ai có nhiều thời gian dành cho bạn bè, đồng nghiệp. Cuộc sống của họ xoay quanh việc đi làm và chăm sóc con.
Đôi khi, có cả những trường hợp vợ hoặc chồng không cho phép nửa kia của mình ra ngoài hay có những mối quan hệ mà mình không biết rõ. Cho nên, khi trở thành bố, mẹ đơn thân, người ta không còn bị bó buộc bởi bất kỳ ai hoặc bất cứ công việc nào ở nhà.
Họ có thêm thời gian rảnh rỗi để đi cà phê, mua sắm, trò chuyện cùng bạn bè hay các mối quan hệ khác. Việc này không chỉ làm giảm căng thẳng mà còn khiến con người tạo dựng thêm các mối quan hệ, hỗ trợ cho công việc và cuộc sống.
Trở thành bố mẹ đơn thân đi kèm với nhiều áp lực mà người lựa chọn nó phải chấp nhận. Tuy nhiên chỉ cần biết cách biến những áp lực ấy thành động lực, sống tích cực hơn vì con cái và bản thân thì cuộc sống đơn thân sẽ vui vẻ, thoải mái hơn rất nhiều.