Lấy chồng 5 năm, sống chung với bố mẹ chồng, Tiểu Hà chưa từng phải lo lắng về vấn đề gì, chỉ trăn trở một việc là vẫn chưa có con. (Ảnh minh họa)
Cư dân mạng xứ Trung mới đây xôn xao trước câu chuyện về cuộc sống hôn nhân của một cô gái tên Tiểu Hà tới từ tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc). Theo Tiểu Hà, cô và chồng gặp gỡ, quen biết nhau trong một buổi hẹn hò giấu mặt cách đây 5 năm.
Anh là một người đàn ông hiền lành, đặc biệt đối xử với cô rất tốt. Vì thế, cô quyết gả cho anh mặc cho điều kiện kinh tế gia đình chồng không tốt. Thâm tâm cô nghĩ tiền có thể từ từ kiếm nhưng không dễ để tìm được một người đàn ông tốt.
Cuộc sống sau khi kết hôn khá thoải mái. Vợ chồng cô sống cùng bố mẹ chồng, em gái chồng đã ly hôn và con trai của em gái. Dù vậy, cô không gặp khúc mắc mẹ chồng nàng dâu hay chị dâu em chồng như nhiều cô gái khác, thay vào đó, mọi người trong gia đình chồng đều đối xử với cô không khác gì người thân ruột thịt. Do đó, cô cũng coi bố mẹ chồng như bố mẹ ruột của mình mà đối đãi và phụng dưỡng.
Vì cô em chồng thường ngày chỉ ở nhà chăm con nhỏ, không ra ngoài làm việc nên không có thu nhập, vợ chồng Tiểu Hà hay cho cô ít tiền tiêu vặt. Cuộc sống hạnh phúc và êm đềm cứ như vậy trôi qua, không có một vấn đề gì khiến Tiểu Hà phải phiền lòng hay than vãn cả, duy chỉ có một điều là vợ chồng cô vẫn chưa có con dù đã lấy nhau 5 năm.
“Khi cưới được một năm, chúng tôi đến bệnh viện khám, vấn đề nằm ở tôi. Tôi đã rất hợp tác với bác sĩ để điều trị nhưng mãi vẫn chưa có con. Thấy chồng lo lắng, tôi cũng buồn lắm”, Tiểu Hà tâm sự.
Dù vậy, chồng không bao giờ gây áp lực cho cô, bố mẹ chồng cũng không ép cô phải ly hôn để gia đình họ có dâu mới và có người nối dõi tông đường. Tiểu Hà cảm thấy ấm lòng, nghĩ sẽ cố gắng chạy chữa, không ngờ một ngày nọ, bố mẹ chồng lại đưa cho cô 500.000 NDT (khoảng 1,8 tỷ đồng). Tiểu Hà có chút ngỡ ngàng, cho rằng đây là tiền dưỡng già của bố mẹ chồng nên nhất quyết không lấy, đến khi mẹ chồng vừa quỳ vừa nói trong tiếng khóc, cô mới vỡ lẽ.
Mẹ chồng cô cuối cùng vẫn yêu cầu cô ly hôn với chồng: “Tiểu Hà, mẹ biết con là một dâu hiền vợ đảm, mấy năm nay con và chồng chung sống rất hòa thuận với nhau. Nhưng mà các con không có con với nhau, con không thể để gia đình này tuyệt hậu như vậy được. Các con hãy ly hôn đi, mẹ xin lỗi, 500.000 NDT này coi như tiền đền bù cho con”.
Nhìn mẹ chồng quỳ khóc trên nền đất, Tiểu Hà vội đỡ bà dậy, lòng dâng lên nỗi chua xót và hụt hẫng. Cảm thấy khó xử, không biết phải giải quyết ra sao, Tiểu Hà đã đăng tải câu chuyện của mình lên mạng xã hội, muốn nghe ý kiến của mọi người.
Nhiều người biết chuyện cảm thấy xót xa thay cho Tiểu Hà. Có người nghĩ rằng cô nên ly hôn, không ít người lại khuyên cô nên bàn bạc với chồng phương pháp thụ tinh ống nghiệm để có con, cố gắng cứu vãn cuộc hôn nhân vốn đang hạnh phúc.
Liên quan đến hiếm muộn của các cặp đôi, trang ETToday vào hôm 3/3 đã đưa tin về một vụ việc bị dư luận Trung Quốc chỉ trích nặng nề. Cụ thể, người phụ nữ họ Trương (40 tuổi) bị hiếm muộn đã lâu. Bác sĩ cũng thông báo tuổi tác cô đã cao, không thích hợp để mang thai. Tuy nhiên, vợ chồng cô vẫn không ngừng khao khát có một đứa con.
May mắn mỉm cười khi vào tháng 10/2020, cô bất ngờ phát hiện mình có tin vui sau nửa tháng chậm kinh. Lòng vui mừng không thôi, cô mau chóng báo tin cho mẹ chồng, mong rằng đứa bé sẽ giúp bà phấn chấn hơn. Vậy mà, vừa nghe tin con dâu mang thai, bà lại tỏ thái độ lạnh nhạt nói: “Đứa bé trong bụng con, không cần phải sinh ra đâu”.
Sững sờ trước câu nói của mẹ chồng, không tin bà lại không muốn có cháu, cô Trương gặng hỏi lý do thì được biết mẹ chồng làm theo phong tục kiêng kị ở địa phương. Hóa ra, bố chồng cô Trương vừa qua đời chưa được 1 tháng. Theo truyền thống và kiêng kị, cô không được phép mang thai, nếu không mẹ chồng sẽ “đi theo” ông trong vòng 1 năm tới.
Chồng cô Trương ngồi cạnh nghe lời mẹ nói cũng không biết phải làm thế nào. Những ngày sau đó, mẹ chồng vẫn luôn thuyết phục và thúc ép cô phá thai, thậm chí dùng tới hạ sách buộc cô và chồng phải ly hôn nếu không làm theo lời bà. Không thể làm gì khác, cô Trương đành cầu cứu chồng nhưng đau đớn thay, người chồng lại đồng ý với đề nghị của bà mẹ.
Anh ta cho rằng sức khỏe bà mẹ ngày một kèm hơn kể từ lúc cô Trương mang thai, tin rằng đây là ảnh hưởng từ phong tục lâu đời ở địa phương. Cô Trương bất lực khi không thể xoay chuyển suy nghĩ của mẹ chồng, đau đớn khi chồng cũng không thương xót đứa con, không đứng về phía mình. Dù vậy, cô khẳng định chắc nịch sẽ giữ đứa bé và nuôi dạy con nên người ngay cả khi phải ly hôn với người “đầu ấp tay gồi” bao năm qua.