Trách nhiệm trong hôn nhân chưa bao giờ có thể phân chia được rạch ròi. (Ảnh minh họa)
Thực tế vẫn còn không ít đàn ông có suy nghĩ "gia đình, cha mẹ mới là nhất, vợ suy cho cùng cũng chỉ là người dưng". Chính vì thế mà trong hôn nhân họ nảy sinh tâm lý phòng xa, tính toán rất chi li với chính người đầu gối tay ấp của mình.
Hiền (31 tuổi) chia sẻ cô đã kết hôn được 3 năm và có một bé gái đầu lòng. "Đêm tân hôn của chúng tôi không có những phút giây nồng nàn say đắm. Chồng tôi dành cả đêm ấy để thống nhất với vợ về chuyện tiền bạc và trách nhiệm của mỗi người trong hôn nhân", cô vợ này chia sẻ.
Lâm - chồng Hiền tuyên bố Hiền cũng đi làm lương thưởng chẳng kém gì anh nên mọi chi phí trong nhà sẽ “cưa” đôi. Việc nhà cũng vậy, anh là người đàn ông hiện đại nên chẳng ngại nấu nướng, dọn dẹp và giặt giũ. Khi nào sinh con thì hai vợ chồng cùng chăm sóc bé. Sau khi góp chi phí sinh hoạt, tiền lương còn lại của mỗi người sẽ tự chi tiêu và quản lý riêng.
Hiền không đồng tình lắm khi thấy đề xuất của Lâm quá rạch ròi. Song lúc ấy Hiền chẳng tìm được lý do gì để bắt bẻ. "Có lần tôi tình cờ đọc được tin nhắn của chồng với bạn. Anh ấy nói rằng bây giờ phụ nữ không còn chung thủy một lòng như thế hệ trước hoặc tức lên là đòi ly hôn. Do đó chồng tôi sẽ không đầu tư vào hôn nhân cũng không chăm lo cho vợ thứ gì”, Hiền kể.
Lâm chỉ bỏ ra ngang bằng với vợ, mọi thứ đều phải chia đôi công bằng. Nếu chẳng may ly hôn, anh sẽ không phải chịu thiệt thòi, ấm ức. Lâm còn khẳng định vợ như cái áo có thể thay bất cứ lúc nào, chỉ có anh em ruột thịt và gia đình mới tồn tại vĩnh cửu.
Các ngày lễ Tết, Lâm không bao giờ tặng hoa, quà cho vợ. Đi công tác về chưa lần nào anh mua thứ gì tặng Hiền. Anh thực hiện đúng theo phương châm mà mình đặt ra, không “đầu tư” cho vợ vật chất và thậm chí là cả tình cảm.
Hiền ốm nhưng Lâm vẫn thản nhiên đi nhậu với bạn. Cô trách anh vô tâm, lạnh nhạt với vợ thì Lâm cười khẩy: "Phụ nữ các em lạ thật. Luôn gào lên đòi quyền bình đẳng, đòi được ngang bằng với đàn ông. Thế nhưng cũng chính phụ nữ suốt ngày đòi hỏi chồng phải quan tâm, bao bọc cho mình. Cái gì cũng muốn như thế thì ai mà chiều được?".
Hôm đó Lâm đi công tác về, khi anh mở va li xếp đồ cất đi, Hiền tình cờ nhìn thấy một đôi giày cao gót hàng hiệu đẹp tuyệt. Phụ nữ ai chẳng thích những thứ lấp lánh và xinh đẹp. Không nghĩ ngợi gì, Hiền cầm lấy ướm thử lên chân. Kích cỡ vừa khít, cô vui mừng nghĩ bụng lẽ nào Lâm mua tặng vợ. Ai ngờ Hiền chưa kịp cất tiếng hỏi thì Lâm đã đẩy vợ ngã ngồi xuống sàn, rồi giật phắt đôi giày trên chân cô cẩn thận cất đi.
"Giày tôi mua tặng cái Loan nhân sinh nhật nó, cô đừng có ướm vào bẩn giày mới của em gái tôi", Lâm cáu kỉnh quát vợ. Hiền chết lặng vì hành động bất ngờ và lời nói phũ phàng của chồng.
Cả tuần sau Hiền suy nghĩ rất nhiều về cuộc hôn nhân của cô. Nhìn từ bên ngoài, ai cũng xuýt xoa khen cô có người chồng tốt và cuộc sống gia đình hạnh phúc. Không ai biết rằng bên trong chiếc vỏ bọc đẹp đẽ ấy là sự lạnh lẽo, thờ ơ bao trùm. Cô và Lâm mang tiếng là vợ chồng nhưng họ chẳng khác gì đối tác làm ăn, được ràng buộc bởi một hợp đồng với các điều khoản không chút tình cảm.
"Ít ra anh ta không thế này… thế kia…", Hiền luôn tự ru ngủ mình như vậy để giữ gia đình cho con. Nhưng cô có thể sống thế này cả đời hay không? Rồi con cô lớn lên liệu có chịu ảnh hưởng từ cuộc hôn nhân của bố mẹ, có cái nhìn lệch lạc về tình yêu và hôn nhân?
Hôm đó Lâm về nhà thì chết đứng khi không thấy đồ đạc của anh đâu. Anh hỏi Hiền và nhận được câu trả lời sốc vô cùng: "Tôi đóng gói gửi về bên nhà bố mẹ anh rồi. Căn nhà chúng ta thuê chung nhưng tôi còn vướng con nhỏ. Chắc anh không nhẫn tâm đến nỗi để mẹ con tôi lếch thếch đi thuê nhà mới chứ?"
"Nếu như đối với anh, gia đình có cũng được, không có vẫn vui thì hãy ký vào lá đơn này để tôi mang đi nộp. Còn không, anh cứ về suy nghĩ cho thật kỹ đi. Tôi cần một cuộc hôn nhân đúng nghĩa, cần hai người nắm tay nhau, chung vai sát cánh tiến về phía trước. Chứ không phải là cuộc hôn nhân góp gạo thổi cơm chung”, Hiền nhẹ nhàng mà đanh thép nói với chồng.
Trách nhiệm trong hôn nhân chưa bao giờ có thể phân chia được rạch ròi. Bởi phàm thứ gì quá sòng phẳng thì sẽ mất đi tình cảm. Hơn nữa, phụ nữ mang thai, sinh con phải đánh đổi cả nhan sắc và sức khỏe, thậm chí là dạo một vòng qua cửa tử - đàn ông có thể phân chia với cô ấy không? Những năm tháng nuôi con mọn, con chỉ bám mẹ nhằng nhẵng, rồi bao đêm thao thức canh giấc ngủ của con - người chồng có thể chia phần được chăng?
Muốn hái được trái ngọt hôn nhân thì mỗi người phải bỏ vào đấy sự chân thành và công sức vun đắp. Nếu chỉ đề phòng được mất, toan tính hơn thua, chưa bắt đầu đã nghĩ đến lúc kết thúc thì mãi mãi sẽ chẳng bao giờ có một mái ấm bình yên để trở về đâu. Hy vọng Lâm sẽ hiểu được điều đó để không đánh mất đi tổ ấm nhỏ của mình.