Chia sẻ trong chương trình Người kết nối, chị Kim Thùy (30 tuổi, quê Đắc Lắk) cho biết gia đình chị có 5 anh em, chị là con gái thứ 2. Ba mẹ ly dị, một mình mẹ bương chải kiếm sống nuôi các con khôn lớn thành người. Thương mẹ vất vả nên năm 18 tuổi, chị đã qua Malaysia theo diện xuất khẩu lao động với hy vọng phụ giúp kinh tế cho mẹ già ở quê nhà.
Và rồi, ở đây chị đã tìm thấy bến đỗ của cuộc đời mình. Đó là anh NG Han Sen (37 tuổi, người Hoa), vào công ty trước chị nửa năm. Kể về mối duyên với người chồng ngoại quốc, chị Thùy chia sẻ: “Khi đó tôi chơi thân với một chị người Việt, chị ấy làm việc ở đây được 4-5 năm rồi. Chị rành việc nên giúp đỡ anh rất nhiều trong công việc. Anh biết ơn chị nên rủ ra ngoài ăn và chị đã rủ tôi đi theo. Về sau khi có thời gian rảnh, chúng tôi lại cùng nhau đi ăn uống.
Được khoảng vài lần, anh nhắn tin hỏi tôi có muốn làm bạn gái anh không? Thực sự lúc đó tôi không có dự định lấy chồng vì nhà còn khó khăn, với thấy bạn bè lấy chồng khổ quá nên tôi không nhận lời anh lúc đó”.
Tổ ấm nhỏ của chị Thùy.
Mặc dù từ chối nhưng sau đó chị Thùy và anh Han Sen vẫn thi thoảng đi chơi với nhau vì có nhóm bạn chung. Anh chàng người Hoa vẫn kiên trì theo đuổi, dành nhiều cử chỉ quan tâm cho chị Thùy và điều này khiến chị rung động, thay đổi suy nghĩ.
"Quả thật anh không phải hình mẫu tôi thích. Một phần nữa là tôi sợ lập gia đình, anh cũng không phải là người quá có điều kiện, khi ấy anh đi cái xe cà tàng lắm. Tôi nghĩ nếu lập gia đình thì tôi sẽ tìm người nào có điều kiện để phụ mình lo cho gia đình, cho nên tôi không nghĩ sẽ tiến đến hôn nhân với anh vì tôi sợ khổ, sợ không giúp được cho gia đình mình.
Nhưng sau này tôi, tôi dần dần cảm nhận được sự quan tâm chân thành anh dành cho tôi. Chẳng hạn như lần tôi đi chơi biển bị té, anh chạy đi mua băng keo cá nhân rồi quỳ xuống dán cho tôi. Xe bị chết máy, anh cũng xuống tự đẩy một mình, để tôi ngồi trên xe, nhất quyết không cho tôi xuống phụ cùng. Tôi nghĩ, anh thương tôi như vậy thì hai đứa cùng nhau tu chí làm ăn, sau này sẽ có tương lai nên từ đó trở đi tôi mới nhận lời hẹn hò với anh”, chị Thùy tâm sự.
Năm 2017, chị Kim Thùy kết hôn với chồng người Hoa sau 5-6 năm yêu nhau. Để đến được với nhau, cặp đôi cũng gặp phải không ít trắc trở, đặc biệt là sự phản đối của mẹ anh Han Sen. Nguyên nhân là mẹ anh từng nghe nhiều câu chuyện con gái Việt lấy chồng rồi ôm con bỏ về nước, nên bà ít nhiều có định kiến với chị. Hơn nữa, thời điểm đó chị Thùy chỉ biết nói tiếng Malaysia chứ không biết tiếng Hoa nên chị càng bị mất điểm hơn. Dẫu vậy, anh Han Sen vẫn bất chấp sự phản đối của mẹ để cưới chị bằng được.
Do không có cảm tình ngay từ đâu nên khi về chung nhà, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu càng thêm căng thẳng. Đỉnh điểm là khi sinh con thứ 2, anh Han Sen phải đi công tác, chị Thùy về sống chung với ba mẹ chồng. Mẹ chồng luôn hướng cho nàng dâu rằng ngoài việc nội trợ chăm con thì người vợ không được làm gì hết, bà cũng luôn kiểm soát nàng dâu theo ý của mình.
Vì vừa sinh xong, suy nghĩ đang nhạy cảm lại không có người thân ở cùng, con thì khóc quấy, chồng không ở gần mà mỗi ngày tiếp xúc với mẹ chồng nên mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu cứ xảy ra hàng ngày khiến chị Thùy rơi vào trầm cảm, có những lúc chị muốn từ bỏ tất cả. Tuy nhiên khi nhìn thấy con, chị lại như được tiếp thêm động lực để đi tiếp.
Hai con và bố mẹ chồng của chị Thùy.
Chị cố gắng tìm cách thay đổi định kiến của mẹ chồng về nàng dâu người Việt cũng như chứng minh cho bà thấy chị có thể làm được tất cả. Bản thân chị cũng thay đổi về cách suy nghĩ của mình.
Chị Thùy chia sẻ: “Ngày trước toàn bộ việc nhà tôi đều làm, có chị dâu lớn nhưng chị không làm gì hết, còn tôi không làm là có chuyện đó. Tôi rất sợ ánh mắt dèm pha của mẹ chồng nên lúc nào tôi cũng nhiệt tình, muốn chứng minh cho bà thấy người Việt trong mắt bà là khác. Nhưng tôi càng cố gắng, càng nhiệt tình thì người ta lại ỷ lại cho mình, cho đó là việc mình phải làm, nên làm. Sau đó tôi bắt đầu thay đổi, những việc nào cần làm thì tôi làm, việc nào không phải việc của mình tôi sẽ không làm, như vậy bà cũng không thể trách mình được.
Nhưng những việc mình làm cũng phải làm đúng trước đã, nếu làm sai thì bà có thể trách ngược lại được mình. Tôi tự nhủ mình phải mạnh mẽ để không còn sợ hãi ánh mắt dèm pha của mẹ nữa. Sau này tôi cũng chứng minh được cho mẹ chồng thấy tôi làm được nhiều hơn bà nghĩ, nên bà không còn xen vào đời sống riêng tư của tôi nữa”.
Bên cạnh đó, chị Thùy còn tự học thêm tiếng Hoa và tiếng Anh. Nhờ sự cố gắng và nỗ lực không ngừng nghỉ, cuối cùng chị Thùy và mẹ chồng cũng dần hòa hợp hơn trong cuộc sống. Hàng ngày mẹ giúp chị tắm cho con, bón cho cháu ăn. Lúc chị đi sinh, cũng là mẹ chồng một mình túc trực ngoài cửa phòng từ sáng đến chiều vì lúc đó chồng không thể vào được.
Hiện tại chồng chị Thùy đang làm kỹ sư, còn chị ở nhà chăm sóc con cái và làm Vlog chia sẻ về văn hóa, cuộc sống và con người ở Malaysia. Đây cũng là nguồn thu nhập bị động giúp chị trang trải thêm kinh tế nơi xứ người. Tuy nhiên chia sẻ về tương lai, chị Thùy dự định khi các con cứng cáp chị sẽ tìm thêm một công việc khác để làm.