Khi phụ nữ ở nhà nội trợ, trông con, nhiều anh chồng thường nói rằng vợ ở nhà có làm gì đâu hay có mỗi việc trông con, nấu ăn cũng chẳng xong, cho rằng họ ở nhà rất sung sướng, chỉ có người đàn ông đi làm mới mệt nhọc khi phải đối mặt với áp lực của cấp trên và giải quyết những vấn đề phức tạp khác. Việc nhà tưởng chừng như rất dễ dàng, nhưng thực tế nó không hề dễ dàng hơn việc đi làm, đôi khi còn mệt hơn.
Mới đây, một người đàn ông ở nhà nội trợ toàn thời gian suốt 8 năm chia sẻ rằng, anh mệt mỏi đến mức gần như gục ngã vì khối lượng công việc nhà phải làm hàng ngày. Người đàn ông cho biết, anh đã phục vụ trong quân đội nhiều năm và sau đó ra quân ở quê nhà. Vì không muốn vợ phải nghỉ việc về quê, không muốn vợ chồng xa nhau nên anh quyết định đến thành phố sống cùng vợ.
Anh không quen với nơi này, sau một thời gian vẫn không thể tìm được việc làm ưng ý. Con gái lớn lúc đó mới hơn 1 tuổi, vợ đang có công việc ổn định nên không muốn ở nhà chăm con. Hai vợ chồng lại không yên tâm khi giao con cho một người lạ, nên sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, người chồng quyết định tạm thời ở nhà chăm con cho vợ đi làm.
Người đàn ông ân hận khi đã ở nhà làm nội trợ suốt 8 năm qua.
Không ngờ mọi chuyện lại không hề đơn giản như anh nghĩ. “Tôi làm việc toàn thời gian ở nhà, mỗi ngày tôi phải dậy vào khoảng 5 giờ sáng để làm bữa sáng cho vợ. Sau khi vợ đi làm thì tôi vệ sinh cá nhân cho con gái, cho con ăn rồi đưa con đi dạo, đi chợ. Khi con gái ngủ, tôi bắt đầu dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn. Đợi con dậy lại tiếp tục chăm con, chơi với con.
Cứ như thế, tôi xoay vòng vòng trong nhà mỗi ngày, không giao tiếp xã hội, không giải trí và không bạn bè. Ngày nào tôi cũng mong vợ về nhà và nói chuyện với tôi về mọi chuyện ở nơi làm việc. Còn vợ đi công tác, tôi chỉ có thể ở nhà với con”, người đàn ông nói.
Sau đó, khi con gái đến tuổi đi học mẫu giáo, anh nghĩ cuối cùng mình cũng được tự do. Không ngờ đúng lúc này vợ lại bất ngờ có thai. “Cô ấy sinh con và kiếm tiền. Tôi không dám bày tỏ ý kiến của mình. Tôi phải nghe lời cô ấy trong mọi việc”, anh chồng nói.
Mỗi ngày anh đều phải đối diện với hàng loạt công việc không tên.
Kết quả là thời gian ở nhà kéo dài 8 năm. Anh luôn có vô số công việc nhà phải làm mỗi ngày. Cuối tuần được ngủ nướng một chút nhưng anh vẫn phải đưa vợ con đi chơi cho gần gũi với thiên nhiên và đi mua sắm.
Sau 8 năm ở nhà làm nội trợ toàn thời gian, người đàn ông nghẹn ngào: “Càng ở nhà lâu, tôi càng bức bối. Tôi ân hận quá! Ở nhà không vui nhưng tôi không dám thể hiện ra ngoài. Khi đối mặt với vợ con vẫn phải tỏ ra nhiệt tình, tươi vui. Nếu không điều đó có thể khiến gia đình xáo trộn, lục đục.
Chẳng trách có người nói, ai chăm sóc con cái sẽ bị trầm cảm. Tôi cảm thấy mình gần như bị trầm cảm. Mặc dù nuôi dạy một đứa trẻ là một công việc khó khăn, mặc dù tôi làm việc rất chăm chỉ mỗi ngày nhưng tôi vẫn được cho là đang tận hưởng niềm vui ở nhà. Đàn ông ngoài 30 tuổi đang ở độ tuổi sung sức nhất, là thời điểm tốt nhất để bắt đầu sự nghiệp. Nhưng tôi lại lãng phí thời gian ngồi trước bếp lò và lãng phí vào những việc vặt vãnh ở nhà. Tôi cảm thấy có lỗi, thấy bản thân thật tệ”.
Cư dân mạng bật cười khi xem những chia sẻ của người đàn ông, cho rằng tất cả đàn ông nên biết điều này. “Làm nội trợ toàn thời gian quả thực không hề dễ dàng. Dù mệt mỏi nhưng bạn vẫn không có tiền. Gia đình chồng chê trách không kiếm được tiền và cho rằng ở nhà thật sung sướng. Ai trải qua rồi mới thấm”, “Tôi vừa phải chăm sóc con cái vừa đi làm mà chồng vẫn coi thường vợ”, “Tôi cũng nể anh chồng này, ở nhà được 8 năm. Nhưng có thế mới thấm được vất vả của chị em phụ nữ”,… là một số bình luận của cư dân mạng.
Cách phân chia việc nhà giúp hôn nhân không căng thẳng
Rất nhiều gia đình mắc phải sai lầm khi muốn người bạn đời của mình làm việc nhà nhiều hơn, đó là yêu cầu họ giúp đỡ mình. Yêu cầu giúp đỡ ngụ ý rằng, trách nhiệm việc nhà chỉ thuộc về bạn và bạn mong muốn nửa kia giúp bạn làm phần việc của mình. Ngay sự yêu cầu này đã thấy sự bấp bênh, phân biệt.
Việc nhà là trách nhiệm chung, vợ chồng phân chia công việc tốt là điều cần thiết để đảm bảo hôn nhân hạnh phúc.
Hai vợ chồng nên thảo luận xem cả hai cảm thấy thế nào về bữa ăn tự nấu so với bữa ăn nhanh hoặc thi thoảng đi ăn ngoài. Tìm hiểu cảm xúc của bạn và nửa kia khi để nhà bụi bặm hoặc sạch sẽ.
Sau đó, cả hai nên ngồi xuống cùng nhau và lập danh sách những công việc mà mỗi người cực kỳ ghét phải làm. Nếu cả hai người đều ghét cùng một công việc, hãy tìm cách thỏa hiệp để hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt khó chịu này, hoặc hai người có thể cùng nhau giải quyết công việc đó.
Thêm một điều quan trọng nữa là cả hai phải quan tâm đến đồng hồ sinh học của nhau. Ép buộc đối phương làm việc khi họ chưa sẵn sàng sẽ chỉ tạo ra căng thẳng, xung đột gia đình.