Ảnh minh họa: Rex
Sau khi đám cưới diễn ra, đôi tân lang, tân nương người Ảrập Xêút đến phòng khách sạn mà họ đã đặt trước ở Manama, vương quốc Bahrain, để tận hưởng đêm tân hôn ngọt ngào.
Tuy nhiên, thay vì đáp ứng những lời mời gọi từ người chồng mới cưới, cô dâu trẻ lại tranh thủ hồi đáp những tin nhắn mà bạn bè cô gửi tới qua điện thoại di động. Một người họ hàng của gia đình nói rằng, chàng trai yêu cầu vợ ngừng nhắn tin nhưng cô từ chối, khiến anh nổi giận.
"Khi cậu ấy hỏi vợ rằng những người bạn kia quan trọng hơn hay cậu ấy quan trọng hơn thì cô ấy chọn bạn", người này nói tiếp.
Hai bên sau đó cãi nhau gay gắt. Chú rể tuyên bố sẽ ly dị rồi bỏ đi, để cô dâu một mình trong phòng.
Ahmad Al Maabi, một chuyên gia pháp lý ở Ảrập Xêút, đã cảnh báo về tình trạng ngày càng có nhiều vụ ly hôn xảy ra trong các cặp vợ chồng mới cưới, với tỷ lệ ly hôn là 50%.
"Sự hiểu lầm, khác biệt về quan điểm cùng với quyết định tiến tới hôn nhân quá dễ dàng mà không hề suy nghĩ thấu đáo về trách nhiệm là những nguyên nhân chính khiến các cặp vợ chồng trẻ ly hôn. Hôn nhân sẽ đổ vỡ nếu ta không có nền tảng vững bền hay tin tưởng lẫn nhau", ông Maabi nói.
7 điều cần cân nhắc trước khi tiến tới hôn nhân
Trước khi kết hôn các đôi uyên ương thường không mấy để ý đến chuẩn bị tâm lý cho cuộc sống gia đình sau này. Có hàng tá vấn đề sẽ nảy sinh trong cuộc sống sau khi cả hai kết hôn. Vì thế để không bị sốc vì bỡ ngỡ, tốt nhất bạn nên chuẩn bị tâm lý cho mình bằng cách cân nhắc những điều dưới đây:
1. Hai bạn có cùng mục tiêu trong cuộc sống hay không?
Đây là một điều rất quan trọng để xem xét khi nói đến một cuộc hôn nhân. Hai bạn có dự định tiếp tục công việc hiện tại sau khi kết hôn không?
Những cột mốc quan trọng trong cuộc đời bạn sẽ là gì? Nếu bạn đang lên kế hoạch thay đổi nghề nghiệp, đối phương sẽ luôn sẵn sàng ủng hộ bạn cả về mặt tình cảm và tài chính hay không?...
Hãy tiếp tục chỉ khi bạn hài lòng với tất cả câu trả lời! Đây là một trong những mấu chốt quan trọng cho sự hòa hợp trong hôn nhân.
2. Bạn có phiền toái nào từ người bạn đời không?
Bạn hãy tự hỏi xem có điều gì người ấy làm bạn phiền lòng? Điều gì bạn làm cho chồng hoặc vợ tương lai của mình phiền lòng? Khi bạn biết rằng những thói quen hay hành vi của bạn làm phiền người ấy thì bạn sẽ sẵn sàng lắng nghe ý kiến của người kia để sửa đổi, đồng thời bạn sẽ nói cho người ấy biết cảm giác của mình chứ?
Bên cạnh đó, hai bạn cũng cần thống nhất với nhau về những vấn đề của phía nội và đằng ngoại. Mỗi khi có chuyện gì xảy ra, cả hai sẽ bàn bạc với nhau dù cho việc ấy có thể làm hỏng cuộc hôn nhân của bạn chứ?
Khi cân nhắc kỹ những vấn đề trên, bạn sẽ có cho mình những câu trả lời thật thỏa đáng. Hôn nhân không phải là bến đỗ của tình yêu mà chỉ đơn giản là bắt đầu một cuộc hành trình mới với những thử thách mới. Việc cân nhắc và tiên liệu thật kỹ những trở ngại có thể gặp trên đường đi sẽ giúp bạn có một cuộc hôn nhân mỹ mãn.
Ảnh minh hoạ
3. Người ấy có đặt quyền lợi của bạn lên trên hay không?
Sẽ có những lúc trong hôn nhân mà mỗi người phải từ bỏ quyền lợi của bản thân để tìm điều tốt nhất cho cả hai. Nhưng không phải ai cũng sẵn sàng chấp nhận hy sinh, vì vậy hãy chọn người thật sự coi trọng mối quan hệ này để kết hôn!
4. Làm gì để có thể giữ mối giao thiệp rộng như thời độc thân?
Bạn muốn sau khi có vợ mà vẫn có thời gian dành cho các mối quan hệ làm ăn, bạn bè như thời còn độc thân. Vậy bạn cần xem xét mình nên làm gì để đảm bảo vừa giữ được các mối quan hệ tốt như thời còn độc thân mà vừa chăm sóc tốt cho gia đình và luôn đặt gia đình lên vị trí hàng đầu? Nếu có phát sinh mâu thuẫn, làm thế nào để xử lý những cuộc xung đột một cách thỏa đáng?
5. Người bạn đời liệu có sẽ luôn ủng hộ bạn và mọi quyết định của bạn chứ?
Hai bạn thường xuyên có những cuộc cãi vã vì những chuyện nhỏ nhặt? hay người bạn yêu luôn cho rằng những quyết định của bạn là sai lầm? Có thể tình trạng này sẽ tiếp tục sau khi kết hôn.
Người bạn chung sống suốt cả cuộc đời không nên là vật cản trong mọi quyết định của bạn, mà lẽ ra nên luôn là người ủng hộ và bên cạnh bạn dù chuyện gì xảy ra.
6. Phân chia công việc nhà
Việc nhà sẽ được thống nhất một người làm là chính, hay hai người cùng chia nhau: Nếu người kia nấu nướng, người này sẽ rửa chén, xoong chảo... Ai sẽ là người đảm bảo trật tự, nội thất, cũng như bảo dưỡng ngôi nhà, ai sẽ cắt cỏ, đổ rác? Con cái sẽ giúp bạn một tay để làm việc nhà và sẽ cho chúng tiền tiêu vặt chứ? Gánh nặng gia đình bạn sẽ phân chia ra sao?
7. Bạn có cảm thấy được tôn trọng không?
Tôn trọng lẫn nhau là điều tối quan trọng trong quan hệ vợ chồng. Nếu đối phương liên tục lẫn trốn hay không tôn trọng bạn, có lẽ họ chưa thực sự nghiêm túc trong mối quan hệ này!
Hãy xem xét liệu đối phương có dấu hiệu nào tỏ vẻ không lắng nghe hay không tôn trọng bạn hay không, vì đây có thể trở thành vấn đề lớn gây rạn nứt sau này.