Vợ chồng chị A hiếm muộn. Bác sĩ kết luận rằng nguyên nhân là do sức khỏe của cả hai vợ chồng đều có vấn đề nên rất khó có khả năng thụ thai. Vợ chồng chị A đã chữa trị rất nhiều nơi, đi xét nghiệm, kiểm tra và còn thực hiện cả thụ tinh, cấy phôi, kích trứng, chuyển phôi,... Làm rất nhiều, vừa tốn thời gian, sức khỏe, tiền bạc nhưng mọi nỗ lực đều không mang lại kết quả.
“Vào thời điểm đó, mọi người bàn tán rất nhiều. Đặc biệt là gia đình nhà chồng tôi, họ không tin rằng nguyên nhân là do cả hai vợ chồng mà lại đổ lỗi hết cho tôi. Họ nói tôi là ‘cau điếc’, không có khả năng mang thai khiến tôi vừa buồn vừa áp lực. Tuy vậy, chồng vẫn rất thương yêu tôi, luôn bên cạnh động viên”, chị A nghẹn ngào nhớ lại.
Sau một thời gian dài cố gắng mà không có con, chuyện vợ chồng cũng không tránh khỏi những lúc lời qua tiếng lại, buồn bực, cãi vã. Thế nhưng sau đó, cả hai lại ngồi lại với nhau, vì hai vợ chồng vẫn yêu nhau. Vì mong có con, vợ chồng chị A quyết tâm chữa chạy, có con bằng mọi giá. Trời không phụ lòng người, sau hơn 11 năm chạy chữa, cuối cùng vợ chồng chị cũng có tin vui. "Ngày biết tin, hai vợ chồng tôi ôm nhau khóc. Đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong đời tôi”, chị nói.
Chị A chia sẻ câu chuyện của mình.
Thế nhưng, niềm hạnh phúc ngắn ngủi ấy sớm bị che phủ bởi một cú sốc khủng khiếp. Sau khi con chào đời không lâu, chị A phát hiện chồng mình thường xuyên chuyển khoản định kỳ một khoản tiền không rõ mục đích. Khi lần theo manh mối, chị bàng hoàng phát hiện chồng đang chu cấp cho một người phụ nữ khác. Đáng nói, người phụ nữ đó đã sinh con cho chồng chị A, đứa bé đã được 3 tuổi. "Tôi thật sự rất sốc và đau đớn”, chị A kể lại.
Trước sự chất vấn, người chồng thú nhận mối quan hệ ngoài luồng bắt đầu từ thời điểm anh cảm thấy mệt mỏi, mất niềm tin khi việc chữa trị hiếm muộn mãi không có kết quả. Ban đầu chỉ là tâm sự, chia sẻ, rồi nảy sinh tình cảm. Khi người phụ nữ ấy mang thai, anh đã chọn cách không bỏ vợ nhưng cũng không bỏ đứa con và chu cấp đều đặn mỗi tháng như một sự thỏa hiệp giữa tình cảm và trách nhiệm.
Chồng nói rất bình tĩnh khiến chị A sững sờ. Nhưng điều khiến chị choáng váng hơn cả là chồng đề nghị sau này khi đứa bé cứng cáp hơn sẽ đưa về sống chung, cho cả nhà bốn người đông vui. Với chị A, đó là một đề nghị không tưởng. “Tôi không thể ngờ anh lại nói ra được những lời như vậy. Làm sao tôi có thể chấp nhận con riêng của chồng, đi nuôi con riêng của chồng?”, chị A bức xúc.
Cả nội, cả ngoại đều biết chuyện, nhưng gia đình chồng không thừa nhận cái sai của chồng chị A, ngược lại đồng ý mang đứa trẻ về nuôi. Chỉ có mẹ đẻ chị A là người luôn sát cánh và cảm thông với nỗi đau của con gái. Bà cảnh báo rằng việc mang đứa trẻ về nhà đồng nghĩa với việc sợi dây liên kết giữa chồng chị A và người phụ nữ kia sẽ không bao giờ cắt đứt. “Liệu có ai dám chắc rằng tình cảm cũ sẽ không quay lại khi hai người còn con chung?”, mẹ chị A lo lắng.
Chị A không muốn ly hôn vì muốn con có gia đình đủ đầy, hơn nữa chị còn rất yêu chồng. Vì thế, chị không biết nên làm thế nào cho phải.
Clip: Câu chuyện của chị A
Trước tình huống đầy éo le này, Tiến sĩ tâm lý Đinh Đoàn nhận định, người chồng vẫn còn yêu vợ và trân trọng hơn 10 năm gắn bó mới không chọn ly hôn để đến với người tình. Tuy nhiên, một khi đã có con, đàn ông rất khó buông bỏ trách nhiệm làm bố. Gia đình nhà chồng cũng vậy, họ nhìn nhận cháu là cháu, dù trong hoàn cảnh nào sinh ra.
Theo ông, việc chấp nhận sự thật là bước đầu tiên chị A cần làm nếu không muốn ly hôn. Tuy nhiên, việc đưa con riêng về nhà nuôi không hề đơn giản như lời chồng chị nói. Một người mẹ, dù hoàn cảnh ra sao, cũng sẽ không dễ gì giao con cho người khác nuôi, nhất là cho vợ của người đàn ông từng phản bội mình. “Chỉ khi người mẹ chủ động buông tay, chứ không ai tự nguyện như vậy cả”, ông Đoàn phân tích.
Ông cũng cảnh báo rằng nếu chị A không chấp nhận và không tìm được tiếng nói chung, người chồng rất có thể sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ với người phụ nữ kia một cách lén lút, điều này dễ dẫn đến nguy cơ tái phát tình cảm. “Chăm con chung là môi trường lý tưởng để tình cũ dễ nhen nhóm lại”, ông nói.
Với trường hợp này, Tiến sĩ Đinh Đoàn đưa ra lời khuyên thực tế, nếu chị A vẫn còn yêu chồng, muốn con mình có đủ bố mẹ, thì nên tạm thời “mắt nhắm mắt mở”, chấp nhận để mọi thứ bình ổn lại.
“Sự chia sẻ nào cũng sẽ rất khó chịu. Nhưng rất có thể cháu sẽ thay đổi. Sau một thời gian sống chung, cảm xúc đau đớn có thể sẽ bớt dần. Khi con mình lớn hơn, mình vững vàng hơn, có thể cháu sẽ có quyết định khác. Giờ thì cháu nên tạm thời chấp nhận, chưa nên ly hôn để mọi sự bình ổn lại, để mình lấy lại sức khỏe. Chưa ly hôn không phải vì hèn, mà là vì mình đang tỉnh táo. Mình lùi một bước để giữ cho con có gia đình, giữ lấy cuộc sống mình đang có”, Tiến sĩ Đinh Đoàn nói.