Hôn nhân là một chủ đề muôn thuở. Một cuộc hôn nhân không hạnh phúc sẽ khiến hai vợ chồng không vui, chán chường, thậm chí ảnh hưởng tới công việc, cuộc sống hàng ngày. Suy cho cùng, nhiều người có hôn nhân hạnh phúc đa phần có công việc và cuộc sống suôn sẻ.
Vậy điều gì tạo nên một cuộc hôn nhân hạnh phúc? Liệu học vấn của vợ và chồng có liên quan gì tới hạnh phúc hôn nhân không?
Ảnh minh họa
Phụ nữ ít học và có học vấn cao, ai sẽ hạnh phúc hơn trong hôn nhân?
Theo một nghiên cứu của Cục Thống kê Lao động về thế hệ bùng nổ dân số Mỹ, phụ nữ có trình độ đại học kết hôn muộn hơn so với những người có trình độ học vấn ít. Tuy nhiên, khả năng ly hôn ở những người có trình độ học vấn cao thường thấp hơn so với những người chưa học xong trung học đã kết hôn là 30%. Chính vì thế, phụ nữ có trình độ học vấn cao được mô tả là hạnh phúc hơn.
Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Sex Roles năm 1991 cũng tiết lộ về mối tương quan giữa hôn nhân và học vấn của phụ nữ. Những người tham gia nghiên cứu này bao gồm các cặp vợ chồng có hoàn cảnh và trình độ học vấn khác nhau.
Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu về sự hài lòng trong hôn nhân, các yếu tố liên quan khác giữa các cặp vợ chồng thông qua bảng câu hỏi và các phương pháp khác. Điều đáng nói là nhóm nghiên cứu đặc biệt chú ý về tầm ảnh hưởng việc học hành của phụ nữ đến những mâu thuẫn gia đình sau hôn nhân.
Kết quả nghiên cứu chứng minh rằng, phụ nữ có trình độ học vấn càng cao thì mâu thuẫn gia đình sau hôn nhân càng ít. Khám phá này đã khiến các nhà nghiên cứu phải suy nghĩ sâu sắc hơn.
Phân tích dữ liệu sâu hơn, các nhà nghiên cứu đã đưa ra lời giải thích. Phụ nữ có trình độ học vấn cao hơn thường độc lập và tự chủ hơn trong sự nghiệp. Những phụ nữ này thường có cơ hội việc làm cao hơn, độc lập về tài chính hơn và tiếp xúc với xã hội nhiều hơn. Những yếu tố này khiến họ tự tin hơn và có khả năng giải quyết các vấn đề trong hôn nhân, từ đó giảm bớt xung đột trong hôn nhân.
Ảnh minh họa
Ngoài ra, phụ nữ có trình độ học vấn cao thường có xu hướng cởi mở và bao dung hơn. Họ có nhiều khả năng chấp nhận và tôn trọng những lựa chọn và quyết định cá nhân của đối tác, giảm bớt những tranh cãi và xung đột không cần thiết.
Mặt khác, phụ nữ có trình độ học vấn thấp thường dễ bị ràng buộc bởi những quan niệm truyền thống và khó đạt được sự đồng thuận trong một số vấn đề với bạn đời, từ đó làm tăng khả năng xảy ra mâu thuẫn trong gia đình.
Nghiên cứu này cũng nhấn mạnh rằng, điều đó không có nghĩa là phụ nữ có trình độ học vấn cao sẽ không có mâu thuẫn gia đình. Xung đột trong hôn nhân là một chuyện phức tạp, bị tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó có mối quan hệ vợ chồng, phong cách giao tiếp, phân chia trách nhiệm gia đình,… Giáo dục chỉ là một yếu tố có thể mang lại cho phụ nữ nhiều khả năng và nguồn lực hơn khi giải quyết xung đột, nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn khả năng xảy ra xung đột trong gia đình.
Ảnh minh họa
Những cặp có trình độ học vấn giống nhau thì hôn nhân hạnh phúc hơn
Nhà nghiên cứu Christine Schwartz, trợ lý Giáo sư xã hội học tại Đại học Wisconsin (Mỹ), cho biết, những cặp vợ chồng có cùng trình độ học vấn ít có khả năng ly hôn hơn những cặp vợ chồng có trình độ học vấn khác biệt quá lớn.
Xu hướng này phù hợp với sự chuyển đổi từ mô hình hôn nhân truyền thống sang mô hình hôn nhân nam nữ bình đẳng hơn. Nghiên cứu cho thấy, trong số các cặp vợ chồng kết hôn từ năm 2000 đến 2004, những cặp đôi cùng trình độ học vấn có tỷ lệ ly hôn thấp hơn 1/3 so với những cặp chồng có trình độ học vấn cao hơn vợ.
Sở dĩ như vậy vì khi trình độ văn hóa, khả năng hiểu biết của hai vợ chồng như nhau thì họ thường có chung nhận thức, nhờ đó ít xuất hiện mâu thuẫn, cãi vã trong cuộc sống hơn. Ngược lại, nếu một người có trình độ học vấn cao, người kia có trình độ hiểu biết thấp sẽ dẫn đến sự khác biệt về quan điểm, từ đó dễ xảy ra mâu thuẫn, xung đột hơn.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa trình độ học thức là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Đặc biệt trong xã hội hiện nay, quan điểm về học thức, thứ bậc và vai trò giữa các thành viên trong gia đình đã có nhiều thay đổi.
Điều quan trọng nhất để hôn nhân hạnh phúc, bền lâu là cả hai vợ chồng phải tôn trọng lẫn nhau, cố gắng hòa hợp với nhau từ phong cách đến lối sống cũng như các thói quen tốt xấu. Bên cạnh đó, hai vợ chồng cần phải bao dung, chấp nhận khuyết điểm của nhau; liên tục làm mới cuộc hôn nhân của mình, cố gắng phát triển vì mục tiêu chung là giữ gìn hạnh phúc gia đình. Có như vậy, hai vợ chồng mới có thể nắm tay nhau đi đến cuối đời được, còn học vấn chỉ là một khía cạnh nhỏ trong cuộc sống cũng như hôn nhân mà thôi.