Phát hiện con dâu hay gửi tiền về nhà ngoại, thái độ của mẹ chồng khiến nhiều người bất ngờ

Biết chuyện, bà Tuyến không hề chì chiết con dâu mà vẫn giữ thái độ bình thường. Bà chỉ khéo léo nhắc nhở con dâu biết cân đối các khoản chi tiêu để lo cho tương lai sau này.

Phát hiện con dâu hay gửi tiền về nhà ngoại, thái độ của mẹ chồng khiến nhiều người bất ngờ - 1

Những mâu thuẫn nhỏ trong cách ăn ở, sinh hoạt, nuôi dạy con cái, hai mẹ con đều dung hòa được, không để mọi chuyện đi quá xa. (Ảnh minh họa)

Hằng là con gái cả trong gia đình có 4 chị em. Vì nhà nghèo nên học hết lớp 12, cô phải tạm gác giấc mơ đại học để đi làm phụ bố mẹ nuôi các em.

Vốn là người ngoan ngoãn, hiền lành lại hiểu chuyện nên dù xuất thân nghèo khó nhưng Hằng lại được nhiều thanh niên trong làng để ý. Thậm chí, từ ngày còn đi học, nhiều người còn đến "nhận" cô làm con dâu.

Sau vài năm đi làm, Hằng quen Mạnh, chồng cô bây giờ. Mạnh hơn cô 4 tuổi, ở ngay xã kế bên. Dù mọi mặt từ gia cảnh, học vấn Hằng đều có phần kém Mạnh, nhưng bù lại, Hằng là người con dâu hiếu thảo, tháo vát, biết chăm lo, vun vén cho gia đình nên rất được lòng gia đình nhà chồng.

Vợ chồng Hằng có hai cô con gái. Bé lớn 5 tuổi, bé thứ 2 vừa tròn 2 tuổi. Tết vừa rồi, nhiều người động viên vợ chồng Hằng cố đẻ thêm cậu con trai nhưng cả hai vợ chồng cô quan niệm con nào cũng là con nên không đặt nặng vấn đề trai hay gái.

Bản thân bà Tuyến là giáo viên nên tư tưởng cũng không còn cổ hủ như thế hệ trước. Mặc dù có mỗi Mạnh là con trai trong nhà nhưng chưa khi nào bà gây áp lực cho vợ chồng Hằng trong việc phải đẻ con trai. Theo bà, con cái là cái duyên với bố mẹ nên bà không muốn ép buộc vấn đề này.

Hằng làm công nhân ở công ty may gần nhà, thu nhập ở mức khá so với cuộc sống ở quê. Chồng cô cũng làm địa chính ở huyện nhà. Mọi sinh hoạt trong gia đình do một tay Hằng lo liệu.

Về phần bà Tuyến, bản thân bà có lương nên cũng không phụ thuộc vào con cái. Bà còn nhận trả tiền học hàng tháng cho cô cháu gái 5 tuổi và thỉnh thoảng mua sữa, bỉm cho cô cháu thứ 2.

Bà Tuyến không quản kinh tế của vợ chồng Hằng cũng như không bắt con dâu phải đưa tiền cho mình. Bà chỉ nhắc nhở hai vợ chồng tập trung làm ăn kinh tế để nuôi dạy các cháu cho tốt.

Đã hơn 6 năm kể từ khi về làm dâu bà Tuyến, Hằng rất ít khi khiến bà phải phiền lòng dù mẹ chồng nàng dâu sống chung một nhà. Những mâu thuẫn nhỏ trong cách ăn ở, sinh hoạt, nuôi dạy con cái, hai mẹ con đều dung hòa được, không để mọi chuyện đi quá xa.

Đợt vừa rồi, em gái Hằng lấy chồng. Cô xin phép mẹ chồng về ngoại 1 tuần để cùng bố mẹ lo việc trọng đại cho em. Trong lễ cưới, vợ chồng Hằng có trao tặng em gái 1 chỉ vàng làm của hồi môn.

Mới đây, khi đi lễ chùa đầu năm, bà Tuyến gặp người quen là hàng xóm của bố mẹ đẻ Hằng. Trong câu chuyện giữa hai người lúc ngồi nghỉ ngơi, bà vô tình biết được con dâu hay cho tiền bố mẹ đẻ để nuôi em út ăn học.

Không những thế, đợt cưới em gái Hằng, chính cô cũng là người hỗ trợ rất nhiều trong khâu cỗ bàn đỡ cho bố mẹ, để em gái có đám cưới chu đáo.

"Công nhận hiếm có đứa nào như cái Hằng. Trước phải nghỉ học sớm để đi làm nuôi em. Giờ đi lấy chồng rồi vẫn luôn lo cho bố mẹ đẻ. Chắc hai vợ chồng cái Hằng kinh tế cũng khá nên mới lo được như thế", người này nói.

Biết chuyện, bà Tuyến chỉ cười và đáp: "Chuyện kinh tế của các cháu, tôi cũng không can thiệp vào. Kệ để chúng nó tự bảo ban nhau".

Về nhà, bà Tuyến không hề chì chiết con dâu mà vẫn giữ thái độ bình thường. Bà chỉ khéo léo nhắc nhở con dâu biết cân đối các khoản chi tiêu để lo cho sau này, cái gì nên và không nên.

"Ông bà thông gia nếu có khó khăn, hai đứa giúp bố mẹ cũng là việc nên làm. Nhưng không phải việc gì cũng ôm vào người. Mình cũng còn nhiều việc phải lo".

Lời nhắc nhở của bà Tuyến khiến Hằng phải suy ngẫm. Cô hiểu, mẹ chồng đã biết chuyện gì đó nhưng lại không tra khảo, hạch sách cô. Đây cũng là điều mà cô luôn nể mẹ chồng giúp hai mẹ con có thể chung sống "hòa bình" suốt bao nhiêu năm qua.