Tôi lớn lên trong một gia đình đơn thân, từ nhỏ đã sống với bố nên chưa bao giờ tôi cảm nhận được tình yêu thương của người mẹ. Có lẽ vì quá khát khao có một gia đình trọn vẹn mà khi gặp được người chồng hiện tại, tôi đã không đắn đo gì quá nhiều mà lấy cho anh, dù biết nhà anh ở vùng nông thôn và chẳng dư giả gì.
Cưới xong, tôi chủ động nói với chồng đưa mẹ chồng từ quê lên thành phố sống cùng để tiện phụng dưỡng bà, bởi bố chồng tôi qua đời rồi. Lúc đầu, mẹ không muốn vì sợ lạ nước lạ cái, không nỡ rời xa hàng xóm ở quê nhưng thuyết phục hồi lâu mẹ cũng đồng ý. Tôi rất háo hức vì từ nhỏ đã thiếu vắng tình mẫu tử nên tôi rất muốn biết cảm giác có mẹ ở bên là như thế nào.
Nhưng giữa tưởng tượng và thực tế lại rất khác nhau. Nhà tôi có điều kiện nên khi kết hôn bố đã cho vợ chồng tôi căn nhà ra ở riêng, thu nhập của hai vợ chồng cũng rất khá nhưng mẹ chồng lại suốt ngày ra ngoài nhặt ve chai về chất đầy trong nhà. Vừa tốn diện tích vừa bốc mùi khiến tôi khó chịu vô cùng, nhưng dù hai vợ chồng khuyên nhủ thế nào mẹ vẫn không chịu ngưng.
- Thành phố chi phí đắt đỏ, cái gì cũng cần phải có tiền, quả ớt cũng phải mua bằng tiền chứ không giống như ở quê ra vườn hay sang nhà hàng xóm xin là được. Mẹ nhặt ve chai mang bán có thể kiếm được chút tiền, vừa không phải phụ thuộc vào các con vừa có việc để làm cho đỡ buồn.
Mẹ đã nói vậy tôi cũng chẳng biết nói gì hơn ngoài dặn dò bà đi lại cẩn thận, tránh ham việc quá rồi mệt.
Dù nhà tôi có điều kiện nhưng mẹ chồng vẫn đi nhặt ve chai, nói mãi mà mẹ không chịu ngừng. (Ảnh minh họa)
Mấy hôm trước là sinh nhật của mẹ chồng, tôi và chồng đã tổ chức một bữa tiệc ấm cúng cho mẹ, cũng chuẩn bị một món quà nho nhỏ. Đó là một chiếc điện thoại thông minh trị giá 15 triệu, vì điện thoại của mẹ mới bị hỏng. Mà kể cả điện thoại không hỏng thì tôi cũng muốn đổi điện thoại cho mẹ, thay cái “cục gạch” mẹ hay dùng bằng cái xịn hơn để mẹ thỏa thích nghe nhạc, chụp ảnh, gọi video về quê cho họ hàng.
Nhưng thật bất ngờ, ngay ngày hôm sau mẹ chồng đã bán chiếc điện thoại mà tôi tặng. Tôi chỉ biết khi thấy mẹ gọi điện cho họ hàng ở quê bằng một chiếc điện thoại đời cũ, gần giống chiếc cũ của mẹ.
Hay là vì mẹ có việc gì cần đến tiền nên mới bán? Tôi gặp mẹ hỏi thẳng về chuyện này, nhưng những gì mẹ nói sau đó lại khiến tôi vừa giận vừa thương vừa thấy xấu hổ.
- Mẹ biết con là đứa có hiếu, muốn cho mẹ dùng đồ tốt. Nhưng mẹ già rồi, không cần phải dùng cái tốt như vậy, mà cái đó mẹ cũng có biết dùng đâu, dùng không quen. Mẹ vào quán hỏi người bán hàng, họ nói chiếc điện thoại đó bán được 5 triệu, rồi mua một chiếc “cục gạch” này với giá 500 nghìn, còn thừa tận 4,5 triệu đây này. Mà con đừng xem thường điện thoại cũ này nhé, vừa bật được đèn pin, vừa mở được radio đây này.
Tôi giận tím mặt khi biết mẹ chồng bán món quà sinh nhật tôi tặng. (Ảnh minh họa)
Nói xong, mẹ lấy chiếc điện thoại đời cũ ra soi đèn pin chứng minh cho tôi thấy rồi nói tiếp:
- Mẹ thấy hai con suốt ngày ôm điện thoại, máy tính, chắc hay bị đau lưng mỏi vai gáy lắm đúng không? Mẹ thấy con hay xoa cổ, xoa vai nên mẹ đoán thế. Mấy hôm trước thấy một người đứng phát tờ rơi, có buổi điều trị mỏi vai gáy, cả liệu trình giá là 6 triệu nên mẹ dùng tiền bán điện thoại với bỏ thêm 1.5 triệu tiền mẹ tiết kiệm nữa mua cho con một liệu trình điều trị ở đấy rồi. Mai con tới đó thử xem sao nhé.
Nói xong, mẹ vào phòng ngủ lấy ra trong hộp một tấm phiếu xoa bóp điều trị bệnh cổ vai gáy đưa cho tôi. Tôi vừa giận vừa thương mẹ vì mẹ bị tên chủ quán lừa tiền mà không biết, vì chiếc điện thoại đó tôi mua mới giá 15 triệu mà mẹ chỉ bán được có 5 triệu.
Tôi xấu hổ vì nghĩ oan cho mẹ, tự trách bản thân vì thiếu tinh tế, cứ nghĩ mẹ cũng dùng được điện thoại thông minh như chúng tôi. Tôi cảm động vì sự quan tâm mẹ dành cho tôi, thứ mà trước nay tôi chưa từng cảm nhận được. Tuy nhiên chuyện chiếc điện thoại, có lẽ tôi nên im lặng thì hơn, sợ nói ra mẹ biết lại buồn lòng, tự trách bị người ta gạt.