Anh sống trong căn hộ rộng 200m2 cùng bạn gái Cecilia, và chú chó bull Pháp. Liu cho biết, anh kiếm được kha khá từ nghề bán bảo hiểm. Bạn gái anh cũng có thu nhập, nên cuộc sống rất thoải mái. Ngoài chi phí sinh hoạt, họ chu cấp một phần cho bố mẹ ở quê, còn lại chi cho các chuyến đi nghỉ và mua đồ hiệu yêu thích.
"Tôi cảm thấy không nhất thiết phải có con, chúng tôi không truyền thống theo cách đó. Mỗi lần bố mẹ gọi, chúng tôi thường kết thúc bằng một cuộc cãi vã. Họ lúc nào cũng hỏi khi nào chúng tôi định có con. Nhưng Cecilia và tôi đang có cuộc sống thoải mái mà không cần con", Liu nói với Fortune.
Lối sống của Liu đang ngày càng phổ biến ở quốc gia có truyền thống đề cao sự hiếu thảo, trong đó sinh con là một nghĩa vụ quan trọng. Nhưng giờ đây, Liu và bạn gái là một cặp trong ít nhất nửa triệu cặp đôi chủ trương lối sống "DINK" (double income, no kids) - gấp đôi thu nhập, không sinh con.
Số liệu thống kê chính thức của nước này từ năm 1980 -2010 cho thấy số hộ gia đình theo đuổi lối sống DINK liên tục tăng.
Khi Trung Quốc trở nên giàu hơn và đô thị hoá hơn trong 40 năm qua, những người trẻ cũng học theo lối sống của người dân ở những người phát triển: Đẻ ít và sống thử, kể cả không cần kết hôn. Hậu quả là dân số suy giảm nhanh chóng, khiến các nhà lãnh đạo nước này lo lắng dân số sẽ sớm già hoá.
Khoảng 400 triệu người thuộc thế hệ thiên niên kỷ (sinh từ năm 1981 - 1996) ở Trung Quốc được xếp vào nhóm "siêu mua sắm", với mức chi tiêu cực kỳ lớn.
Giống như nhiều người cùng lứa tuổi, Liu là độc tôn. "Chúng tôi chi tiền vào những thứ chúng tôi thích, ăn những thứ mình thích, sống theo cách chúng tôi thích", anh cho biết.
"Bom hẹn giờ"
Từ năm 1979, Chính phủ Trung Quốc áp dụng chính sách 1 con để kìm hãm dân số tăng quá nhanh, nhưng chính sách đó đã quá hiệu quả, khiến người dân thay đổi tư tưởng về việc sinh nở.
Từ năm 1980, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc liên tục giảm, xuống mức thấp kỷ lục: 1,16 trong năm 2021, thuộc hàng thấp nhất thế giới, khiến Bắc Kinh lo lắng về một cuộc khủng hoảng dân số.
Chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích người dân đẻ thêm con. Tuy nhiên, nhiều người như Liu không đồng ý.
"Đó có thực sự là nghĩa vụ quốc gia của những người trẻ hay không? Tôi tự hào khi Trung Quốc tiến xa như vậy, nhưng tôi sẽ không hy sinh sự thoải mái và hạnh phúc của mình để đẻ con. Nhiều bạn cùng lứa của tôi cũng nghĩ như vậy", Liu nói.
Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế cũng khiến chi phí nhà ở, giáo dục, chăm sóc trẻ em tăng cao. Chi phí để nuôi một đứa trẻ ở Trung Quốc lên đến 309.000USD năm 2020, trong khi ở Mỹ là 233.000USD, theo báo chí nước này.
Những trường học và nơi làm việc có mức độ cạnh tranh cao tạo ra nhiều phong trào như "nằm duỗi" và "phản tiến hoá", nghĩa xu hướng mà trong đó những người trẻ từ chối lao theo guồng cạnh tranh khốc liệt của xã hội. Nhiều người trẻ Trung Quốc cũng từ chối kết hôn, khiến tỷ lệ kết hôn ở nước này xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2021, với 7,6 triệu, góp phần dẫn đến tỷ lệ sinh thấp.
Bắc Kinh giờ đây đang cố gắng xử lý "bom hẹn giờ" dân số, khi nó đe doạ tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị.
Năm 2018, một giáo sư tại trường đại học danh tiếng của nước này đề xuất đánh thuế các gia đình "DINK", gây ra một làn sóng chỉ trích mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Năm ngoái, Bắc Kinh đề ra chính sách 3 con và áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế phá thai. Các chính quyền địa phương tặng tiền cho những gia đình sinh nhiều con, giảm giá dịch vụ thụ tinh trong ống nghiệm và áp dụng chính sách bán nhà giá ưu đãi.
Trên mạng xã hội Xiaohongshu, nhiều ý kiến cho rằng những biện pháp này là "vô tác dụng".
"Thực tế rất phũ phàng. Tôi không dám sinh con. Những cặp đôi không thể cạnh tranh khi xin việc cũng không dám sinh con. Những người có việc làm cũng không muốn xin con. Các chủ lao động thích tuyển người không có con. Bạn mất tiền, thời gian, khả năng cạnh tranh nếu có con", một người bình luận.
Tỷ lệ sinh của Trung Quốc trong năm nay dự kiến lại tiếp tục xuống mức thấp kỷ lục mới, với chưa đầy 10 triệu em bé ra đời.
Đối với Liu và nhiều người giống anh, nuôi con "giống một thứ xa xỉ hơn là điều cần thiết".
Theo Fortune