Vợ chồng tôi đã kết hôn được 8 năm và tôi luôn đối xử bình đẳng với hai bên nội ngoại. Ngày lễ Tết bên nội có quà thì bên ngoại cũng sẽ có phần, chứ không bên trọng bên khinh. Những tưởng đối đãi bằng sự chân thành sẽ nhận lại sự chân thành, nhưng không.
Khi vợ tôi sinh nở, bố mẹ tôi vẫn chưa nghỉ hưu. Thấy mẹ vợ rảnh rỗi, không phải đi làm nên tôi nhờ mẹ tới chăm sóc vợ tôi thời gian ở cữ, nhưng bà từ chối với lý do bị ốm, sợ lây cho con cho cháu. Cuối cùng, mẹ tôi đành xin phép nghỉ nửa tháng để chăm con dâu ở cữ.
Sau đó, chúng tôi muốn nhờ mẹ vợ chăm sóc con để vợ tôi đi làm lại, mỗi tháng sẽ gửi bà 3 triệu, nhưng mẹ vợ vẫn không chịu đến. Bà nói rằng, con dâu đang mang thai nên phải ở nhà chăm sóc. Nghe mẹ nói điều này, vợ tôi tủi thân, mắt đỏ hoe.
Không có điều kiện kinh tế, cũng không yên tâm thuê giúp việc trông trẻ, vợ tôi không còn cách nào khác là phải nghỉ việc và ở nhà chăm con suốt gần 2 năm. Sau này gửi con đi nhà trẻ, cô ấy mới đi làm lại.
Dù bố mẹ vợ không quan tâm, không chịu chăm con hộ, nhưng dù gì đó cũng là bố mẹ nên chúng tôi vẫn phải có trách nhiệm. Ngày lễ ngày Tết vẫn quà cáp, thăm hỏi đầy đủ. Nhưng theo thời gian, lòng hiếu thảo của tôi với bố mẹ vợ dần nhạt phai, chỉ làm cho có lệ chứ không còn nhiệt tình, chu đáo như trước nữa.
Mẹ vợ thờ ơ, chỉ biết cháu nội không biết cháu ngoại khiến tôi lạnh lòng. (Ảnh minh họa)
Cách đây không lâu mẹ vợ tôi bị đột quỵ khiến bà bị liệt nửa người và không thể tự chăm sóc bản thân. Thương mẹ, vợ tôi muốn đón bà về nhà chăm sóc, và tôi đồng ý.
Nhưng sau khi đưa mẹ vợ về nhà, tôi mới thấy việc chăm sóc bà quả thực là một công việc vất vả. Mẹ vợ có thân hình khá đầy đặn, nhưng vợ tôi chỉ nặng 45kg nên mỗi lần đỡ mẹ lên để tắm rửa, lau người rất vất vả.
Tôi thì bận công việc, đi sớm về khuya. Hơn nữa, tôi cũng là con rể, mấy việc vệ sinh cá nhân cho mẹ không thể làm được. Sau khi suy nghĩ kỹ càng, tôi quyết định bỏ tiền ra thuê giúp việc để giúp vợ chăm sóc mẹ. Chỉ có như vậy vợ tôi mới có thời gian thư giãn và yên tâm làm việc kiếm tiền được.
Sau khi người giúp việc đến, vợ chồng tôi thoải mái hơn rất nhiều. Chỉ là khi em trai vợ đến thăm mẹ, biết chúng tôi thuê người chăm sóc bà thì em tức lắm, liền chỉ tay quát mắng anh chị:
- Người giúp việc sao có thể chăm sóc mẹ chu đáo, cẩn thận như người nhà được. Mẹ ốm bệnh nằm một chỗ, anh chị là con mà lại không chăm sóc được bà, suốt ngày chỉ nghĩ đến tiền, đúng là loại con cái bất hiếu.
Biết tôi thuê người chăm sóc mẹ ốm, em trai vợ liền mắng vợ chồng tôi là bất hiếu. (Ảnh minh họa)
Hơn nữa, tiền thuê giúp việc vợ chồng tôi trả hết, có bắt cậu góp được đồng nào không?
Thực ra trước khi đón mẹ vợ về nhà chăm sóc, bà có ở với con trai một thời gian ngắn. Khi đó vợ chồng tôi có đưa cho cậu 20 triệu để lo cho bà, em vỗ ngực bảo anh chị cứ yên tâm. Nhưng chưa đầy 1 tháng, em vợ đã khóc lóc kêu la không chịu nổi nữa và nhờ vợ tôi đưa mẹ về chăm sóc vài ngày. Nhưng ai ngờ, vài ngày đã thành vài tháng thì em mới tới thăm mẹ, và cũng chẳng có ý định đón bà về bên nhà chăm sóc.
Tức tối, tôi chẳng kiêng nể gì mà quát thẳng mặt em vợ:
- Em cũng từng chăm mẹ rồi, chẳng phải chưa được một tháng em đã kêu ca rồi đó thôi. Suốt 6 năm qua, mẹ chỉ biết chăm con trai, cháu nội, đã chăm cháu ngoại được bữa nào chưa. Giờ anh thuê người về chăm mẹ như thế là tình nghĩa lắm rồi, vậy mà em lại trách vợ chồng anh bất hiếu. Em nói thế mà nghe được à?
- Thì ra anh chị để bụng, so đo tính toán chuyện mẹ đến chăm con cho em, không chăm con cho anh chị, nên giờ mẹ nằm một chỗ anh chị mới đày đọa mẹ thế này à?
Nghe hai chữ “đày đọa” từ miệng em trai vợ thốt ra, tôi càng tức hơn. Hôm đó, tôi đóng gói hành lý cho mẹ vợ gửi hết sang nhà em trai vợ, bảo em tự đi mà làm tròn đạo hiếu. Suy cho cùng, ai cũng là con, ai cũng phải có trách nhiệm chăm sóc bố mẹ lúc ốm đau. Đến lúc này, em vợ mới hoảng hốt rối rít xin lỗi, viện hết lý do nọ đến lý do kia để không chăm sóc mẹ rồi lủi về luôn.