Chia sẻ về chuyện tình cảm của ba và mẹ, A (20 tuổi, hiện đang sống tại TP.HCM) gói gọn rằng “4 ngày gặp, 2 ngày hỏi cưới”, tức chỉ sau vài ngày gặp ngắn ngủi, vì thấy mẹ cô đẹp quá nên ba đã sang hỏi cưới luôn. Ba cô làm kinh doanh nhỏ, còn mẹ ở nhà nội trợ và phụ giúp công việc của gia đình chồng. Hai người có với nhau 2 người con, gồm A và thêm một cô con gái nữa.
Gia đình vốn bình yên nhưng tới năm A học lớp 10, sự yên bình ấy đã bị phá vỡ. Chia sẻ trong chương trình Người thứ 3, A cho biết năm đó cô cùng mẹ đi du lịch nước ngoài, tài chính do ba hỗ trợ và để em gái kém cô 9 tuổi ở nhà với ba.
Chuyến du lịch diễn ra bình thường, nhưng sau khi trở về, chị lại bàng hoàng khi nghe em gái kể, ở nhà bố đi với người phụ nữ khác, thậm chí người này còn bắt em gọi bằng mẹ. “Khi đó mẹ nghĩ ba đi với người phụ nữ đó là quan hệ làm ăn thôi nên không khắt khe gì hết. Sau này mới biết cô ta là người thứ 3. Khi tôi và mẹ đi du lịch, ba và người phụ nữ đó đi với nhau như một gia đình, vì người phụ nữ đó cũng có 1 đứa con trai. Thậm chí, người phụ nữ đó còn dụ em gái tôi gọi cô ta là mẹ”, A tâm sự.
A chia sẻ câu chuyện của gia đình mình trong chương trình Người thứ 3.
Đến khi biết chồng có gia đình nhỏ bên ngoài, mẹ của A đêm nào cũng khóc. Thời điểm đó, A phải ngày ngày chứng kiến những trận tranh cãi lớn nhỏ của ba và mẹ. Đáng nói, nhân tình của ba còn tới thăm nhà ông bà nội của A và họ lại bao che cho hành vi ngoại tình của con trai.
Không kiềm lòng trước cảnh chịu đựng của mẹ, A đã khuyên mẹ ly hôn: “Tôi nói với mẹ rằng tôi lớn rồi, mẹ không cần phải vì tôi sống như vậy nữa, nếu mẹ thấy chịu đựng không nổi nữa thì mẹ hãy từ bỏ.
Tôi bảo: ‘Hôm nào về con cũng thấy mẹ khóc, mà mẹ khóc mẹ giãi bày được thì bình thường. Đằng này mẹ không có chỗ để xả thành ra mẹ lại đánh con, đánh em. Tại sao không phải là một người chịu đựng mà để 3 người chịu đựng? Giờ con lớn rồi, học lớp 10 rồi, cũng không phải không hiểu bố mẹ đang xảy ra chuyện gì’”.
Tuy nhiên, mẹ của A vẫn tiếp tục chịu đựng. Rồi đến một ngày nọ, một người bạn của mẹ tình cờ phát hiện ba của A đang thân mật với nhân tình nên đã liên hệ mẹ cô đến để làm rõ mọi chuyện. Mẹ cô thấy nhưng không làm ầm lên mà lén đi theo tới nơi hai người ở. Sau đó, mẹ A giả vờ đụng trúng xe ô tô của chồng rồi xảy ra xô xát với “tiểu tam”.
Từ sau sự việc này, A không muốn về nhà nữa. Bởi khi đó cô phải tiếp nhận 2 luồng thông tin cùng một lúc, khi mẹ thì kể khổ còn ba luôn biện minh rằng bản thân không có nhân tình. Việc này khiến tinh thần của A đi xuống và không còn thời gian tập trung vào sách vở.
“Ngày đó tôi đi học xa nhà, cách hơn chục cây số nên ba sẽ chở đi học. Lên xe tôi luôn phải nghe ba biện minh nhưng tôi vẫn giả vờ như không biết gì, đúng độ tuổi của mình thôi. Tôi luôn nhắm mắt giả vờ ngủ vì không muốn nghe. Đến chiều đi học về, mẹ lại nói về vấn đề đó tiếp. Mẹ thì kể khổ, ba thì biện minh”, A kể lại.
Sau đó, bà nội A đến nhà giải quyết mâu thuẫn, nhưng vẫn chỉ khuyên con dâu chịu đựng. “Bà nội tôi rất đơn giản, tiếp nhận thông tin, khuyên mẹ tôi chịu đựng, chờ đến ngày ba quay đầu”, A bức xúc.
Trong suốt khoảng thời gian này, “tiểu tam” còn liên tục nói xấu mẹ với ba hoặc ông bà nội A để bố mẹ cô mâu thuẫn, thậm chí hai người còn từng xảy ra xô xát tới đổ máu, bầm tím khắp người.
Không thể chịu đựng được nữa, cuối cùng mẹ A chấp nhận ly hôn. A đau xót kể lại khoảnh khắc ba mẹ ra tòa ly hôn vào ngày lễ tình nhân: “Từ ngày mẹ quyết định ly hôn đến khi ra tòa, tôi không rơi một giọt nước mắt nào để ba mẹ thấy. Trên đường ra tòa, tôi thấy người ta mua hoa, socola tặng nhau mà tôi chạnh lòng vì mấy năm trước, ba mẹ cũng tình cảm như vậy”.
Ngay sau ngày hôm đó, ba của A dọn ra khỏi nhà và qua nhà nhân tình ở. Sau này cô mới biết, căn nhà đó là do ba cô mua cho nhân tình và con riêng của cô ta ở. Tuy nhiên, hiện tại tình cảm giữa ba cô và nhân tình kia đã sứt mẻ. Dẫu vậy, đó chỉ là một trong số những nhân tình của ba cô mà thôi.
Đáng nói, mặc dù bố mẹ A đã ly hôn nhưng vẫn chưa thực sự buông bỏ nhau. A kể, hiện tại cô đã ra ngoài thuê nhà sống, mẹ cô vẫn sống ở nhà cũ và ba cũng chuyển về đó ở.
Bởi lẽ, căn nhà đó đứng tên bà nội A, cho bố mẹ A lúc cưới. Bà nội cũng hứa sau này sẽ để lại cho A. Vì muốn giữ căn nhà cho con gái, mẹ A nhẫn nhịn ở lại đó. Còn ba A lại cho rằng đây là nhà của mẹ ông, ông có quyền ở nên vẫn cứ ở đấy. Không ai dám ra đi vì sợ mất tài sản nên giày vò nhau đến tận bây giờ chưa dứt.