Cuộc hôn nhân đầu của tôi tan vỡ khi con gái mới lên 6 tuổi. Tôi chật vật làm mẹ đơn thân, bươn chải vừa nuôi con, vừa gánh nợ. Tôi từng nghĩ cuộc đời mình chỉ có thể đi trong bóng tối, cho đến khi anh xuất hiện.
Anh là một doanh nhân thành đạt, hơn 20 tuổi, không còn trẻ nhưng vẫn giữ phong thái lịch lãm, điềm đạm. Chúng tôi gặp nhau trong một buổi hội thảo từ thiện. Anh quan tâm đến tôi theo một cách nhẹ nhàng, đủ khiến trái tim tưởng đã nguội lạnh của tôi bỗng sống lại. Không chỉ tôi, mà cả bé My, con gái tôi, ban đầu cũng rất quý mến anh.
Sau hơn một năm hẹn hò, tôi đồng ý tái hôn. Gia đình anh không hoàn toàn chấp nhận tôi, nhưng anh đã đứng ra bảo vệ tôi trước mọi dị nghị. Tôi nghĩ, một người đàn ông đã dám vì mình mà làm đến thế, chắc chắn sẽ không để mình và con gái chịu thiệt thòi.
Chúng tôi chuyển về sống trong căn biệt thự sang trọng giữa lòng thành phố. Tôi không phải lo từng đồng chi tiêu, không còn cảnh thức trắng đêm vì hóa đơn, học phí. Con gái tôi được chuyển đến trường quốc tế. Mọi người nhìn vào tôi và nói tôi có số hưởng. Tôi chỉ mỉm cười.
Nhưng hạnh phúc tưởng như trọn vẹn đó đã rạn nứt vào một đêm tháng 12 lạnh buốt.
Lúc đó khoảng gần 1 giờ sáng. Con gái tôi khi ấy vừa bước sang tuổi 13 đột nhiên gõ cửa phòng tôi, hai mắt đỏ hoe, môi run run:
- Mẹ... con xin mẹ... mẹ đừng sống với bác ấy nữa... mẹ ly hôn đi được không?
Khi tái hôn, tôi đã đưa theo con gái. (Ảnh minh họa)
Tôi bàng hoàng, ôm con vào lòng, dịu dàng hỏi vì sao con lại muốn tôi ly hôn. Nó chỉ lắc đầu rồi khóc nấc lên:
- Con không chịu nổi nữa, bạn bè ở trường cứ trêu con. Bọn chúng nói mẹ là người phụ nữ ham tiền, là kẻ “đào mỏ”, vì tiền mà sẵn sàng bất chấp tất cả để lấy chồng già.
Tôi chết lặng. Tôi từng nghĩ con sẽ thấy hãnh diện khi mẹ nó lấy được một người chồng tốt, nhà giàu. Nhưng hóa ra, thế giới của trẻ con cũng tàn nhẫn chẳng kém người lớn.
Không ai trong nhà làm gì sai. Nhưng định kiến ngoài kia đã gieo vào đầu một đứa trẻ đang tuổi lớn biết bao tổn thương.
Tôi lặng im nghe con nói mà trong lòng rối bời. Một phần tôi muốn buông xuôi tất cả để bảo vệ con, nhưng phần khác tự hỏi lẽ nào mình lại dạy con cách đối mặt với thế giới bằng cách... bỏ chạy?
Sáng hôm sau, tôi kể mọi chuyện cho chồng. Anh không nói gì ngay, chỉ lặng người đi vài phút, rồi nhẹ nhàng bảo tôi để anh lo. Và anh đã làm điều mà suốt đời này tôi không thể quên.
Anh chủ động hẹn gặp giáo viên chủ nhiệm của My, rồi cùng tôi đến trường. Không giận dữ, anh nói rất bình tĩnh nhưng đanh thép:
- Tôi không gửi con đến đây để nó bị chỉ trích, tổn thương hay học cách chịu đựng định kiến. Tôi gửi con đến đây để nó được học những kiến thức bổ ích. Nếu một đứa trẻ bị tổn thương chỉ vì lựa chọn hôn nhân của mẹ nó, thì nhà trường không thể đứng ngoài. Còn nếu không thể tạo ra một môi trường lành mạnh, có lẽ quý vị cũng nên tự nhìn lại vai trò của mình.
Sau đó, anh tham gia vào mọi hoạt động của con gái tôi cũng như các hoạt động ở lớp con bé. Đó là những lần đón con tan học, lặng lẽ ngồi cuối lớp trong giờ họp phụ huynh, hay thỉnh thoảng xuất hiện ở các buổi sinh hoạt chung như một người bố bình thường. Anh cũng luôn quan tâm, chuyện trò với con để xua tan định kiến trong lòng nó và kéo gần khoảng cách.
Tôi lặng im nghe con nói mà trong lòng rối bời. (Ảnh minh họa)
Và sau một thời gian khép mình, con gái tôi cũng bắt đầu cười trở lại. Con kể tôi nghe chuyện bố dượng chở con đi mua đồ làm dự án thủ công, chuyện cả hai cùng làm bánh thất bại rồi cười rũ rượi. Ánh mắt con đã khác, không còn lảng tránh mỗi khi có người hỏi: “Bố con đâu?”, mà chỉ mỉm cười nhẹ.
Ngày sinh nhật lần thứ 15, My ngồi giữa buổi tiệc nhỏ, thắp nến xong, quay sang nhìn chồng tôi, người đàn ông đã kiên trì bước vào cuộc sống hai mẹ con suốt những năm qua rồi cất giọng:
- Con cảm ơn... bố.
Chồng tôi giật mình, còn tôi thì rơi nước mắt. Tôi không ngờ, giây phút xúc động nhất trong cuộc đời mình lại không phải là ngày cưới, mà là giây phút đứa con gái từng khóc xin tôi ly hôn, giờ lại chịu gọi người đàn ông tôi chọn là “bố” bằng tất cả sự chấp nhận và yêu thương.
Giờ đây, tôi hiểu rằng hạnh phúc không nằm ở nơi ta tránh được sóng gió, mà là khi ta có đủ yêu thương để cùng con vượt qua tất cả. Và người đàn ông xứng đáng không phải là người cho tôi cuộc sống đủ đầy, mà là người khiến con gái tôi có thể tự tin gọi là... bố.