“Mẹ không sao, chỉ là ốm vặt thôi nhưng mẹ có bảo hiểm nên cứ vào viện nằm để các bác sĩ theo dõi cho chắc. Hai vợ chồng bận quá thì không cần vào với mẹ đâu. Cứ làm việc của mình đi, lúc nào rảnh thì về chơi với mẹ sau cũng được”.
Tiếng mẹ tôi vang lên ở đầu dây bên kia điện thoại. Cúp máy, chồng tôi gắt lên với vợ:
“Thấy chưa, đã bảo bà ốm nhẹ không cần phải vào chăm mà cứ loạn lên. Ở nhà đi, nhà cả đống việc thì không quan tâm!”.
Hôm trước người hàng xóm cạnh nhà mẹ đẻ gọi điện cho tôi bảo mẹ tôi mới nhập viện điều trị. Tôi lo vô cùng, gọi cho mẹ thì bà cứ bảo không sao, chỉ là ốm bình thường, bà vào viện truyền nước thôi. Tôi không yên tâm muốn vào viện với bà. Chồng tôi không chịu.
Đợt này chị chồng tôi sinh bé thứ hai, chị ấy về ngoại ở cữ và tôi là người chăm sóc chính. (Ảnh minh họa)
Anh ta gọi thẳng cho mẹ vợ hỏi tình hình với giọng điệu bực dọc như thể bà là mối phiền phức. Tất nhiên mẹ tôi lúc nào chẳng thế, có ốm nặng cũng bảo không sao. Bởi bà biết nhà chồng tôi khắt khe, bà không muốn con gái phải khổ sở.
Việc nhà chồng đối với tôi không chỉ là cơm nước, dọn dẹp hàng ngày, phụng dưỡng bố mẹ chồng, đảm nhiệm các dịp giỗ chạp trong năm mà còn là chăm chị chồng ở cữ. Ngoài ra còn phải giúp đỡ bất cứ việc gì chị chồng cần, không những thế còn là anh em họ hàng nhà chồng nữa.
Bởi vậy mà ngoài việc công ty, chăm con nhỏ, nội trợ hàng ngày thì tôi gần như chẳng có thời gian nghỉ ngơi. Hễ rảnh ra một chút là lại phải làm “việc nhà chồng”. Tôi không biết nàng dâu nào như mình không nhưng tôi có cảm giác như kiếp trước tôi nợ nhà chồng quá nhiều, kiếp này phải trả cho bằng hết vậy.
Đợt này chị chồng tôi sinh bé thứ hai, chị ấy về ngoại ở cữ và tôi là người chăm sóc chính dù tôi cũng đang có con nhỏ. Mẹ chồng bắt tôi dùng hết phép của cả năm, xin nghỉ 10 ngày chăm chị ấy. Nếu không nghe theo thì không thể sống yên.
Biết có xin cũng không được nên tôi viện cớ ra ngoài mua đồ ăn nấu cơm cữ cho chị chồng rồi lén chạy vào bệnh viện xem mẹ thế nào rồi. Lúc tôi vào thì bà đang đến phòng siêu âm để kiểm tra lại, mấy bệnh nhân cùng phòng bảo vậy.
“Chị là con gái của bà ấy hả? Sao mấy hôm nay mới thấy mặt? Một mình mẹ chị ở đây lủi thủi trông đến là thương”, một người nhà bệnh nhân lên tiếng khiến tôi xót xa đồng thời xấu hổ vô cùng.
Gặp mẹ xong, trên đường về tôi rẽ vào tòa án xin mẫu đơn ly hôn. (Ảnh minh họa)
Tôi mang đến ít đồ nên xếp vào chiếc bàn cạnh giường mẹ. Lúc lật chiếc gối đầu của mẹ lên, tôi ngẩn ngơ nhìn 1 món đồ bên dưới. Đó là tấm ảnh tôi và con gái chụp từ Tết năm ngoái, khi đó tôi đưa con về thăm mẹ. Ngồi chưa ấm chỗ, chưa ăn được bữa cơm đã bị chồng giục về.
“Ngày nào mẹ cũng phải mang ra ngắm nếu không mẹ sẽ quên mất khuôn mặt của con bé mất. Trẻ con thì lớn nhanh, thay đổi từng ngày nữa…”, trong đầu tôi vang lên câu nói mẹ từng nói với con gái. Vào viện mà mẹ vẫn mang theo tấm ảnh để ngắm… Nước mắt tôi rơi lã chã, thương mẹ và cũng oán hận chính bản thân mình.
Gặp mẹ xong, trên đường về tôi rẽ vào tòa án xin mẫu đơn ly hôn. Cuộc hôn nhân này tôi quyết định chấm dứt. Kết hôn là để được hạnh phúc nhưng cuộc hôn nhân này chỉ mang lại cho tôi bi kịch. Bản thân tôi sống từng ngày không vui vẻ, còn khiến mẹ phải khắc khoải đau lòng. Vậy thì tôi còn giữ lại nó làm gì?