LỜI TÒA SOẠN: Việc quản lý chi tiêu trong gia đình luôn là mối quan tâm và lo lắng của nhiều người. Báo VietNamNet giới thiệu tuyến bài "Bí quyết chi tiêu" nhằm chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài chính, tìm cách tăng tích lũy của một số gia đình để có được cuộc sống chất lượng hơn. |
Suốt 7 năm học tập và làm việc ở TPHCM, chị Vũ Nguyệt Minh quen với lối chi tiêu phóng khoáng. Mỗi tháng, thu nhập của chị khoảng 20 - 25 triệu đồng nhưng gần như không tiết kiệm được đồng nào.
Sau khi bố mất, chị quyết định về quê sống gần mẹ. Bỏ công việc ngân hàng, chị về làm quản lý bán hàng cho một người quen ở TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Mức lương khởi điểm chị nhận được năm 2016 là 2,3 triệu đồng, chỉ bằng 1/10 mức lương cũ.
4 năm chỉ chi tiền bỉm sữa cho con
Không lâu sau khi về quê, chị kết hôn và có bầu luôn. Sức khỏe yếu khiến chị đi làm không đều. Tiền lương chỉ đủ tiền đi lại, khám thai và thuốc men cho thai nhi.
Lương chồng chị khi ấy là 5 triệu đồng. Anh giữ lại 2 triệu để tiêu vặt và thi thoảng bắt xe từ Vĩnh Phúc về thăm vợ. 3 triệu còn lại, anh đưa cho vợ để chị chi tiêu cho ăn uống, sinh hoạt hằng ngày.
Thuốc bổ cho thai nhi, chị chỉ chọn mua loại cơ bản nhất, miễn là đủ chất chứ không thể chọn loại đắt tiền, cao cấp. Thời gian đó, hai vợ chồng không có bất cứ hoạt động vui chơi, giải trí nào.
Từ cuối 2016 đến 2020, lương của chị tăng dần thêm 2 - 3 triệu đồng/tháng. Anh cũng về Thái Bình xin việc. Nhìn lại quãng thời gian đó, chị Minh cho rằng đó là giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc sống hôn nhân của anh chị tính đến giờ.
Ngày mới kết hôn, tổng thu nhập của hai vợ chồng chị Minh chỉ khoảng 6 - 7 triệu đồng.
Về Thái Bình, chồng chị chuyển sang làm sale xe ô tô. Cả hai sống nhờ chỗ làm của chị ở TP Thái Bình, cách nhà mẹ chị 15km. Con gái đầu lòng chị gửi cho bà ngoại chăm sóc giúp.
Ba tháng đầu tiên, anh chưa có thu nhập. “Có những hôm làm việc xong đã 11 - 12h đêm, nhớ con quá, muốn chạy xe về nhà mà trong túi hai vợ chồng chỉ còn 10 nghìn đồng để đổ xăng.
Đắn đo mãi, hai vợ chồng cũng quyết định về, chỉ để ôm con một cái rồi sáng hôm sau lại lên thành phố. Những hôm trời rét mướt, ngồi sau xe máy ôm chồng mà chỉ ước sau này có tiền để xây nhà, cả nhà được ở gần nhau”.
Trong những ngày tháng khó khăn ấy, chị Minh làm việc từ 7h sáng đến 11 - 12h đêm. Cơm được nuôi ăn nên toàn bộ tiền lương, chị gần như không tiêu gì ngoài mua bỉm, sữa cho con.
Để tiết kiệm được tiền lo cho con trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, chị gửi phần lớn tiền lương cho chị chủ, để hết năm có một khoản tiền lớn. Mỗi tháng, chị chỉ lấy đủ chi tiêu những khoản bắt buộc như bỉm, sữa, đồ ăn cho con.
Thu nhập tăng, vẫn giữ lối chi tiêu cũ
Thu nhập của gia đình chị Minh tăng dần cùng với sự ra đời của 3 đứa con
Đến năm 2020, anh chị mới có khoản tích lũy đầu tiên là 20 triệu đồng. Cũng năm đó, chồng chị chuyển sang làm sale bất động sản. Thu nhập của anh khá lên trông thấy, từ 5 triệu, 10 triệu, rồi tăng lên 15 - 20 triệu...
Tuy nhiên, xét hoàn cảnh 2 vợ chồng chưa có tài sản gì trong tay, chị Minh quyết định không thay đổi cách chi tiêu để có tiền tích lũy. Mỗi lần chồng có khoản thu vài triệu là chị cho vào tài khoản tiết kiệm ngay. Sinh hoạt hàng ngày chỉ dùng tiền lương của chị.
Đến cuối năm 2020, anh chị có gần 200 triệu tiền tiết kiệm trong tài khoản.
Những năm sau đó, anh chị bắt đầu đầu tư vào một vài lô đất ở tỉnh Thái Bình. Chị cũng mua mảnh đất gần nhà mẹ đẻ, rồi xây căn nhà trị giá 1,3 tỷ đồng. Chiếc xe hơi anh chị mua mới cách đây vài năm có giá 370 triệu đồng.
Từ hai bàn tay trắng, chị Minh tự hào về thành tựu hiện tại của hai vợ chồng: Có nhà, có xe, có tài sản tích lũy, trong khi chị vẫn kịp sinh 3 đứa con lần lượt 8 tuổi, 3 tuổi rưỡi và 1 tuổi.
Không giữ nhiều tiền trong người
Bà mẹ sinh năm 1991 chia sẻ, hiện tại thu nhập của chồng chị đã lên tới 35 - 40 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, anh chị hoàn toàn có thể sống thoải mái ở Thái Bình, nhưng thói quen chi tiêu của chị vẫn không thay đổi nhiều.
Chị vẫn cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định mua một món đồ hay sử dụng một dịch vụ nào đó.
“Bí quyết của tôi là đừng giữ nhiều tiền trong người. Khi chồng có một khoản thu nào đó, tôi gửi ngay vào tài khoản tiết kiệm. Phần tiền trong túi tôi chỉ đủ chi tiêu những khoản cơ bản và bắt buộc cho sinh hoạt hàng ngày”.
Khi xây căn nhà đầu tiên, chị xác định sẽ không sở hữu nhiều đồ đạc trong nhà, chỉ mua những món đồ cần thiết nhất. Tuy nhiên, tất cả đồ đạc, thiết bị đều được chị chọn mua những loại hàng tốt nhất, bền nhất. Theo chị, đó cũng là một cách tiết kiệm và tối ưu công năng.
“Trước khi mua một thiết bị nào đó, tôi sẽ suy nghĩ thật kỹ xem mình có thực sự cần nó không. Ví dụ như bây giờ tôi đang rất thích một chiếc robot hút bụi có giá 5 triệu đồng. Nhưng tôi đã cân nhắc 1 - 2 tháng nay xem có nên mua hay không.
Tôi thường ưu tiên cho các nhu cầu cấp thiết nhất của các thành viên trong gia đình hơn. Ví dụ như, tôi đang có ý định đưa cả nhà đi chụp một bộ ảnh trong studio. Tôi cũng suy nghĩ xem nó có thực sự cần hay không.
Và nếu quyết định đi chụp thì sẽ chụp gói bao nhiêu tiền là hợp lý. Bởi, rõ ràng nó không phải là nhu cầu thiết yếu”.
Chị cho biết mình không thích đi du lịch, vì thế khoản này chị không tiêu tốn nhiều. “Trước hai vợ chồng không có điều kiện, nhưng giờ có đủ điều kiện rồi, tôi vẫn thích ở nhà. Tôi là tuýp người thấy ở nhà là thoải mái nhất, đi đâu cũng chỉ muốn về nhà”.
Hiện tại, mỗi tháng gia đình chị Minh chi tiêu hết khoảng 20 - 25 triệu đồng
Về chi phí cho các quan hệ xã hội, gần như chị không tiêu tốn. Chị tâm sự, thực ra ngày xưa không có điều kiện kinh tế nên chị cũng ngại giao lưu bạn bè.
“Nếu đi, mình không muốn được ‘bao’, mà nếu tự chi trả thì mình không có nhiều điều kiện, nên tốt nhất là không tham gia. Tôi nghĩ những quan hệ chất lượng trong cuộc sống là những mối quan hệ mà khi khó khăn vẫn có thể giúp đỡ nhau, không nhất thiết phải thường xuyên tụ tập, cà phê cà pháo.
Tôi vẫn có những mối quan hệ chất lượng như thế và chúng tôi vẫn thường xuyên chia sẻ với nhau qua điện thoại, tin nhắn, không nhất thiết phải đi ra ngoài”.
Chị Minh cũng khẳng định mình không phải là người cổ vũ lối sống tằn tiện, nhất là khi đã có con. “Gia đình tôi một tháng vẫn chi tiêu 20 - 25 triệu đồng. Cuộc sống rất thoải mái. Tôi vẫn mua hàng online đều đều, nhưng đó là đồ dùng hàng ngày”.
Nghỉ việc được khoảng 1 năm nay, chị kiếm tiền bằng công việc bán hàng online. “Tôi không chê tiền bao giờ, dù là rất ít tiền. Nhiều khi tôi thấy đồ tốt, kêu gọi mọi người mua chung cho rẻ. Quan điểm kiếm tiền của tôi là tích tiểu thành đại, kiến tha lâu cũng đầy tổ”.
Chị Minh cho rằng, để có được cuộc sống ổn định về kinh tế như hôm nay, một phần nhờ vào việc vợ chồng chị cùng tìm cách tăng thu nhập. Nhưng một phần không nhỏ phụ thuộc vào cách chi tiêu, vun vén của chị trong suốt những năm qua.
Ảnh: Nhân vật cung cấp