Liên quan đến vụ việc DJ Ximer (tên thật là Phan Ngọc) hành hung vợ tại Hà Nội, LS Hoàng Văn Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Hà Nội) cho biết: Hành vi đánh đập vợ là biểu hiện rõ ràng của bạo lực gia đình. Qua đoạn clip được ghi lại, có thể thấy dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác.
Chị L. bị chồng bạo hành tại nhà riêng. Ảnh cắt từ clip.
Hành vi đánh lặp lại liên tục, có chứng cứ rõ ràng bằng hình ảnh. Vì vậy, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào mức độ thương tích để xem xét yếu tố "có tính chất côn đồ".
Luật sư nhận định, với những tội chỉ khởi tố theo yêu cầu của người bị hại (như cố ý gây thương tích dưới 11% và không có tình tiết tăng nặng), nếu nạn nhân rút đơn, vụ án có thể bị đình chỉ.
Tuy nhiên, nếu hành vi có tình tiết tăng nặng như: xảy ra trong gia đình, ảnh hưởng đến trật tự xã hội, mang tính chất côn đồ, tái diễn nhiều lần, có video làm chứng cứ, gây hậu quả nghiêm trọng… cơ quan điều tra vẫn phải xử lý dù không có đơn tố cáo.
Việc hòa giải không đồng nghĩa với miễn trừ trách nhiệm hình sự. Đây chỉ là bước hỗ trợ tâm lý cho người bị hại, không phải cơ sở xóa bỏ hành vi phạm pháp đã xảy ra.
Người vợ nên được khuyến khích sử dụng đầy đủ các quyền hợp pháp
Luật sư cũng nhấn mạnh, bạo lực gia đình không chỉ ảnh hưởng đến nạn nhân mà còn gây mất ổn định xã hội, cản trở nỗ lực phòng chống bạo lực và duy trì quan niệm sai lệch về vai trò của nam giới trong gia đình. Nó gây tổn thương thể chất, tinh thần, có thể dẫn đến lo âu, trầm cảm, mất tự tin và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nạn nhân.
Trẻ em sống trong môi trường bạo lực cũng dễ bị tổn thương tâm lý, hình thành nhân cách lệch lạc và có nguy cơ tái diễn hành vi khi trưởng thành.
LS Hoàng Văn Tùng khẳng định, hành vi bạo lực đã rõ ràng, có chứng cứ, gây hậu quả nghiêm trọng và không còn nằm trong phạm vi “chuyện gia đình”.
Cơ quan điều tra phải chủ động khởi tố nếu đủ căn cứ, không phụ thuộc vào sự “tha thứ” của nạn nhân. Pháp luật không nên mềm mỏng với các hành vi bạo lực gia đình lặp đi lặp lại. Cần tăng cường tuyên truyền, xử lý nghiêm để bảo vệ phụ nữ, trẻ em và giữ gìn nền tảng đạo đức xã hội.
LS Tùng đề xuất, cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc để răn đe, ngăn ngừa hành vi tương tự. Thực hiện các biện pháp bảo vệ khẩn cấp như: cấm tiếp xúc, cách ly, bảo đảm an toàn cho nạn nhân.
Bên cạnh đó, thiết lập cơ chế hỗ trợ pháp lý, tâm lý, tài chính giúp nạn nhân ly hôn, khởi kiện, giành quyền nuôi con; Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, giáo dục giá trị gia đình để nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của bạo lực gia đình.
Cuối cùng, luật sư cho rằng, người vợ nên được khuyến khích sử dụng đầy đủ các quyền hợp pháp – không chỉ để bảo vệ bản thân mà còn góp phần xây dựng xã hội văn minh, lành mạnh. Việc khởi kiện không chỉ là đòi lại công lý cá nhân mà còn là hành động thiết thực trong cuộc đấu tranh phòng chống bạo lực gia đình.