Tỉ lệ ly dị, ly thân hoặc chưa bao giờ kết hôn trong độ tuổi kể trên cũng đang ở mức cao hơn so với những thế hệ trước đây.
Phụ nữ trong nhóm tuổi này có cơ hội phát triển sự nghiệp, sở hữu nhà ở và tự do tài chính - những điều bị xem là ngoài tầm với ở các thế hệ trước. Hơn 60% người lớn tuổi hiện sống đơn độc là phụ nữ.
Trong các cuộc phỏng vấn với báo The New York Times, nhiều người trong độ tuổi 50-60 khẳng định họ hài lòng với cuộc sống. Dù vậy, nghiên cứu của chuyên gia Markus Schafer, Trường ĐH Baylor (Mỹ), chỉ ra rằng những người già đi một mình có xu hướng sống ít thọ hơn, gặp nhiều vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần nghiêm trọng hơn.
Tỉ lệ người lớn tuổi không có con cũng đang gia tăng (hiện ở mức 1/6 người Mỹ ở tuổi 55 và hơn), làm dấy lên vấn đề chăm sóc người cao tuổi trong những thập kỷ tới.
Bà Mary Felder (phải) và hàng xóm dọn dẹp con hẻm sau ngôi nhà nơi bà sống một mình ở TP Philadelphia - Mỹ Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Với nhiều người lớn tuổi sống một mình, đại dịch COVID-19 đã nêu bật những thách thức xoay quanh tuổi xế chiều. Ly lị được 17 năm, bà Donna Selman (55 tuổi), sống một mình ở bang Indiana - Mỹ, cho biết bà sử dụng quãng thời gian cách ly để hình thành những thói quen mới nhằm thoát khỏi cô đơn và trầm cảm.
Nữ giáo sư đại học này bỏ rượu và liên lạc thường xuyên với bạn bè. Dù hạnh phúc hơn, bà Selman thi thoảng vẫn ước mong có một người bạn đời để quan tâm, sẻ chia.
Chứng kiến cha mẹ già đi khiến nhiều người thuộc thế hệ X (sinh trong giai đoạn 1965-1980) bị tác động rõ rệt. Họ cho rằng mình khó có thể có được một cuộc sống như cha mẹ mình, đặc biệt là ở khía cạnh hôn nhân bền vững, lương hưu và nhà ở.
Ông Jay Miles, một cư dân 52 tuổi ở bang Connecticut - Mỹ, hiện vẫn chưa kết hôn hay có con vì không muốn bị gò bó. Tuy nhiên, quãng thời gian chăm sóc người mẹ đã ly hôn của ông khiến ông suy nghĩ về tương lai, với nỗi lo đau đáu rằng sau này ai sẽ chăm sóc ông.