Bắt nguồn từ một phương pháp truyền thống trong y học cổ truyền Trung Quốc, "Gua Sha" có tên gọi gồm từ "Gua" có nghĩa là cạo, và "Sha" có nghĩa là các đốm màu đỏ hoặc tím xuất hiện trên da sau khi thực hiện phương pháp này. Gua Sha sẽ dùng những công cụ đặc biệt để cạo nhẹ lên da theo các đường mạch và vùng cơ bắp của cơ thể, nhằm mục đích kích thích tuần hoàn máu và năng lượng, giúp loại bỏ độc tố tích tụ trong cơ thể và cân bằng năng lượng.
Phương pháp này tương tự như việc "cạo gió" thường thấy ở Việt Nam.
Công dụng làm đẹp của Gua Sha
Khi ứng dụng phương pháp này vào lĩnh vực chăm sóc da, người ta nhận ra công dụng tuyệt vời với vài phút kích thích tuần hoàn máu và căng cơ mặt mỗi ngày: làn da trở nên sáng bừng, giảm thiểu hẳn nếp nhăn. Phương pháp này có tác dụng thư giãn cơ bắp, tái tạo năng lượng, kích thích máu di chuyển, và loại bỏ độc tố. Ngoài ra, massage Gua Sha bằng đá tạo ra các tổn thương nhỏ trên da. Quá trình này kích thích tái tạo và sản sinh collagen phục hồi, mang đến diện mạo tươi trẻ hơn cho làn da.
Trong khi massage vốn đã có nhiều tác động tích cực tới làn da, Gua Sha thậm chí còn có ích khi chạm tới các điểm huyệt và mô sâu của làn da.
Về phương diện sức khoẻ, việc thực hiện các bài massage thường xuyên với đá Gua Sha sẽ giúp cho giấc ngủ được cải thiện, tinh thần được thư giãn hơn, góp phần không hề nhỏ vào quá trình phục hồi da hằng đêm và giảm thiểu các tình trạng "xấu xí" đi kèm như: quầng thâm, bọng mắt, mí mắt sưng, chảy xệ.
Gua Sha cần công cụ gì
Nguyên liệu được dùng phổ biến trong Gua Sha là đá thạch anh bởi khả chống lão hoá, làm dịu da, giảm căng thẳng, phù hợp với nhiều loại da nhất, kể cả da nhạy cảm. Ngoài ra, Gua Sha cũng sử dụng các công cụ như đá bian, ngọc bích…
Hình dáng phổ biến nhất của đá Gua sha cho mặt là viên đá phẳng được tạo hình vừa vặn với các đường nét trên khuôn mặt, thường tìm thấy ở 2 dạng: hình trái tim (có hai điểm nhô lên) và hình cánh (ba điểm). Gua sha hình tim là công cụ lý tưởng để massage tạo độ thon gọn cho mặt, vì phần hõm dễ dàng trượt theo xương hàm. Còn hình cánh cho phép massage theo các đường nét của mũi và miệng để nâng cơ.
Hai hình dáng phổ biến của đá Gua Sha, chị em có thể lựa chọn tuỳ vào mục đích sử dụng. Thao tác massage bằng Gua Sha mỗi ngày
Để bắt đầu chu trình nâng cơ mặt tự nhiên tại nhà, nàng sẽ có 2 sự lựa chọn: sử dụng đá ở nhiệt độ tự nhiên và bỏ vào tủ lạnh. Đá Gua Sha mát lạnh sẽ có tác dụng giảm viêm, giảm sưng và chống kích ứng tốt hơn, thích hợp cho khuôn mặt thon gọn để bắt đầu một ngày mới. Trong khi đó, đá ở nhiệt độ thường qua những bước ma sát sẽ dần nóng lên, giúp lỗ chân lông giãn nở và thẩm thấu dưỡng chất tốt hơn, thích hợp để nàng sử dụng vào một buổi tối, sau khi đã hoàn thành các bước dưỡng da cơ bản. Ngoài ra, cô nàng có thể "nâng cao" sự thẩm thấu này bằng cách xả miếng đá dưới vòi nước nóng 1-2 phút trước khi thực hiện.
Những vùng da dễ chảy xệ của da mặt và cổ đều có thể được "xử lý" nhờ bài tập với đá Gua Sha.
Sau đây là 7 bước massage với đá Gua Sha:
- Bước 1: Làm sạch da với sữa rửa mặt, lau nhẹ nhàng bằng khăn khô, xịt khoáng và thoa một vài giọt dầu hữu cơ (face oil bio) lên làn da còn ẩm ( tránh chà xát đá lên luôn mặt khô căng mà không có dầu dưỡng hay kem dưỡng).
- Bước 2 - Cổ: Massage cổ từ dưới lên trên.
- Bước 3 - Hàm: Đặt cằm vào đúng hõm giữa các đầu tròn của gua sha, và trượt lên mang tai, theo đường viền của hàm.
- Bước 4 - Má: Trượt từ bên mũi lên thái dương.
- Bước 5 - Vùng mắt: Trượt đầu tròn của gua sha theo quầng mắt từ khóe mắt ra thái dương. Có thể kết hợp xoa bóp nhẹ hai bên thái dương để thư giãn.
- Bước 6 - Lông mày: Trượt từ đầu lông mày đến thái dương.
- Bước 7 - Trán: Trượt từ lông mày đến chân tóc.
Ở mỗi bước massage, thao tác sẽ lặp lại khoảng 5 lần. Nàng có thể lặp lại bài tập này thêm vài lần tuỳ ý, nhưng không nên massage quá lâu khiến da đỏ ửng và dễ bị xước xát.