Những chiếc bánh Trung thu nhân thập cẩm không chỉ đơn thuần là món ăn truyền thống, mà còn là sợi dây kết nối các thế hệ, nơi chứa đựng biết bao kỷ niệm thân thương. Cách làm bánh Trung thu nhân thập cẩm không quá khó, nhưng để có được hương vị đúng điệu của những ngày xưa, cần một chút tỉ mỉ, một chút khéo léo và hơn cả là sự tận tâm, yêu thương gửi gắm vào từng chiếc bánh.
Dưới đây là cách làm bánh Trung thu nhân thập cẩm của chị Phương Mai (Hà Nội), các bạn hãy cùng tham khảo nhé.
Chị Phương Mai.
Nguyên liệu:
Vỏ bánh truyền thống
- Bột mì đa dụng: 500g.
- Nước đường bánh nướng: 300g.
- Dầu ăn: 60-65g.
- Lòng đỏ trứng gà: 1 lòng.
- Bơ đậu phộng: 15g.
- Baking soda: 1/4 muỗng cà phê.
- 20ml rượu mai quế lộ.
Phần quệt vỏ bánh
- 1 lòng đỏ trúng gà.
- 1/8 thìa cafe rượu mai quế lộ.
- 1/8 thìa cafe dầu mè.
Lọc qua rây lọc cho mịn.
Nhân thập cẩm - trứng muối
- Nước sốt nhân thập cẩm: 150ml.
- Hạt bí: 150g.
- Hạt dưa tách vỏ: 150g.
- Mứt sen: 150g.
- Mứt bí: 150g.
- Lạp xưởng: 100g.
- Vừng rang: 100g.
- Mỡ đường: 100g.
- Hạt điều: 100g.
- Bột nếp làm bánh Trung thu: 60g.
Trứng muối: 9 quả đã sơ chế.
Cách làm bánh Trung thu nhân thập cẩm
Bước 1. Vỏ bánh
- Trộn đều 300g nước đường bánh nướng, 70 - 72g dầu ăn và 3g bột baking soda. Sau đó thêm 20ml rượu mai quế lộ vào trộn đều
- Thêm tiếp 500g bột mỳ, trộn sơ, chỉ nhồi bột thành khối, tránh nhào quá lâu khiế bột bị chai sau khi nướng.
- Bọc màng bọc thực phẩm để bột nghỉ trong 30 phút rồi bao nhân, đóng bánh.
Lưu ý:
- Trong quá trình nhào bột, nếu thấy bột quá khô có thể cho thêm chút nước đường; nếu bột quá nhão cho thêm chút bột mì để khắc phục. Không nhồi bột quá lâu
- Công thức vỏ bánh nướng Trung thu trên làm được 9 viên nhân 50g cho bánh có khối lượng 150g.
Bước 2. Làm nhân thập cẩm trứng muối
- Cắt nhỏ lạp xưởng, mứt bí và lá chanh (lá chanh các bạn mua riêng ở ngoài nhé). - Đập vụn mứt sen và hạt điều.
- Cho hạt bí, hạt dưa, mứt sen, mứt bí, lạp xưởng, vừng rang, mỡ đường, hạt điều, lá chanh vào chảo, sên lửa vửa đến khi mỡ đường trong lại.
- Đổ sốt nhân vào, đảo đều. Tiếp tục sên cho nhân ngấm sốt (5 phút).
- Rắc đều bột nếp bánh dẻo vào và đảo đều để nhân kết dính rồi bắc khỏi bếp.
Cho 1 quả trứng muối vào giữa viên nhân. Viên nhân chặt tay không bị rời.
Lưu ý:
- Công thức nhân thập cẩm trên làm được 9 viên nhân 100g cho bánh có khối lượng 150g. Nếu có thêm trứng muối nữa thì sẽ bớt nhân thập cẩm đi 1 chút sao cho tổng khối lượng nhân + trứng muối vẫn bằng 100g bạn nhé!
Bước 3. Đóng bánh nướng Trung thu nhân thập cẩm trứng muối
- Chuẩn bị khuôn lò xo với các mặt nhấn mà bạn yêu thích.
- Nhấn dẹt viên bột, đặt viên nhân vào giữa, dùng ngón tay miết đều, vuốt phần bột lên sao cho kín hết nhân, lăn tròn lại rồi thoa lớp bột áo cho cả viên bánh và khuôn lò xo.
- Đặt viên bánh lên khay có chuẩn bị giấy nến, 1 tay giữ khuôn, tay kia nhấn mạnh 2 lần tạo hình cho bánh.
- Đóng bánh trực tiếp lên khay nướng, sử dụng tấm giấy nến đã chuẩn bị để đáy bánh vàng đều và đẹp hơn. Còn thừa bột áo trên bánh thì dung cọ quét qua trên mặt bánh. Giữa khoảng cách để bánh được tỏa nhiệt đều và đẹp hơn.
- Bật nóng lò nướng 5 - 10 phút trước khi đóng bánh, để nhiệt trong lò nướng là 180 độ C.
Bước 4. Nướng bánh
- Lần 1: 180 độ C trong khoảng 10 phút hoặc hơn tùy vào kích cỡ bánh. Khi bánh đảm bảo 3 yếu tố: thành bánh đục, mặt bánh sém vàng, đáy bánh vàng là đạt. Lấy bánh ra (có thể xịt nước ngay khi đưa bánh ra khỏi lò), để bánh nguội hẳn rồi mới bắt đầu phết mặt bánh.
- Lần 2: Nướng ở 200 độ C, trong khoảng 7 - 8 phút. Phết mặt bánh như lần 1.
- Lần 3: Nướng ở 180 độ C, trong khoảng 8 phút.
- Sau khi nướng, vỏ bánh sẽ hơi cứng, để càng lâu vỏ bánh sẽ càng mềm và xuống màu đẹp hơn. Bánh có thể ăn trong khoảng 1 tuần tùy nhiệt độ và độ ẩm. Bảo quản bánh ở trong túi kín có túi hút ẩm.
Chúc các bạn thành công!