TÔM BỌC KHOAI TÂY NƯỚNG
Nguyên liệu:
- 200 gram tôm tươi
- 400 gram khoai tây
- 1 quả trứng
- Phô mai
- Bột chiên xù
- Tinh bột bắp
- Hạt tiêu, muối.
Cách làm:
- Khoai tây gọt vỏ, cắt lát rồi hấp chín.
- Cắt rời đầu và đuôi tôm như hình. Phần giữa con tôm thì bóc bỏ vỏ.
- Băm nhỏ phần thịt tôm.
- Cắt phô mai thành từng miếng nhỏ. Đập trứng, đánh tan để sử dụng sau.
- Nghiền nát khoai tây, càng mịn càng tốt.
- Cho tôm băm nhỏ vào khoai tây nghiền, sau đó thêm 2 thìa tinh bột bắp, 1 thìa muối và một ít hạt tiêu đen.
- Lấy một lượng khoai tây nghiền thích hợp, sau đó đặt một miếng phô mai vào giữa như hình.
- Bọc kín phô mai lại. Tiếp tục làm cho đến khi hết nguyên liệu.
- Nhúng viên khoai tây vào trứng sao cho trứng bám đều trên bề mặt.
- Tiếp tục nhúng viên khoai tây vào bột chiên xù.
- Sau đó cắm phần đuôi tôm lên viên khoai tây như hình.
- Lần lượt làm tương tự với các viên khoai tây còn lại.
- Phết 1 chút dầu ăn lên bề mặt viên khoai tây sẽ cho hương vị ngon hơn.
- Làm nóng lò nướng rồi nướng khoai tây trong 15 phút ở 180 độ. Nếu không có lò nướng có thể mang tôm bọc khoai tây đi chiên.
- Đây là thành phẩm!
Lưu ý:
- Nếu không thích phô mai, bạn có thể loại bỏ nguyên liệu này.
- Có 2 loại bột chiên xù, màu trắng và màu vàng. Bạn có thể sử dụng loại nào cũng được.
SƯỜN NƯỚNG
Nguyên liệu:
- 0.5kg sườn thăn
- Gia vị: 1 muỗng canh đường, 2/3 muỗng canh sa tế, 1 muỗng cà phê hạt nêm, ½ muỗng canh dầu hào; 1 ít nước tương, 2/3 muỗng canh nước mắm, ít ớt khô, hành tỏi băm nhỏ
Lưu ý cách chọn sườn: Sườn nên chọn các khúc non, mềm sẽ ngon hơn
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế sườn
- Sườn chặt khúc vừa ăn, rồi rửa sạch với muối và nước chanh, để ráo.
Bước 2: Cách ướp sườn
- Ướp sườn với 1 muỗng canh đường, 2/3 muỗng canh sa tế, 1 muỗng cà phê hạt nêm, ½ muỗng canh dầu hào; 1 ít nước tương, 2/3 muỗng canh nước mắm, ít ớt khô, hành tỏi băm nhỏ.
- Thêm ít dầu ăn, trộn đều lần nữa cho ngấm gia vị. Ướp sườn từ 1-2 tiếng hoặc lâu hơn trong ngăn mát tủ lạnh.
Bước 3: Cách nướng sườn
- Sau khi ướp sườn vài tiếng thì đem sườn nướng trong lò hoặc bếp than.
- Nếu nướng trên bếp than, dùng cọ hoặc muống phết nước ướp lên đều hai mặt sườn cho đỡ khô và thấm gia vị. Khi sườn chín sém vàng hai mặt là được.
- Cách ướp này bạn có thể áp dụng ướp thịt nướng.
Thưởng thức:
Sườn nướng sa tế thưởng thức với cơm hoặc bún đều rất ngon. Hợp với những bữa cơm ngày lễ hoặc nhà có khách.
VỊT KHÌA NƯỚC DỪA
Nguyên liệu:
- Thịt vịt: khoảng 800-900g. Nên chọn phần thịt ít xương như đùi, lườn.
- 1 trái dừa tươi.
- Tỏi, hành củ, gừng, ngũ vị hương, tiêu, muối, rượu trắng, dầu ăn, bột nêm, nước tương.
Cách làm:
Gừng cạo vỏ, rửa sạch, đập giập. Hành tỏi bóc vỏ rửa sạch, đập giập, bằm nhỏ.
Thịt vịt làm sạch, dùng muối và gừng đã đập giập ở trên xoa đều xung quanh miếng thịt vịt. Thêm chút rượu trắng vào cùng, bóp kỹ, sau đó rửa thật sạch cho hết mùi hôi. Tiếp theo lọc bỏ bớt xương, thái thịt thành 3-4 miếng lớn, dùng dao khía nhẹ xung quanh để khi ướp thịt được ngấm gia vị hơn.
Ướp thịt vịt với ngũ vị hương, hành, tỏi đã bằm nhỏ ở trên, thêm chút bột nêm, tiêu và 1 thìa nước tương trộn đều để khoảng 1h cho thịt ngấm gia vị.
Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào chảo. Khi dầu ăn nóng già cho thịt vịt vào chiên vàng 2 mặt. Chú ý gạt bỏ lại hành tỏi để khi chiên không bị cháy.
Khi vịt chín vàng 2 mặt, gạn hết dầu ăn trong chảo ra ngoài, thêm nước dừa tươi cùng chút bột nêm vào, om nhỏ lửa đến khi vịt chín mềm và phần nước sền sệt.
Tắt bếp, lấy thịt vịt ra thái miếng vừa ăn, xếp ra đĩa, dưới chút nước sốt lên trên cho thịt thêm đậm đà.
GÀ ƯỚP BIA CHIÊN GIÒN
Nguyên liệu:
- 400g cánh gà
- 50g lạc rang bỏ vỏ
- 1 lon bia
- 60g bột mì; 1 quả trứng
- Tỏi, ớt khô, gừng, tiêu xay
- Ngũ vị hương, gia vị
Cách làm:
Chặt cánh gà thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Ướp gà với gừng, tỏi và tiêu.
Thêm bia và xì dầu vào, ướp gà trong khoảng 1-2 tiếng.
Đổ phần bia ướp đi, sau đó thêm bột mì và đập trứng vào cùng với gà, trộn đều lên. Chiên gà trong chảo ngập dầu đến khi phần vỏ thịt gà giòn và vàng đều. Sau đó gắp gà ra để cho ráo dầu.
Trong chảo dầu nóng, cho gừng, tỏi và ớt khô vào phi thơm. Cho gà, ngũ vị hương, tiêu, tương ớt, chút nước mắm vào đảo đều. Đến khi miếng gà đã ngấm gia vị cho lạc rang vào, xóc thật đều lên.
Cánh gà ướp bia chiên giòn thơm ngon tuyệt vời!
CÁ NƯỚNG LÁ CHUỐI
Nguyên liệu:
- 500g cá rô phi phi lê
- 5-7 củ sả; 2 củ hành
- 1 củ tỏi; 1 nhánh gừng; 2 quả ớt hiểm
- Gia vị: Dầu hào, dầu ăn, bột nghệ, bột canh, bột nêm.
- Khế, chuối xanh, rau thơm ăn kèm
- Nem cuốn
- Lá chuối (nếu ở thành phố, bạn có thể tìm mua ở các hàng bán các loại rau thập cẩm)
Cách làm:
Cá phi lê sau khi làm sạch dùng khăn thấm khô và cắt làm 2-3 miếng cỡ vừa (không nên cắt bé vì cá sẽ bị nát).
Sả, hành, tỏi bóc lớp vỏ ngoài, cắt sả thành miếng nhỏ rồi cho vào xay nhuyễn cùng với ớt hiểm.
Đổ hỗn hợp vừa xay ra bát trộn cùng với 2 thìa dầu hào, 2 thìa dầu ăn, 1 thìa bột nêm, 1 thìa hạt tiêu, 1 thìa bột canh, 1 ít gừng thái chỉ. Trộn đều thành khối đồng nhất.
Cho phần hỗn hợp này vào cá, sát phần gia vị đều lên cá và ướp cá khoảng 30 phút trước khi nướng.
Lá chuối rửa sạch, lau khô. Đặt cá vào giữa rồi gấp lại.
Xếp cá nướng vào vỉ và nướng (bạn có thể nướng bằng lò nướng ở nhiệt độ 200 độ C). Khi thấy lớp lá chuối ngoài khô, giòn, có mùi thơm là cá chín.
Cá chín, xếp ra đĩa ăn kèm với bún chấm mắm gừng chua ngọt.
Nguyên liệu:
- Nõn đuôi lợn (heo) có một số vùng có tên gọi khác: Một số vùng lại gọi là Khấu linh, khu vực Bắc miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,…) lại gọi là Nõn đuôi hay khấu đuôi,...: Cần lượng nõn đuôi dài tổng cộng khoảng 30-35cm (khoảng 300gr)
- Sụn mềm băm nhỏ hoặc xay nhỏ 150-200gr (Lượng sụn này cũng chỉ tương đối vì phụ thuộc vào nõn đuôi to hay nhỏ (nếu nõn đuôi có loại nhỏ thì chỉ cần khoảng 100-150gr).
- Lạc hoặc đỗ xanh đã cà vỏ
- Rau húng quế (còn gọi là húng giổi, húng chó, húng vịt, húng lợn,…): đây là loại rau để tạo mùi vị chủ đạo của món dồi này.
- Rau răm, hành lá, mùi tàu (ngò gai)
- Hành củ, tỏi băm
- Nước mắm, gia vị (hoặc hạt nêm), hạt tiêu xay
Cách làm:
Rửa sạch nõn đuôi bằng dấm hay muối, khi rửa phải bóp thật kỹ, vừa bóp vừa tuốt cho sạch nhớt cả bên ngoài và bên trong.
Các loại rau (húng quế, rau răm, hành lá, mùi tàu) thái nhỏ. Tỏi hành băm nhỏ. Lạc ngâm nước ấm, bóc sạch vỏ rồi băm hoặc xay nhỏ.
Đun sôi nước, nêm chút muối, cho nõn đuôi vào luộc qua. Trộn đều thịt sụn, lạc băm nhỏ, hành củ băm, các loại rau đã thái nhỏ, hạt tiêu, gia vị (mắm, muối).
Luộc qua để nõn đuôi bớt nhớt, bớt hôi và không bị phình không đều khi nhồi. Nếu nõn đuôi tươi, rửa sạch kỹ và nhồi đã có kinh nghiệm thì có thể không cần luộc qua. Đặc biệt nếu bước chế biến sau cùng không rán (chiên) mà nướng thì không cần luộc qua món ăn sẽ thơm hơn.
Buộc một đầu đoạn nõn đuôi, nhồi tất cả thịt đã trộn đều vào thành dồi, lưu ý vừa nhồi vừa vuốt cho đều nhân để món ăn trông tròn đều. Nhồi xong buộc chặt đầu còn lại.
Đun nước với chút muối cho món dồi nõn đuôi đã nhồi vào hấp chín hoặc luộc, khi sôi giảm nhỏ lửa để dồi chín, lưu ý khi luộc hay hấp thỉnh thoảng dùng tăm nhọn xăm lỗ để món dồi không bị phình và bục vỡ. Khi xăm không thấy nước đỏ chảy ra là dồi đã chín.
Nếu sau này không rán mà nướng thì có thể không cần luộc chín mà cho lên nướng ngay món ăn sẽ thơm hơn. Nướng có thể các bạn nướng trong lò điện hoặc nướng trên bếp than hoa. Mình chia sẻ thêm cách chiên món nõn đuôi nhồi cũng là một cách làm nhanh rút ngắn thời gian mà thành phẩm ra vẫn thơm ngon.
Bắc chảo lên bếp, cho mỡ hay dầu ăn đun nóng già, cho dồi nõn đuôi vào rán (chiên) vàng, có thể chiên giòn bên ngoài tùy ý thích.
Món nõn đuôi nhồi sụn thành phẩm có mùi thơm đặc trưng của lá húng quế. Khi ăn thái mỏng, chấm với nước chấm pha mắm, tỏi, tương ớt, nước, dấm (hoặc chanh), hạt tiêu cho có vị chua cay, ngọt.