Vào ngày ông Công ông Táo tức 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình thường chuẩn bị các mâm cỗ để thể hiện tấm lòng thành kính dâng lên các vị Táo quân. Nếu bạn không có thời gian hoặc chưa nghĩ ra món gì để chuẩn bị cho mâm cỗ hãy tham khảo mâm cỗ cúng ông Công ông Táo cực kỳ đơn giản của chị Phạm Hồng Anh (Hà Nội) dưới đây nhé:
Chị Phạm Hồng Anh.
Mâm cỗ cúng ông Táo của chị Hồng Anh gồm các món:
- Gà nướng
- Nem nướng
- Canh măng móng giò
- Cải chíp luộc
- Bánh giầy giò, giò lụa
- Bánh chưng
- Xôi ngũ sắc, xôi vò
- Chè hoa cau
Cách làm một số món ăn cơ bản trong mâm cỗ cúng ông Táo của chị Hồng Anh:
1. NEM RÁN
Nguyên liệu:
- Thịt nạc vai: 300g.
- 30g miến dong, 2 cái mọc nhĩ, 2 quả trứng vịt.
- 1 củ cà rốt nhỏ, 1 củ hành tây, 100g giá đỗ, hành lá.
- 1 thếp bánh đa nem.
- Gia vị, tiêu, tỏi, chanh, ớt, giấm, đường, nước mắm.
Cách làm:
Thịt nạc vai, rửa sạch, bằm hoặc xay nhỏ. Mọc nhĩ ngâm nước cho nở mềm, sau đó rửa sạch, thái sợi, xắt nhỏ. Miến cũng ngâm sơ qua nước lạnh cho mềm, vớt ra để ráo, dùng kéo cắt khúc cỡ 1,5-2cm. Chú ý miến chỉ ngâm khoảng 2-3 phút cho sợi mềm, dễ cắt là được, không ngâm lâu quá miến bị nhũn, nem không ngon.
Hành tây, bóc vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng, sau đó cắt nhỏ. Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng sau đó thái sợi. Giá đỗ rửa sạch, vớt ra để ráo, dùng tay bóp nát cho bớt nước để nhân nem không bị ra nước khi gói. Hành lá cắt rễ, rửa sạch, xắt nhỏ. Chú ý: để món nem ngon, không bị nát thì các nguyên liệu không xắt nhỏ quá và độ dài của các loại nguyên liệu nên dài ngắn khác nhau.
Cho tất cả các nguyên liệu trên vào một cái tô lớn, trộn đều với chút gia vị, tiêu cho vừa khẩu vị, để khoảng 5’ cho nhân ngấm gia vị.
Cho lòng đỏ trứng vịt vào tô chứa nhân nem ở trên trộn đều. Để nhân nem không bị ướt quá thì mình chỉ sử dụng lòng đỏ trứng, không dùng lòng trắng.
Lấy ½ bát nước thêm khoảng 1 thìa dấm gạo, khuấy đều, hỗn hợp này dùng để làm mềm bánh khi gói và có tác dụng giúp nem giòn, đẹp hơn khi rán. Trải 1 cái bánh đa nem ra thớt, dùng hỗn hợp nước –dấm ở trên để làm mềm bánh trước khi gói. Lấy 1 thìa nhân đặt vào vị trí khoảng ¼ bánh từ dưới lên, dàn đều nhân sang hai bên tùy theo kích thước của cuốn nem mà bạn muốn. Sau đó, gấp 2 mép và cuộn kín. Không nên cuốn chặt tay, nếu cuốn chặt quá khi bạn chiên nem rất dễ bị bục.
Bạn thực hiện như trên cho đến khi hết lượng nhân đã chuẩn bị.
Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào đun nóng, lượng dầu sao cho ngập nem hoặc khoảng 2/3 cái nem là được. Dầu sôi, thả nem vào rán cho đến khi nem chín vàng đều là được. Để nem tròn, màu đẹp bạn phải đun dầu thật nóng già, vặn nhỏ lửa, thả nem vào rán và khi bạn thả nem vào chảo dầu, chú ý lăn đều sao cho xung quanh nem vỏ bánh se lại sau đó mới rán chín từng mặt.
Trong lúc chờ nem chín, bạn chuẩn bị pha nước chấm nem. Tỏi bóc vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng sau đó băm nhỏ. Ớt rửa sạch và cũng băm nhỏ. Chanh gọt vỏ, bổ đôi, vắt lấy nước cốt. Bạn pha nước chấm nem theo tỷ lệ 1 mắm: 1 đường: 1 nước cốt chanh và 4-5 nước tùy thuộc vào độ mặn của nước mắm bạn dùng. Hòa tan hoàn toàn hỗn hợp trên, sau đó cho tỏi, ớt đã bằm nhỏ vào trộn đều. Để có một bát nước chấm ngon, tỏi ớt nổi đẹp mắt thì tỏi chỉ bằm nhỏ, không được đập giập, chanh trước khi vắt nên gọt vỏ.
2. CANH MĂNG MÓNG GIÒ
Nguyên liệu:
- 500g móng gò lợn trước
- 170g măng vầu khô hoặc măng lưỡi lợn khô
- 50g hành củ khô bằm nhuyễn
- 20g hành hoa lấy phần củ gốc cắt dài 7cm
- 3 lá mùi tàu
- 1 ít hạt tiêu
- Nước mắm mặn ngon
- 30g hạt nêm rau củ
- 2 lít nước vo gạo để ngâm măng
- Một ít ớt thái chỉ để trang trí
- Nước lọc hoặc nước dùng xương
- Dầu ăn
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế
- Chân móng giò trước lợn loại ngon 1 cái cỡ 500gr đem cạo sạch lông và rửa sạch.
Sau đó chẻ bổ đôi móng giò rồi chặt miếng vừa ăn. Mỗi miếng dày khoảng 2,5cm.
- Măng vầu khô rửa sạch, ngâm vào nước vo gạo để qua một đêm sau đó rửa sạch. Cho măng vào luộc với nước sạch khoảng 2 tiếng. Lưu ý khi luộc măng nên thay nước liên tục khoảng 3 lần trong quá trình luộc để măng được trắng, ra hết mùi và vị đắng chát của măng khô cũng như chất độc còn sót lại trong măng. Nếu luộc 2 tiếng mà măng chưa mềm hẳn bạn có thể luộc thềm.
- Khi măng đã được luộc kỹ, kiểm tra thấy măng đã mềm, vớt ra ngâm măng vào nước lạnh. Lúc này, tiến hành nhặt sạch các lá măng vụn bên ngoài bỏ đi để bát canh măng được gọn và ngon hơn. Sau đó vớt măng ra để ráo nước và tiến hành thái miếng vừa ăn khoảng 2,5cm x 3,5cm.
Bước 2: Ninh chân giò
Cho nồi lên bếp, thêm 1 muỗng canh dầu ăn, cho 1/2 chỗ hành củ khô bằm nhuyễn vào phi thơm. Khi hành đã thơm, cho chân giò vào, xào qua và nêm nếm thêm nước mắm, hạt nêm, một chút tiêu vào, xào đến khi chân giò ngấm đều gia vị.
Tiếp đến, cho nước lọc vào xâm xấp mặt chân giò, ninh nhỏ lửa khoảng 15 phút sau khi nước sôi.
Bước 3: Xào măng
- Tiếp đến, bắc chảo nóng, phi thơm lượng hành củ băm nhỏ còn lại vào phi thơm. Sau đó, cho măng vào xào. Nêm thêm nước mắm, hạt nêm, xào cho ngấm măng.
Bước 4: Hoàn thiện canh măng khô móng giò
- Khi măng săn lại và ngấm gia vị, cho chảo măng ra và trút vào nồi chân giò đã ninh trước đó, đun cho sôi lại. Tiếp đến, thêm lượng nước vửa đủ, tiếp tục ninh canh măng khô khoảng 60 phút hoặc cho đến khi thấy chân giò đã mềm, măng ngấm, nêm nếm lại một lần nữa để vị vừa ăn là hoàn thành.
Lưu ý: Trong quá trình nấu canh măng và chân giò, đun nhỏ lửa và liên tục hớt bỏ bọt cùng lượng mỡ thừa nổi trên bề mặt nước canh để nước canh măng được trong, không bị váng mỡ quá nhiều.
Bước 5: Trình bày
Lấy bát tô to múc lượng măng và chân giò ra bát, xếp chân giò vào giữa bát, chần sơ hành hoa cho lên trên.
Sau đó chan nước canh vào và trang trí thêm một chút lá mùi tàu thái nhỏ, một chút ớt thái sợi là xong.
3. GÀ NƯỚNG
Chuẩn bị:
- 1 con gà mái sau khi đã làm sạch nặng 1,2-1,3kg
- 1 muỗng cà phê mật ong, 1/4 muỗng bột nghệ, 1muỗng cà phê bột canh, ½ muỗng cà phê tiêu, 1 muỗng dầu hào, ½ muỗng cà phê ngũ vị hương, 2 củ hành khô nhỏ đập dập.
Cách làm:
Ướp mặt trong gà và phía ngoài con gà với 1 muỗng cà phê mật ong, 1/4 muỗng bột nghệ, 1muỗng cà phê bột canh, ½ muỗng cà phê tiêu, 1 muỗng dầu hào, ½ muỗng cà phê ngũ vị hương, 2 củ hành khô nhỏ đập dập. Giữ mặt trên da gà khô ráo, ướp gà ít nhất 1 tiếng.
Nướng mỗi mặt gà 8 phút ở nhiệt độ 150 độ C trong nồi chiên không dầu là xong.
4. CẢI CHÍP LUỘC
- Cải chíp bỏ lá già, cắt một ít phần gốc ra để trang trí. Rửa sạch tất cả.
- Đun sôi một nồi nước với chút muối, cho gốc cải chíp vào luộc trước khoảng 2 phút. Sau đó thả phần lá vào luộc thêm 2 phút nữa là vớt ra.
5. BÁNH GIẦY GIÒ
Mua sẵn.
6. NEM NƯỚNG
Nguyên liệu:
- 200g giò sống
- 300g thịt xay nạc lẫn mỡ (mua nạc dăm/ vai giòn là ngon nhất)
- Hỗn hợp ướp: 2 củ hành, 1 củ tỏi, 1/2 củ sả, một ít tiêu, 1 thìa ăn cơm dầu hào (dùng dầu hào chay rất ngon), 1 thìa dầu ăn, 1 thìa mè chưa rang + 1 thìa bột hạt điều/ dầu hạt điều.
- 10-15 cây sả (hoặc thanh mía chẻ nhỏ), bóc bớt vỏ già, rửa sạch, để ráo
Cách làm:
Bước 1: Làm sốt ướp
Hành và tỏi bóc vỏ rửa sạch. Giã nát hành, tỏi và sả, cho ra bát. Lưu ý hành tỏi, sả giã sẽ thơm hơn là băm. Sau đó thêm một ít tiêu, 1 thìa ăn cơm dầu hào (dùng dầu hào chay rất ngon), 1 thìa dầu ăn, 1 thìa mè chưa rang + 1 thìa bột hạt điều/ dầu hạt điều. Tất cả trộn đều lên.
Bước 2: Làm phần thịt
Thịt và giò sống trộn đều trong một bát. Sau đó cho vào thịt băm vào giò. Đổ hỗ hợp sốt ướp vào, trộn thật đều. Cho thêm 1 thìa ăn cơm bột năng vào đeo gang tay nhào trộn đều. Hỗn hợp thịt và giò lúc này dẻo dính. Bước 3: Bọc sả Nắm một ít thịt giò lên rồi nắm vào cây sả làm để thịt bao bọc đều cây sả.
Bước 4: Nướng
Sau đó xếp các phần thịt bọc sả vào nồi chiên không dầu. Cài nhiệt độ 165 độ C, nướng nem trong vòng 15 phút là chín. Nếu không có nồi chiên không dầu bạn có thể nướng lò hoặc nướng than hoa. Nướng than hoa thì nem nướng sẽ rất thơm. Từng que nem nướng vàng ươm, thơm nức, đánh thức vị giác của bất kỳ ai đang cảm thấy chán ăn.