Nói đến Tết Trung Thu, người ta nghĩ ngay đến hương vị của những chiếc bánh nướng nồng đượm mùi rượu mai quế lộ, ngọt ngào nhân đậu xanh hạt sen, sữa dừa, cốm non,... được chuẩn bị từ trước vài tháng. Nước đường cất càng lâu, vỏ bánh càng mềm mượt, vàng xuộm và óng ánh. Trứng đạt chuẩn cần muối trong 3 tuần mới đủ độ chín, đỏ au tựa mặt trời, cứng cáp mà không khô nứt. Trải qua vô số công đoạn từ sên nhân, trộn bột, đóng bánh, nướng ba lần, mẻ bánh thơm nức mới ra lò.
Gói ghém lòng thành kính của gia chủ, mâm cỗ rằm tháng 8 với những chiếc bánh tinh xảo, vị trà thanh tao cùng các loại trái cây thơm ngọt, tượng trưng cho sự sung túc, tròn đầy và viên mãn. Trung Thu là tết đoàn viên, có vị của bao thức quà đồng nội ngon lành và ký ức tuổi thơ. Để rồi dưới ánh trăng rằm dịu nhẹ của tiết trời mùa thu, cả gia đình có dịp quây quần phá cỗ, ăn bánh thưởng trà, vui hội sum vầy.
Trung Thu có hương vị đoàn viên, thoảng mùi hoa bưởi, thơm ngọt bánh nướng và thanh tao cốc trà nóng.
Mâm cỗ Trung Thu lúc nào cũng sung túc, tượng trưng cho một mùa trăng tròn đầy và mong ước đoàn viên sum họp.
Trung Thu năm nay lại rất khác. Với nhiều gia đình, bữa cơm đoàn viên trở nên xa xỉ hơn bao giờ hết. Họ là những người lính lội ngược dòng bão lũ, những mạnh thường quân nghe tiếng gọi đồng bào lên đường cứu trợ, những người dân mòn mỏi chờ tin tìm người mất tích. Và đã có những tổ ấm mãi mãi chẳng bao giờ được trọn vẹn như xưa.
Trung Thu năm nay mang vị mặn nước mắt, dữ dội bão táp mưa sa và đượm buồn nhiều nỗi niềm khắc khoải. Từng dòng tin kêu cứu xin ngụm nước sạch hay gói lương khô khiến mắt ai cũng cay xè. Ngay cả khi không ở trong vùng ảnh hưởng của thiên tai, thì làm sao ta có thể ăn ngon ngủ yên khi đồng bào đang chật vật chống chọi tai ương?
Mùa Trung Thu này, nhiều bữa ăn chìm vào biển lũ, vội vàng và âu lo.
Giữa muôn trùng mất mát, "bữa ăn đoàn viên" tưởng chừng không thể trọn vẹn, lại được nối dài và nhân rộng lên gấp nhiều lần, theo một cách thật đặc biệt - đó là những bữa ăn ấm vị yêu thương.
Người ta gác lại bữa ăn của gia đình nhỏ để vun vén cho “gia đình lớn”. Như trăm sông đổ về một biển, triệu trái tim đều hướng về miền Bắc thân yêu, trao ân tình trong từng miếng ngọt bùi. Có bao nhiêu tin cầu cứu là có bấy nhiêu tin huy động. Từ cụ già đến trẻ nhỏ, có gì góp nấy, không ai đứng ngoài vòng tròn nhân ái. Cụ bà 81 tuổi, lưng còng tóc bạc phơ vẫn cõng thùng mì gói đến điểm tập kết đồ cứu trợ. Có lớp học cặm cụi đóng bánh Trung Thu để gửi ra vùng lũ. Những bạn học sinh gom góp bánh kẹo và viết lời nhắn gửi hết sức dễ thương: “Chúc các cậu ăn ngon lành! Và sớm các cậu sẽ làm được nhà nếu có thức ăn”, “Hê hê tớ cho cậu ít bánh mì này. Chúc cậu sống 2 thế kỷ luôn nhé”, “Mọi người cố lên”,...
Trung Thu năm nay, cả nước hướng về miền Bắc.
Giữa con nước lên, bàn tay ai thoăn thoắt đong từng đấu nếp thơm, ướp từng miếng thịt lợn, đồ từng lon đậu xanh, tạo nên chiếc bánh chưng hút chân không, đem theo biết bao yêu thương từ nơi xa gửi vào vùng bão lũ. Trung thu và bánh chưng đã “va” vào nhau như thế.
Dọc dài khắp các miền Tổ quốc, các bà, các dì, các mẹ tờ mờ sớm đã ra chợ mua thịt, lựa cá, chọn đậu,... Có phường bảo nhau làm cá rim, sơ chế hơn 50kg cá khô, sàng sảy, tẩm ướp gia vị thật đẫm rồi đảo đều trên chảo gang cho đến khi sốt kẹo đặc lại. Thấm đẫm trên từng thớ cá là vị mặn ân tình của người dân miền Trung quanh năm sống với lụt lội. Hơn ai hết, họ hiểu rõ cơn thịnh nộ của thiên nhiên, càng trân quý cảm giác sau một ngày rã rời được dằn bụng một bát cơm trắng trộn cá rim cay mặn, ăn tới đâu ấm người tới đó, lại bảo quản được rất lâu. Bếp nhiều nhà đỏ lửa từ sáng tới đêm khuya, không lúc nào ngơi cảnh chiên xào. Người rang đậu phộng, người chưng mắm tép, giã chà bông. Tất cả đều hối hả chạy đua với thời gian cho kịp chuyến xe cứu trợ. Không ai nỡ để đồng bào mình chịu đói thêm một giây phút nào.
Cả đất nước “đỏ lửa”, gửi gắm bữa cơm ân tình đến đồng bào vùng lũ.
Hối hả nhất có lẽ là người chiến sĩ. Bữa ăn của họ đôi lúc chỉ là gói mì tôm nấu nhanh trong lúc trở về khu đóng quân tiếp thêm đồ, là gói bánh ăn cắn vội giữa đường xa hiểm trở, hộp cơm nguội lạnh vì phải gác lại sau bao mối lo toan. Có lẽ trong những lúc lấm lem và mệt nhoài, họ cũng nhớ khói lam chiều, nhớ bát canh nóng với đọt rau ngắt vội sau nhà, nồi thịt kho thắng kỹ nước đường ăn cùng với dĩa cà dằm tương thanh mát. Thế nhưng một khi đặt trách nhiệm với Tổ Quốc và an nguy của nhân dân trên vai, họ chẳng màng đến chua cay mặn ngọt, chỉ một lòng hướng về phía trước, dùng trọn vẹn trí lực để phụng sự đất nước.
“Đất nước Việt Nam nhỏ bé mà kiên cường
Nhưng người Việt Nam còn phi thường hơn thế”.
Tết đoàn viên năm nay đại gia đình Việt Nam ba miền sum họp. Bếp nhà nào còn tạnh ráo thì thổi lửa bắc cơm tiếp tế cho vùng ngập lụt. Những bữa ăn nghĩa tình vượt nghìn cây số trao tận tay tiền tuyến. Chẳng có cao lương mỹ vị, chỉ là ổ bánh mì, gói bánh chưng, hũ chà bông giã vội trong đêm cho kịp chuyến xe cứu trợ,... Ấy vậy mà thấm đượm tình đồng bào. Vị nhân sinh luôn đong đầy, hệt như niêu cơm Thạch Sanh không bao giờ vơi cạn. Rất nhanh thôi, miền Bắc sẽ khỏe mạnh hoàn toàn. Hương vị Trung Thu lại trở về trong từng tổ ấm.