Mâm cỗ cúng tất niên là nét đẹp trong văn hóa của người Việt. Hàng năm, vào ngày cuối cùng của tháng Chạp cũng là ngày chuẩn bị bước sang năm mới, gia đình nào cũng tạm gác lại những lo toan, bận bịu, cùng nhau vào bếp chuẩn bị mâm cỗ cúng tất niên để dâng lên thần linh, gia tiên. Đây cũng là dịp con cháu đi xa trở về sum họp bên ông bà, cha mẹ và những người thân yêu.
Tùy vào văn hóa của từng vùng miền mà mâm cỗ cúng tất niên sẽ được chuẩn bị theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, dù là miền nào đi chăng nữa thì trong mâm cỗ cúng vẫn có đầy đủ các món cơm, canh và bánh chưng hoặc bánh tét.
Mâm cỗ cúng tất niên của người miền Bắc
Miền Bắc rất coi trọng lễ nghi và với mâm cỗ cúng tất niên cũng vậy. Trước kia, trên mâm cỗ luôn phải tuân thủ theo nguyên tắc 4 bát 4 đĩa hoặc 6 bát 6 đĩa, cũng có gia đình chuẩn bị 8 bát, 8 đĩa. Tuy nhiên, ngày nay mâm cỗ đã được giản lược đi, thay vào đó số lượng món ăn sẽ phụ thuộc vào điều kiện của từng nhà.
Thông thường, trên mâm cỗ cúng tất niên sẽ có những món cơ bản sau:
- Bánh chưng
- Hành muối
- Nem rán
- Canh măng ninh xương
- Cơm trắng
- Rau xào/rau luộc
- Miến
- Giò lụa hoặc giò thủ
- Thịt gà luộc
Người miền Trung chuẩn bị mâm cỗ cúng tất niên thế nào?
Không quá cầu kỳ về số bát số đĩa như người miền Bắc, tuy nhiên mâm cỗ của người miền Trung cũng được chuẩn bị khá đầy đủ và tươm tất. Các món dâng cúng đều là món ăn quen thuộc hàng ngày của người dân nơi đây.
Thông thường, một mâm cỗ cúng ngày cuối năm sẽ có:
- Thịt gà luộc
- Bánh chưng hoặc bánh tét
- Củ kiệu muối
- Giò lụa
- Gỏi gà
- Nem rán hoặc ram
- Canh măng ninh xương
- Cơm trắng
Mâm cỗ cúng tất niên của người miền Nam
Nếu như miền Bắc thích chuẩn bị các món ăn nóng hổi để phù hợp với tiết trời se lạnh ngày giáp Tết thì miền Nam lại chuộng các món nguội do khí hậu nắng nóng.
Thông thường, trên mâm cỗ cúng tất niên hoặc các mâm cỗ trong 3 ngày tết của người miền này thường sẽ có một số món quen thuộc như:
- Bánh tét
- Củ cải ngâm chua/dưa món
- Canh măng tươi
- Khổ qua nhồi thịt (miền Bắc gọi là mướp đắng nhồi thịt)
- Thịt kho tàu
- Thịt lợn luộc
- Gỏi tôm thịt
- Chả giò
- Củ kiệu muối
Ngoài các món ăn mặn, dù là miền Bắc, miền Trung hay miền Nam thì ngoài mâm cỗ gia chủ còn chuẩn bị thêm mâm ngũ quả kèm theo hoa tươi như cúc hoặc ly hay thược dược để bày lên bàn thờ. Mâm ngũ quả thường sẽ được đặt trên bàn thờ chính, mâm cỗ cúng tất niên dù món mặn hay món chay cũng đều được đặt trên một chiếc bàn nhỏ ngay bên dưới ban thờ.
Cúng tất niên là nét đẹp văn hóa cần được lưu giữ và phát huy. Đây không chỉ là tấm lòng của cháu con dâng lên thần linh, ông bà tổ tiên mà còn thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn" tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ bao đời.