Tết Hàn Thực làm bánh trôi nhớ bỏ thứ này vào, bánh dẻo mềm không sợ sống bột lại rất tốt cho sức khỏe

Để có đĩa bánh trôi dẻo ngon, đường tan mềm ngay trong miệng thì bạn cần nắm vững những bí kíp sau.

Cùng với bánh chay, bánh trôi là món ăn không thể thiếu trên mâm cúng ngày Tết Hàn Thực (mùng 3 tháng 3). Tục này bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng khi du nhập vào nước ta đã được thay đổi phù hợp với văn hóa truyền thống của người Việt.

Món bánh trôi mang nhiều tầng ý nghĩa khác nhau. Theo các chuyên gia nghiên cứu văn hóa, bánh trôi có màu trắng, nặn viên tròn nhỏ tượng trưng cho 50 quả trứng, nở ra 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên rừng. Bánh chay là đại diện cho 50 người con theo cha xuống biển.

Ngoài ra, bánh trôi làm từ gạo nếp và gạo tẻ, đây là biểu trưng cho nền văn minh lúa nước, là thành quả lao động vất vả của người nông dân. Màu trắng của loại bánh này còn đại diện cho sự tinh khiết, tốt đẹp. Hình tròn biểu tượng của sự tròn đầy, vẹn toàn.

Chính vì thế mà món bánh trôi trở thành lễ vật không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết Hàn Thực. Cách làm bánh trôi không khó nhưng cũng không phải quá đơn giản. Để có được đĩa bánh dẻo thơm, không bị sống bột, đường tan mềm thì bạn phải nắm được bí kíp.

1. Nhân bánh

Thay vì làm nhân bằng đường phên thông thường bạn nên kết hợp thêm gừng. Loại củ gia vị này có tính nóng, vị thơm giúp bánh ngon và đặc biệt tốt cho sức khỏe. Các chất có trong gừng giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả, tránh cảm giác đầy bụng, khó tiêu, ì ạch sau khi ăn đồ nếp.

2. Dùng vải xô

Dù sử dụng bột tươi hay bột khô thì khi nặn bánh trôi cũng không tránh khỏi tình trạng bánh bị mềm chảy cho có nước. Để khắc phục tình trạng này, bạn nên đặt một miếng vải xô lót ở dưới rồi đặt bột lên trên. Vải sẽ hút bớt nước giúp bánh cứng, tròn đẹp hơn khi nặn.

Ngoài ra, để bánh được tròn, bóng thì bạn nên thoa 1 lớp dầu ăn mỏng lên tay rồi mới nặn bánh.

3. Dùng lá nếp

Để bánh có mùi thơm hơn, bạn nên cho lá nếp vào nồi nước luộc bánh trôi.

4. Luộc bánh

Thời gian luộc bánh trôi rất quan trọng. Có 4 điểm bạn cần lưu ý:

- Phải chờ nước sôi già mới cho bánh trôi vào luộc.

- Khi bánh chín nổi trên bề mặt bạn đợi từ 2 - 3 phút là có thể vớt.

- Vớt bánh ra cho vào bát nước nguội. Cách làm này sẽ giúp rửa đi toàn bộ phần tinh bột bám bên ngoài vỏ bánh - đây chính là thủ phạm khiến bánh trôi dính vào nhau và dễ bị thiu.

- Điều chỉnh lửa vừa để bánh chín, nở đều, khi nguội bột và đường không bị cứng lại.

Đối với bánh trôi có dùng màu thì nên luộc theo thứ tự từ màu nhạt tới màu đậm như thế sẽ tránh được tình trạng bánh bị mất màu.

CÁCH LÀM BÁNH TRÔI

Nguyên liệu

- Bột nếp tươi: 500g

- Đường phên

- Vừng rang

- Dừa nạo

- Gừng băm nhỏ

Các bước làm bánh trôi

1. Nhào bột nếp thật kỹ cho dền rồi để bột nghỉ khoảng 5 phút.

Chia bột thành từng viên nhỏ vừa ăn. Lưu ý, kích thước của bánh trôi sẽ nhỏ hơn so với bánh chay vì thế bạn cần cân đối sao cho phù hợp.

2. Đường phên thái thành từng miếng nhỏ bằng đầu ngón tay út hoặc 1cm. Nhân đường phên không nên để quá to khiến bánh dễ bị ngọt khé cổ, ăn không ngon.

3. Cán dẹt viên bột đã chia trước đó rồi đặt viên đường phên cùng 1 chút gừng băm nhỏ vào bên trong. Gấp mép bột lại sao cho phủ kín đường phên. Dùng tay viên tròn lại trông bánh sẽ đẹp mắt hơn.

4. Bắc nồi nước lên bếp rồi đun sôi. Nước sôi, lần lượt thả bánh trôi nước vào luộc. Khi bánh nổi lên chừng 2 - 3 phút là chín. (Có thể thêm vào đây 1 chiếc lá dứa để bánh thơm hơn).

5. Vớt bánh trôi ra bát nước lạnh rồi đợi nguội thì xếp ra đĩa.

Rắc 1 chút vừng rang và dừa lên trên bề mặt bánh là có thể thưởng thức.

Bánh trôi làm kiểu này rất dễ, nhanh gọn mà hương vị lại đặc biệt thơm ngon. Khi ăn, bạn cảm nhận rõ phần vỏ bánh dẻo mềm, nhân đường ngọt tan ngay trên đầu lưỡi, vị cay nồng đặc trưng của gừng băm làm cho món bánh truyền thống này ngon hơn gấp bội.

Mẹ đảm mách cách làm bánh trôi ngũ sắc lên màu cực đẹp, viên tròn không nát