Trang Ancient Origins (chuyên trang nghiên cứu những câu chuyện thuộc về quá khứ, lịch sử) từng đăng tải hình ảnh về một thứ vật thể lạ mà mới nhìn thấy lần đầu tiên, ai cũng dễ lầm tưởng về một xác ướp em bé sơ sinh bị cuốn chặt trong tấm vải rách nát. Và có thể sau đó là một câu chuyện lịch sử đau buồn nào đó.
Tuy nhiên, thực chất, đây không phải là xác ướp trẻ sơ sinh, nhưng lại là thứ vô cùng hiếm có niên đại tới 5.500 tuổi được phát hiện trong một hang động cổ. Dù không có giá trị vật chất nhưng phát hiện này giúp các nhà nghiên cứu hiểu hơn về cuộc sống của tổ tiên loài người.
Lối vào hang động Areni-1 ở miền Nam Armenia, gần thị trấn Areni. Hang động là nơi chiếc giày lâu đời nhất thế giới đã được tìm thấy
Bất kỳ nhà khảo cổ học nào cũng biết rằng rất ít thứ trên Trái đất này tồn tại được lâu ngoài đất đá. Trong điều kiện khí hậu ẩm, ấm áp, hầu hết các vật chất hữu cơ như sợi gai dầu, vải, gỗ và da sẽ bị phân hủy, không để lại gì ngoài đất đá và cũng có thể là cả xương tại một địa điểm khảo cổ.
Đây là một lý do tại sao thời kỳ đồ đá có tên gọi như vậy, không phải vì mọi thứ đều được làm bằng đá, mà bởi vì chủ yếu là các công cụ và đồ trang trí làm bằng đá mới có cơ hội còn sót lại.
Tất cả các vật liệu hữu cơ, như da động vật, vỏ cây... mà người thời kỳ đồ đá cũ hoặc đồ đá mới từng dùng làm trang phục, phần lớn đã biến mất. Tuy nhiên, trong môi trường thích hợp, những vật liệu như vậy có thể tồn tại suốt hàng nghìn năm. Nếu môi trường khô ráo và không bị xáo trộn, vật liệu bình thường dễ vỡ, dễ hư hỏng có thể tồn tại hàng thiên niên kỷ. Và những thứ đó sẽ trở thành vật quý hiếm nếu được tìm thấy.
Một ví dụ minh chứng cho điều này là chiếc giày làm từ da thú có niên đại lên đến 5.500 năm tuổi được tìm thấy trong hang động Armenia hồi năm 2010.
Chiếc giày Armenia
Chiếc giày 5.500 năm tuổi này được phát hiện bởi một sinh viên người Armenia từ Viện Khảo cổ học Armenia, tên Diana Zandaryan. Chiếc giày được bảo quản trong điều kiện khô lạnh của hang động và một lớp phân cừu phủ lên nó.
Cùng với chiếc giày, các thùng chứa lúa mì, lúa mạch và mơ cũng được phát hiện. Chiếc giày có niên đại khoảng 3.500 năm trước Công nguyên. Không rõ tại sao chiếc giày hoặc các vật dụng khác lại bị bỏ lại ở đó. Chúng có thể được cất giữ hoặc cất giấu ở đó trong thời gian xảy ra xung đột. Cũng có thể chúng được để ở đó như một lễ vật, có thể mang tính chất tôn giáo.
Một câu hỏi khác được đặt ra là liệu nó là giày của đàn ông hay phụ nữ. Chiếc giày này nhỏ, cỡ dành cho phụ nữ theo tiêu chuẩn hiện đại của Châu Âu và Mỹ. Sau quá trình tìm hiểu, các nhà khảo cổ cho biết có lẽ chiếc giày thuộc về một phụ nữ bị chôn một cách có chủ ý trong hang động trên trong một nghi lễ bí ẩn. Hang động trên còn có ba cái bình, mỗi cái chứa sọ của một đứa trẻ, cùng với các bình chứa lúa mạch, lúa mì và quả mơ.
Chiếc giày làm bằng một miếng da bò có trước cả Đại Kim tự tháp Giza 1000 năm và được khâu lại với nhau bằng chỉ da. Chiếc giày được bảo toàn tốt đến mức dây buộc của nó vẫn còn nguyên vẹn.
Đối với tiến sĩ Ron Pinhasi, Đại học College Cork, chiếc giày trên là một khám phá của một đời người. “Ban đầu, chúng tôi nghĩ chiếc giày và những vật khác khoảng chừng 600-700 năm tuổi vì chúng ở trong điều kiện thật tốt”, tiến sĩ Pinhasi nói. “Khi chúng tôi phát hiện thấy chiếc giày có niên đại tới 3500 năm trước Công nguyên và là chiếc giày da cổ xưa nhất, chúng tôi cảm thấy rất hào hứng”.
Chiếc giày mang bởi một người nông dân sống trong vùng đồi núi thuộc tỉnh Vayots Dzor thuộc Armenia, gần biên giới của Thổ Nhĩ Kì và Iran ngày nay. Nó được làm bằng một miếng da, thuộc bằng dầu thực vật, và định dạng để khớp với chân của người mang. Nó có chứa cỏ, mặc dù các nhà khảo cổ không rõ là phần cỏ này có vai trò chống lạnh, hay để duy trì hình dạng của chiếc giày.
Trong thời gian chiếc giày này được sử dụng, người Armenia đã gắn bó với ngành nông nghiệp hàng nghìn năm. Cũng vào khoảng thời gian này, nền văn hóa Kurgan, những người sử dụng ngôn ngữ Proto-Ấn-Âu bắt đầu di cư dần ra khỏi quê hương tổ tiên của họ. Người ta biết rất ít về văn hóa Kurgan ngoại trừ việc họ chôn cất người chết trong các gò đất lớn được gọi là kurgans. Những gò đất này là những đặc điểm khảo cổ có thể nhìn thấy rõ nhất mà chúng để lại, do đó nó được dùng để đặt tên cho nền văn hóa thời bấy giờ.
Đôi giày này tiết lộ một khía cạnh khác về người Armenia thời tiền sử, vốn đã được biết đến với hồ sơ khảo cổ học tương đối phong phú. Cuối cùng, khi có đủ các tài liệu nghiên cứu, các nhà khoa học có thể tìm hiểu thêm nhiều điều về nền văn hóa của người Armenia, ngoài việc họ đi loại giày nào, họ ăn gì và các khía cạnh khác của văn hóa vật chất của họ. Người ta cũng có thể tìm hiểu về các khía cạnh phi vật chất trong văn hóa của họ.
Những đôi dép cổ
2 ví dụ khác về những phát hiện giày dép cổ đại là những đôi dép sandal được tìm thấy trong hang động Arnold, bang Missouri (Mỹ) và một chiếc khác trong hang Warrior (hang Chiến binh) ở sa mạc Judaean, phía Đông Jerusalem (Israel).
Một đôi dép từ giữa thời đồ đá mới
Những đôi dép trong hang Arnold có tuổi đời từ 800 đến 8.000 năm. Chiếc "trẻ" nhất được làm bằng da hươu trong khi chiếc lâu đời nhất là dép làm bằng sợi từ một loài thực vật được gọi là Rattlesnake master (Rắn đuôi chuông Master).
Đôi giày được tìm thấy trong hang Warrior cũng là những đôi dép sandal làm từ da được xác định là có niên đại khoảng 6.000 năm tuổi. Đôi dép da này được tìm thấy cùng với một tấm chiếu lau sậy, một cây cung với một mũi tên, và một con dao làm bằng đá, cùng những vật dụng khác.
Sa mạc Judaean được biết đến với khí hậu khô hạn, có đủ các điều kiện bảo quản tuyệt vời. Các đồ vật khác được tìm thấy trong sa mạc Judaean bao gồm các Cuộn giấy ở Biển Chết có niên đại từ năm 200 trước Công nguyên đến năm 200 sau Công nguyên và nhiều dụng cụ, đồ trang trí bằng đồng được xác định là khoảng 6.000 năm tuổi.
Nguồn: Ancient Origins