Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh nêu thực trạng có những em điểm trung bình đạt 9 nhưng vẫn trượt đại học, nguyên nhân có thể do cơ chế tự chủ xây dựng chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh của các trường. "Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này?", bà hỏi.
Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo cho biết 165 trường hợp học sinh từ 27 điểm trở lên nhưng không trúng tuyển đại học có nhiều nguyên nhân. Trước hết là hầu hết học sinh chỉ đăng ký duy nhất một nguyện vọng, vào chủ yếu các trường công an, quân đội. Cạnh đó, cũng có hiện tượng các trường đặt ra quá nhiều cách xét tuyển, mỗi cách xét tuyển dành cho các nhóm riêng nên chỉ tiêu ít, ảnh hưởng đến khả năng trúng tuyển.
"Việc tuyển sinh là quyền của các cơ sở giáo dục đại học theo Luật quy định, nhưng nằm trong chế tài cho phép. Bộ sẽ rà soát, không nên có quá nhiều phương án xét tuyển trong một cơ sở giáo dục đại học. Nó vừa phức tạp cho xã hội, thí sinh khó theo dõi và rủi ro cho người đăng ký", Bộ trưởng nói.
Tổ chức kỳ thi linh hoạt, mỗi địa phương một kế hoạch thi
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt vấn đề: Hiện nay, nhiều trường đại học đào tạo tràn lan, tranh thủ thu hút sinh viên để có chi phí. Nhiều sinh viên ra trường phải giấu bằng cấp để tìm việc hoặc việc làm trái với ngành học. Nên chăng, các trường phải cam kết sinh viên có việc làm khi ra trường? Đại biểu này cũng đặt vấn đề có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, khó có thể có việc các trường đại học cam kết việc làm cho sinh viên. Các trường đại học đã phối hợp doanh nghiệp để dự báo nhân lực, cùng đào tạo nhưng quyền tuyển dụng là trong tay doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định, việc cam kết như vậy khó khả thi, vì mối khăng khít giữa nhà trường xã hội rất tốt, nhưng việc tuyển dụng lại không hoàn toàn trong tay nhà trường. Do đó, việc này rất khó.
Về câu hỏi có nên bỏ kỳ thi trung học phổ thông không, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, năm học sắp tới, phương án tuyển sinh sẽ linh hoạt hơn trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, các tỉnh, thành có thể có lịch thi linh hoạt hơn, Bộ đang xây dựng ngân hàng đề đủ lớn, cho phép thi nhiều lần hơn. Thậm chí mỗi tỉnh một kế hoạch thi, điều đó không sao nhưng sẽ rất phức tạp, nên tổ chức linh hoạt theo từng cụm. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, việc thi vẫn là cần thiết.
Học trực tuyến chưa hiệu quả: có nên lùi đánh giá học sinh?
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) hỏi: Dạy học trực tuyến chưa hiệu quả, chưa phù hợp truyền thống, ảnh hưởng đến chất lượng, thì việc kiểm tra đánh giá như thế nào, có nên lùi lại không?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, dạy học trực tuyến là phi truyền thống nhưng với quy mô thay thế toàn bộ chương trình là cái mới, chưa có tiền lệ, phải điều chỉnh hoàn thiện dần. Đó là việc khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, theo bộ trưởng Bộ GD&ĐT, việc lùi đánh giá là không hợp lý, học đến đâu phải kiểm tra, đánh giá đến đó. Đánh giá kiểm tra để biết được tình hình của một năm học.