Đường về nhà chưa bao giờ xa đến thế: Vé máy bay đắt đỏ, hoãn⁄ huỷ như cơm bữa, nhiều người đành “thôi cố nốt Tết về”

Ngày trước muốn về nhà chỉ cần book vé cái rẹt còn bây giờ chuyện không đơn giản như vậy...

- "Bây giờ cho bay nội địa rồi nhưng vé đắt, ít chuyến xong về quê lại còn cách ly tại nhà mà chẳng biết chiều vào thế nào nên giờ đành chấp nhận ở lại đến Tết. Bình thường thì không sao nhưng hơn nửa năm rồi chị chưa được gặp con đó". - T.D, một đồng nghiệp của tôi đang ở Sài Gòn vừa check vé máy bay về Nghệ An vừa than thở.

- "Bạn mình đang làm việc ở TP.HCM, muốn về Hà Nội mà khách sạn báo giá cách ly tập trung 10 triệu còn vé bay và các loại phí là 6 triệu, tính riêng ​​vé máy bay là 4 triệu. Nó check các loại vé vào ngày 11/10, khi Hà Nội yêu cầu phải cách ly tập trung. Hiện tại đã thay đổi nhưng vé vẫn đắt hơn cả vé Tết" - một người bạn của tôi kể lại.

- "4,5 tháng rồi không được về Hà Nội. Nhớ gia đình, nhớ anh em bạn bè ngoài đấy. Lâu lâu đi đường Sài Gòn mà cứ bị lag mất mấy giây tưởng như đang ở Hà Nội luôn á. Đang cố gắng thu xếp công việc để bay ra đây. Nhớ Hà Nội rất nhiều". - Linh Ngọc Đàm chia sẻ trên Instagram.

- "Đợt trước lên đặt vé giá rẻ từ TP.HCM - Nghệ An chưa tới 1 triệu giờ đã lên hẳn hơn 2 triệu rồi" - Phan Mạnh.

Đó là những câu chuyện tôi được nghe gần đây từ mọi người xung quanh. Chẳng phải lễ Tết nhưng vé máy bay, vé xe, vé tàu,... và các điều kiện để di chuyển trong nước đang là đề tài khiến nhiều người quan tâm. Bởi lẽ tình hình dịch bệnh phức tạp đã khiến nhiều người không thể về nhà trong nhiều tháng vừa qua.

Đường về nhà chưa bao giờ xa đến thế: Vé máy bay đắt đỏ, hoãn/ huỷ như cơm bữa, nhiều người đành “thôi cố nốt Tết về” - Ảnh 1.

Hình ảnh những hành khách đầu tiên tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 10/10 vừa qua

Khó mua - Vé đắt - Lừa đảo

Thông tin các chuyến bay nội địa mở lại hẳn đã khiến rất nhiều người háo hức, điều này không chỉ thể hiện tình hình dịch bệnh có chuyển biến khả quan hơn mà còn có ý nghĩa với những người đang sinh sống, học tập xa nhà hoặc chẳng may mắc kẹt ở vùng dịch. Ai cũng mong ngóng được về nhà sau một thời gian dài.

Nhưng mong là một chuyện còn thực tế như thế nào thì phải ở trong cuộc mới hiểu người trong kẹt.

Đầu tiên phải kể đến việc giá vé đắt đỏ, nhiều người còn nhận xét vé máy bay hiện tại còn đắt hơn cả các dịp lễ Tết. Thuý Hạnh (24 tuổi, quê Hà Tĩnh, đang ở TP.HCM), cho biết: "Hơn nửa năm rồi mình chưa về nhà. Tháng 10 này là sinh nhật mình, vừa hay được mở chặng bay nên liền check vé chặng TP.HCM - Vinh. Nhưng háo hức bao nhiêu thì lúc nhìn giá muốn sang chấn bấy nhiêu, rẻ nhất là 6,3 triệu đồng. Thôi đành chịu khó nhịn đến Tết rồi về vậy".

Đường về nhà chưa bao giờ xa đến thế: Vé máy bay đắt đỏ, hoãn/ huỷ như cơm bữa, nhiều người đành “thôi cố nốt Tết về” - Ảnh 2.

Thuý Hạnh

Không những thế, trong thời gian hơn nửa năm qua, Hạnh cũng từng đặt vé máy bay để về nhà nhưng phải chấp nhận hoàn trả 2 chiếc dưới dạng voucher để không bị mất phí.

Đường về nhà từ TP.HCM đến Đà Nẵng của Thanh Hảo (27 tuổi) còn có phần gập ghềnh hơn. Từ tháng 4/2021 đến nay, Hảo đã có tổng cộng 9 lần hoãn bay/đi tàu hoả về quê: "Hồi tháng 5, mình phải về nhà để làm lại giấy tờ nên có đặt vé khá nhiều lần. Tuy nhiên, các chuyến bay từ Sài Gòn về Đà Nẵng bị hoãn liên tục vì có nhiều ca mắc mới và các hãng hàng không cũng giữ lại tiền vé của mình. Đến giữa tháng 5, sau 6 lần hoãn vé thì mình mới được hoàn tiền lại.

Gần đây nhất. ngay khi có thông tin từ 10/10 - 20/10 sẽ có chuyến thương mại, mình đã đặt vé nhưng chuyến bay của mình bị huỷ giờ chót vì không bay được. Sau đó mình đặt vé tàu 2 lần đều trượt. Dù mình không quan tâm đến giá vé lắm nhưng đúng là nó cao hơn gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với thời điểm trước dịch. Nhiều bạn bè của mình cũng vì lí do này mà chưa thể về quê được".

Đường về nhà chưa bao giờ xa đến thế: Vé máy bay đắt đỏ, hoãn/ huỷ như cơm bữa, nhiều người đành “thôi cố nốt Tết về” - Ảnh 3.

Thanh Hảo (bên trái)

Vé đắt đã đành còn mua vé cực kỳ khó khăn. Tình trạng này khá dễ hiểu bởi các chặng bay được mở chưa nhiều trong khi lượng người mua lại đông. Và như một lẽ tất nhiên website của các hãng hàng không đều trong tình trạng báo hết trong vòng khoảng 10 ngày tới.

"Mọi người đặt vé ở đâu vậy ạ? Em lên các trang đặt mà không có chuyến nào hết", "Có ai đã về chuyến bay như thế này cho mình biết quy trình với. Còn chưa đặt được vé mà đã thấy mọi người bàn vé rồi", "Sao mình lên web không thấy có chuyến bay nhỉ?",... là những thắc mắc của dân mạng phía dưới một topic di chuyển bằng máy bay ở thời điểm hiện tại.

Tình trạng khan hiếm cũng nhan nhản trong các hội nhóm trao đổi, mua bán vé máy bay trên MXH. Không khó để bắt gặp những bài đăng hỏi mua vé, thông báo hết vé và 7749 thắc mắc xung quanh việc di chuyển giữa các địa phương. Thậm chí nhiều người khá chuyên nghiệp trong khoản đặt vé cũng thấy bối rối vì gặp nhiều yếu tố liên quan tới giấy tờ, thủ tục như giấy xét nghiệm, yêu cầu tiếp nhận từ địa phương,...

Không khó để bắt gặp những bài đăng như thế này trong các group mua bán vé máy bay

Và cũng chính từ tình trạng hiếm vé máy bay, một vài kẻ xấu đã lợi dụng để lừa đảo tiền đặt vé máy bay của những người nhẹ dạ cả tin. Hình thức khá đơn giản là nhận book vé cho khách, lấy tiền đặt cọc và lặn mất tăm. Để tăng độ uy tín, những người này còn chụp ảnh CMTND/ CCCD làm tin nhưng thật giả lẫn lộn thế nào thì có trời mới biết. Vì vậy dù "mót" về nhà đến cỡ nào thì cũng tỉnh táo nhé mọi người!

Đường về nhà chưa bao giờ xa đến thế: Vé máy bay đắt đỏ, hoãn/ huỷ như cơm bữa, nhiều người đành “thôi cố nốt Tết về” - Ảnh 5.

Một bài đăng cảnh báo lừa đảo mùa dịch

30 chưa phải là Tết - Mua vé xong chưa phải là được về nhà ngay

Nghe "hành trình" mua vé này hẳn đã khiến nhiều người chùn bước nhưng đó mới chỉ là bước đầu. Ưu tiên phòng chống dịch bệnh được đặt lên hàng đầu nên những diễn biến tiếp theo của chặng đường về nhà bây giờ còn mông lung hơn nhiều.

Theo quy định của các cơ quan chức năng, để được di chuyển, bất kỳ ai cũng phải đạt 1 trong các điều kiện sau:

- Tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày (xác nhận bằng thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp).

- Đã khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19).

- Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay.

Thế nhưng trên đây mới chỉ là điều kiện ở điểm đi còn điểm đến lại tuỳ theo quy định của từng địa phương khiến cho mọi người khá bối rối. Nhiều người để lại bình luận phía dưới một bài đăng về quá trình cách ly ở địa phương:

- Quy định cách ly tuỳ từng huyện, từng xã hay toàn tỉnh nhỉ?

- Cho mình hỏi, F0 khỏi bệnh có được về cách ly tại nhà không?

- Quy định cách ly cho người mới về như thế nào vậy ạ?

Chẳng hạn, người từ TP.HCM về Nghệ An phải tự theo dõi sức khoẻ tại nơi cư trú, lưu trú ít nhất 7 ngày. Chị đồng nghiệp tôi sau một hồi tìm hiểu thì buông tiếng thở dài rồi đành tạm hoãn kế hoạch về thăm con: "Không được nghỉ phép dài như vậy nên đành chờ đến Tết luôn chứ biết làm thế nào. Chẳng lẽ về nghỉ Tết từ bây giờ?".

Đây có lẽ cũng là những nỗi niềm của bất kỳ ai đang làm công ăn lương mà muốn về thăm nhà thời điểm này. Bởi thực tế, không nhiều công ty cho phép nhân viên vắng mặt lâu như thời gian tự cách ly mà các địa phương đưa ra.

Sự khác biệt giữa quy định di chuyển của các địa phương còn gây ra một tình huống éo le khác với người không cư trú tại nơi có sân bay mà còn di chuyển về nơi khác nữa. Ví dụ một cách dễ hiểu, chuyến bay từ TP.HCM về Hà Nội và hành khách có nhu cầu về các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Bắc Ninh,... thì phải tự cách ly tại nơi lưu trú ở Hà Nội 7 ngày rồi mới được về nhà. Về đến nhà rồi thì có thể phải tiếp tục tự cách ly nếu địa phương yêu cầu.

Đường về nhà chưa bao giờ xa đến thế: Vé máy bay đắt đỏ, hoãn/ huỷ như cơm bữa, nhiều người đành “thôi cố nốt Tết về” - Ảnh 7.

Hành khách trong chuyến bay đầu tiên từ TP.HCM ra Hà Nội ngày 12/10 vừa qua

Dù chiều về có ổn áp rồi thì một trong những lý do khiến cho nhiều người lưỡng lự chuyện về nhà lúc này chính là chiều đi. Đó là chẳng may tình hình dịch bệnh ở quê hay "đầu cầu" thành phố bất ngờ phức tạp thì hoàn toàn có khả năng không được quay lại thành phố. Điều này được dân tình đúc rút khi đã chứng kiến diễn biến khó lường của dịch bệnh và nhiều lần giãn cách xã hội trong thời gian qua.

"Mình sẽ đợi xem sau khi đợt bay thử nghiệm kết thúc vào ngày 20/10 tới có phương án thống nhất hơn về giấy xét nghiệm và thẻ xanh Covid-19 hay không rồi mới quyết định tiếp chuyện về quê. Tóm lại mình nghĩ trong thời gian này thì vẫn nên đợi, chỉ về quê trong trường hợp cấp bách thôi vì thật sự mình cũng thấp thỏm chuyện lỡ đâu lại bị kẹt lại" - Thanh Hảo chia sẻ.

Tạm kết

Về nhà thì ai cũng muốn, nhất là khi đã trải qua một thời gian dài khó khăn nhưng sức khoẻ của bản thân, gia đình và việc phòng chống dịch bệnh cũng quan trọng không kém. Vì vậy nếu không thực sự cần kíp thì hãy chịu khó chờ thêm một thời gian nữa, để mọi thứ thực sự ổn định rồi hãy về nhà nhé!

Ảnh: Tổng hợp