Trong thế giới tài chính cá nhân, một câu thần chú phổ biến luôn là: “Đừng cố theo kịp các Jones.” (Keep up with the Joneses (thành ngữ) - thấy hàng xóm có gì mới liền mua theo; đua đòi vì sợ mình không “bằng bạn bằng bè”). Ý là đừng FOMO (Hội chứng sợ bỏ lỡ).
Câu nói này là để nhắc nhở mọi người không bị bội chi bằng cách “đánh bóng” cuộc sống của mình, lái 1 chiếc xe đẹp hoặc đi nghỉ thường xuyên như “gia đình Jones”. Những người có lẽ đang sống bằng đồng lương cuối cùng và tích lũy nợ thẻ tín dụng để chi trả cho sự xa hoa của họ.
Bên cạnh đó, Facebook, Instagram và các nền tảng truyền thông xã hội khác đang khuếch đại “FOMO” - nỗi sợ bị bỏ lỡ. Các bài đăng không ngừng của những người khoe khoang về quần áo lộng lẫy, xe hơi, tiệc sinh nhật, du lịch trên biển hoặc các khoản chi tiêu khác nhanh chóng “viral" và nhiều đến khó tin.
Một vài năm trước, video về một mục sư ở Megachurch đã được lan truyền mạnh mẽ. Cuối cùng, anh ta đã gần như bị phá sản vì vung tiền mua chiếc Lamborghini 200.000 USD (4.6 tỷ đồng) cho vợ. Sự kiện này được đăng tải trên Instagram khiến tất cả mọi người phải ghen tị. Đây cũng là kỹ xảo để kích hoạt “lòng ham hư vinh", khiến chúng ta mua sắm nhiều hơn. Tại sao lại nói với thế giới rằng bạn đã mua cho vợ/ chồng của mình một chiếc xe hơi có giá tương đương một ngôi nhà?
Phương tiện truyền thông xã hội mở rộng phạm vi tiếp cận của chúng ta vượt ra những người quen biết ngoài đời. Giờ đây, chúng ta có nhiều bằng chứng hơn bao giờ hết về việc các ứng dụng mạng xã hội khác đang quảng bá những bài đăng gây tổn hại đến hình ảnh bản thân và sức khỏe tinh thần của các cô gái trẻ. Luôn nhìn thấy cuộc sống hào nhoáng của những người khác khiến họ có xu hướng so sánh bản thân với người ngoài, dẫn đến tình trạng ảnh hưởng sức khỏe cũng như tài chính.
Nhưng không chỉ các cô gái trẻ mới bị tổn thương. Có thể nói rằng những nền tảng này có thể đang gây tổn hại đến cuộc sống tài chính của mọi người. Tất nhiên, xem các trang xã hội, chương trình truyền hình và phim về người giàu hay lối sống của họ luôn là chủ đề được nhiều khán giả quan tâm. Nhưng giờ đây, các thiết bị di động đang liên tục gửi cho mọi người những hình ảnh và câu chuyện khiến họ ước có được nhiều thứ xa xỉ hơn của riêng mình. Đó là sự khoe khoang hàng ngày.
Cứ 10 người dùng Facebook thì có 7 người - và khoảng 6/10 người dùng Instagram và Snapchat - truy cập những tài khoản “khoe khoang sự xa xỉ" này ít nhất một lần mỗi ngày, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew. Pew cho biết phần lớn thanh niên từ 18 đến 29 tuổi nói rằng họ sử dụng Instagram hoặc Snapchat, và ½ trong số đó sử dụng TikTok.
Để đối phó với sự phẫn nộ về các hoạt động của mình, Facebook cho biết trong một tuyên bố: “Mỗi ngày, các nhóm của chúng tôi phải cân bằng việc bảo vệ quyền của hàng tỷ người được thể hiện bản thân một cách cởi mở với nhu cầu giữ cho nền tảng của chúng tôi là một nơi an toàn và tích cực”.
Đối với nhiều người tiêu xài hoang phí, những nền tảng này không phải là không gian an toàn về mặt tinh thần. Đặc biệt khi có quá nhiều người tập trung đăng tải cuộc sống hào nhoáng của bản thân. Một số nghiên cứu cho rằng, những điều này một phần là do sự tự ti bên ngoài đời thực của người dùng MXH.
Phương tiện truyền thông xã hội đang tạo ra một nhóm tham chiếu mới về tiêu chuẩn cuộc sống bao gồm những người có ảnh hưởng - KOL. Áp lực từ bạn bè đã đủ tồi tệ, nhưng bây giờ các cô gái và chàng trai trẻ đang cố gắng cạnh tranh với những người mà họ thậm chí không biết.
Sự so sánh gây tổn hại về mặt tâm lý, mặc dù họ đang sống một cuộc sống khá tốt. “Nó chỉ khiến tôi cảm thấy tồi tệ về bản thân mình,” một cô gái tuổi teen chia sẻ “So sánh bản thân mình với guồng quay nổi bật trong cuộc sống của mọi người khiến tôi cảm thấy rằng mình không đủ hoặc không có lối sống như mong muốn, trong khi thực tế tôi vẫn rất ổn.”
Đã có rất nhiều người tiêu tiền nhiều hơn dự định hoặc lâm vào cảnh nợ nần bởi họ thấy những KOL sống hết mình bằng cách chi tiêu vào những món đồ xa xỉ, đi du lịch thật nhiều. Trong khi mức sống và mức thu nhập của cả 2 là khác nhau. Điều đó khiến cho một số người bị bội chi, ảnh hưởng rất tiêu cực đến tài chính cá nhân.
MXH có thể là một tác nhân gây căng thẳng, đó là lý do tại sao tất cả chúng ta có lẽ cần ít thời gian sử dụng thiết bị hơn. Nhìn người khác sống theo những gì bạn cho là tốt hơn, giàu có hơn có thể khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn về cuộc sống của chính mình. Điều đó có thể ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe tài chính của bạn.
Ảnh: Tổng hợp